Chủ tịch DTL: “Công ty là tâm huyết lớn nhất, duy nhất của tôi”

Chủ tịch DTL: “Công ty là tâm huyết lớn nhất, duy nhất của tôi”

(ĐTCK) “Tôi thành lập DTL từ năm 2001, được bao nhiêu lợi nhuận đều dùng để tái đầu tư, nên mới có được cơ ngơi cả nghìn tỷ như hiện nay”.

Khó khăn dồn dập đến với CTCP Đại Thiên Lộc (DTL) trong quý III/2012, khi giá thép giảm, khu liên hiệp thép mới đi vào vận hành chưa được trơn tru, các ngân hàng dồn dập thu hồi nợ. Chủ tịch DTL, ông Nguyễn Thanh Nghĩa đã chia sẻ với ĐTCK về những ngày tháng đó cũng như nỗ lực vượt qua sóng gió khủng hoảng vốn.

Chủ tịch DTL: “Công ty là tâm huyết lớn nhất, duy nhất của tôi” ảnh 1

  Chủ tịch DTL Nguyễn Thanh Nghĩa: "Đối với tôi và gia đình, Công ty là tâm huyết, là tài sản lớn nhất và duy nhất"

 

Thưa ông, vì sao năm trước, đúng thời điểm Công ty đầu tư Khu liên hợp thép, DTL rất cần vốn để sản xuất - kinh doanh mà chỉ biết trả nợ không được nhận nợ vay?

Năm ngoái, vào quý III, một số ngân hàng tập trung rút gần như toàn bộ vốn vay ngắn hạn khỏi DTL. Như HSBC rút toàn bộ 4 triệu USD khi nợ đến hạn, VIB cũng rút một phần, còn Sacombank khi thay đổi nhân sự cấp cao đã không cấp lại hạn mức vay đúng thời hạn. Trong vòng 3 tháng, dồn vào thời điểm quý III và đầu tháng 10, khoảng 700 tỷ đồng vốn vay ngắn hạn của DTL bị các ngân hàng lần lượt rút về. Cùng lúc đó, giá thép lại giảm nên hàng bán ra thị trường rất khó. Mặt khác, theo tôi biết, một số ngân hàng có chủ trương không cho doanh nghiệp ngành thép vay nữa. Ngoài ra, có những người tìm mọi cách nhằm hạ uy tín của DTL, đưa tin Công ty đã lắp đặt xong máy móc nhưng không sản xuất được, hàng hóa không tiêu thụ được và có nguy cơ phá sản. Tất cả những điều ấy làm cho DTL đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

 

Vậy thực tế, những vấn đề đó có xảy ra ở DTL không, thưa ông?

Việc đầu tư Khu liên hợp thép DTL kéo dài so với dự kiến có một phần nguyên nhân là do nhà cung cấp nước ngoài giao thiết bị chậm trễ, dẫn đến việc lắp đặt kéo dài. Đội ngũ công nhân vận hành chưa quen với công nghệ châu Âu nên còn có những hạn chế nhất định, sản lượng chưa đạt theo yêu cầu và công suất cũng chưa đạt mức tối đa. Tôi nghĩ, doanh nghiệp nào khi tiếp nhận công nghệ mới cũng sẽ gặp phải những khó khăn như vậy. DTL không phải là ngoại lệ và tôi tin tưởng rằng, sau này, khi công nhân làm chủ được máy móc, chắc chắn sản xuất sẽ đi vào ổn định, sản phẩm đạt chất lượng theo yêu cầu. 

 

Áp lực lớn như vậy, có lúc nào ông cảm thấy tuyệt vọng không?

Dự án Khu liên hợp Công ty đã đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, chủ yếu dùng vốn tự có. Nhưng do Dự án kéo dài gần 2 năm, nên vốn vay trung hạn hết hạn giải ngân. Năm ngoái, chưa nhận hết vốn vay trung hạn mà lại phải trả vốn vay trung hạn đã nhận trước đó, bị rút vốn ngắn hạn thì DTL càng thiếu hụt về vốn. Lúc đó, điều mà tôi cũng như Công ty lo sợ nhất là nếu không trả nợ được một ngân hàng, nợ quá hạn xuất hiện trên toàn hệ thống thì hệ lụy có khả năng xảy ra là các ngân hàng sẽ tiến hành rút vốn đồng loạt. Để thu hồi nợ bằng mọi giá, ngân hàng sẵn sàng cho phát mại tài sản của Công ty, bán với bất cứ giá nào có thể. Cho dù giá trị đầu tư 1.000 tỷ đồng, nhưng ngân hàng vẫn có quyền bán chỉ 100 tỷ đồng để thu hồi vốn vay mà Công ty không thể can thiệp được.

 

Chủ tịch DTL: “Công ty là tâm huyết lớn nhất, duy nhất của tôi” ảnh 2DTL dự kiến năm nay doanh thu đạt 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận 90 tỷ đồng

Vậy, giải pháp để vượt qua khủng hoảng vốn của DTL là gì, thưa ông?

Ban lãnh đạo Công ty phải tiến hành tái cơ cấu lại nguồn vốn, từ nguồn vốn vay đến tài sản cố định. Những tài sản nào khai thác không hiệu quả thì bán đi, cân đối lại lượng hàng tồn kho, hàng nào bán được trong nội địa, hàng nào xuất khẩu được là tiến hành cho xuất khẩu, nhằm thu tiền trả cho ngân hàng.

Bản thân tôi cùng với gia đình cũng phải bán các khoản đầu tư khác đến hơn 100 tỷ đồng để giúp Công ty cơ cấu lại vốn, không để nợ quá hạn. Rất may là đến tháng 12/2012, giá thép ổn định trở lại, có chiều hướng tăng lên và việc xuất hàng tồn kho ra thị trường được thuận lợi hơn. Ngoài ra, một số ngân hàng khác qua tìm hiểu tình hình thực tế của Công ty đã tiến hành cho vay như OCB, Liên Việt, BIDV. Nhìn chung, DTL đã dần đi vào ổn định, phát triển.

 

Hiện nay, Dự án Khu liên hợp thép DTL đã hoạt động ổn định chưa, thưa ông?

Các dây chuyền thép lá mạ màu công suất 85.000 tấn/năm, mạ hợp kim nhôm kẽm công suất 270.000 tấn/năm, thép cán nguội (1, 2, 3) công suất 300.000 tấn/năm của Khu liên hợp đã sản xuất ổn định, cho ra sản phẩm đạt chất lượng. Riêng dây chuyền mạ lạnh số 2 dự kiến đầu tháng 5 này đưa vào sản xuất, hoàn thành dự án. Hiện tại, chúng tôi đã ký hơn 20.000 tấn hàng xuất khẩu cho tháng 3 và tháng 4 sang thị trường Indonesia, Bangladesh, Thái Lan, Campuchia, Lào…, vì hiện nay xuất khẩu được giá hơn là tiêu thụ trong nội địa.

 

Nhưng rủi ro với thị trường xuất khẩu không phải là nhỏ, như vấn đề kiện chống bán phá giá đối với hàng Việt Nam?

Các nước như Indonesia, Thái Lan sản xuất cung không đủ cầu nên nhà sản xuất muốn đẩy giá lên cao. Lượng tôn Việt Nam xuất sang Indonesia là tương đối lớn, theo đánh giá của tôi, chiếm khoảng 40% xuất khẩu tôn mạ của Việt Nam. Do vậy, khả năng hàng Việt Nam bị kiện chống bán phá giá là rất lớn.

Hiện nay, nhà máy nào đã sản xuất tôn lạnh đều cố gắng đạt chứng chỉ SNI để xuất khẩu vào thị trường Indonesia, và trong tháng này, chúng tôi sẽ tiến hành giao những tấn hàng tôn lạnh đầu tiên vào thị trường tiềm năng này. Còn với thị trường Thái Lan, chúng tôi đã xuất khẩu từ nhiều năm nay. Nói chung, vấn đề kiện tụng là vấn đề mới và khó với doanh nghiệp, nhưng chúng tôi cũng đã thông qua Hiệp hội Thép Việt Nam để tham gia vào chống kiện bán phá giá.

 

Còn thị trường nội địa thì sao, DTL có chịu sức ép cạnh tranh lớn không, thưa ông?

Thị trường nội địa hiện nay, lĩnh vực thép lá mạ có một vài thương hiệu nổi tiếng. Nói chung, các sản phẩm tôn trong nước có công nghệ sản xuất cơ bản như nhau, chất lượng tương đương, nên vấn đề cạnh tranh là thương hiệu và tiếp thị. DTL bán nguyên liệu cho các nhà máy cán tôn trong nước, nhưng tôn lạnh chúng tôi mới sản xuất, người tiêu dùng chưa biết đến nhiều nên trước mắt chúng tôi chấp nhận giá cạnh tranh hơn.

Sở dĩ DTL chưa đầu tư nhiều cho thương hiệu vì trước đây, chúng tôi kinh doanh thương mại là chính, chưa đầu tư sản xuất quy mô lớn như hiện tại, nên chưa mở rộng thị trường và chưa đa dạng hoá sản phẩm. Bây giờ, đầu tư công nghệ thiết bị mới, có sản lượng thì chắc chắn, Công ty phải phát triển thương hiệu để chiếm lĩnh thị phần trong nước bằng việc chứng minh chất lượng hàng của mình không thua kém các thương hiệu khác. Chúng tôi sẽ tiếp thị trực tiếp đến tận tay người tiêu dùng, sử dụng thiết bị kiểm tra chất lượng sản phẩm để người tiêu dùng, các cửa hàng vật liệu xây dựng biết và tin dùng.

 

So sánh giữa thị trường xuất khẩu và nội địa, ông thấy thị trường nào khó khăn hơn?

Ở nước ngoài, họ đặt hàng theo đúng tiêu chuẩn mà họ cần và có máy kiểm định chất lượng, nên việc cạnh tranh rõ ràng hơn. Còn ở Việt Nam, cái khó là hàng Trung Quốc tràn lan trên thị trường. Từ ngày 1/4/2012, bắt đầu áp dụng mức thuế ASEAN +1, mặt hàng thép lá mạ màu và tôn mạ hợp kim nhôm kẽm sử dụng rất nhiều trong nước, nhưng bị bỏ ngỏ với chính sách thuế nhập khẩu là 0% và 5%, không có hàng rào tiêu chuẩn và kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu để bảo vệ người tiêu dùng. Với chính sách thuế như vậy, doanh nghiệp trong nước sẽ gặp khó khăn và đòi hỏi hàng có thương hiệu mới bán được. 

 

Sau những khó khăn, liệu năm 2013,  DTL có khởi sắc trở lại?

HĐQT Công ty dự kiến năm nay doanh thu đạt 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận 90 tỷ đồng. Con số lợi nhuận có khả năng vượt nhưng không nhiều, vì đây là năm đầu tiên DTL trả vốn vay trung hạn và tỷ lệ khấu hao rất lớn trong giá thành. Vốn vay trung hạn đầu tư Dự án Khu liên hợp 300 tỷ đồng, thì năm nay trả vốn vay khoảng 85 tỷ đồng. Nhưng với thời gian khấu hao nhanh, các cổ đông nắm giữ cổ phiếu DTL lâu dài rất có lợi.

Tôi thành lập DTL từ năm 2001, lúc đầu chỉ kinh doanh thương mại, được bao nhiêu lợi nhuận đều dùng để tái đầu tư nên mới có được cơ ngơi cả nghìn tỷ như hiện nay. Đối với tôi và gia đình, Công ty là tâm huyết, là tài sản lớn nhất và duy nhất, nên tôi tin và nỗ lực hết mình để DTL tiếp tục phát triển ổn định và bền vững.