Chuyển hướng vào mảng bán lẻ
Tròn hai năm kể từ khi ông Minh nhậm chức Chủ tịch HĐQT TCBS, chiến lược hoạt động của TCBS có nhiều thay đổi. Từ chỗ tập trung chủ yếu vào hoạt động tư vấn M&A, tư vấn phát hành, thu xếp vốn, với đối tượng khách hàng chủ yếu là nhà đầu tư tổ chức, TCBS bắt đầu chú trọng phát triển mảng môi giới.
Doanh thu của hoạt động môi giới đã có bước tăng trưởng ngoạn mục trong năm 2015. Nếu như quý I, TCBS đạt 48,2 tỷ đồng doanh thu, trong đó doanh thu môi giới chỉ đạt 113 triệu đồng, thì sang quý II, doanh thu vọt lên 114 tỷ đồng, trong đó mảng môi giới đem lại 9,9 tỷ đồng. Quý III vừa qua, Công ty đạt 177 tỷ đồng doanh thu và theo lời ông Minh, doanh thu môi giới tiếp tục tăng trưởng tốt.
Lợi nhuận trước thuế của TCBS theo đó cũng có bước tăng trưởng mạnh, lần lượt đạt 28,9 tỷ đồng, 99,9 tỷ đồng và 161 tỷ đồng trong ba quý đầu năm nay. Nếu đà tăng trưởng này tiếp tục được duy trì, trong quý cuối năm, TCBS sẽ lọt vào Top 5 CTCK có lợi nhuận lớn nhất thị trường.
“Doanh thu môi giới của TCBS tăng trưởng tốt là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, đây vẫn là kết quả rất khiêm tốn so với các công ty cùng ngành, vì chúng tôi cũng chỉ mới bắt đầu tham gia chính thức vào mảng kinh doanh này trong năm nay. Mục tiêu và kế hoạch phát triển của chúng tôi trong vòng 3 năm tới sẽ vào Top 3 thị phần môi giới toàn thị trường”, ông Minh chia sẻ.
Con đường để đến đích trên, theo chia sẻ của vị chủ tịch Công ty, là từ năm 2015, TCBS sẽ tập trung vào mảng bán lẻ, bên cạnh việc vẫn duy trì thế mạnh dịch vụ đối với khối khách hàng tổ chức trong mảng trái phiếu như lâu nay. Khách hàng mục tiêu của TCBS là khách hàng cá nhân phân khúc cao cấp.
“Mục tiêu của chúng tôi là mang đến một trải nghiệm mới về đầu tư, với nhiều loại sản phẩm đầu tư đa dạng, không chỉ có cổ phiếu chứng khoán mà gồm những sản phẩm đầu tư khác như trái phiếu, quỹ đầu tư và sắp tới là những sản phẩm chứng khoán liên kết với đầu tư bất động sản”, ông Minh nói.
Quan điểm kinh doanh ông Minh cũng phù hợp với quan điểm của ngân hàng mẹ Techcombank là tạo được các giải pháp đầu tư được “may đo” phù hợp với nhu cầu thực tế của từng đối tượng khách hàng, hiểu được nhu cầu của khách hàng là gì và từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp, thay vì đưa ra các sản phẩm tiêu chuẩn để họ tự chọn lưa.
Để phục vụ cho chiến lược trên, vào cuối quý III vừa qua, TCBS đã giới thiệu Hệ thống đầu tư online TCInvest, với mục đích tạo nên một nền tảng đầu tư trực tuyến cho các hoạt động đầu tư, quản lý danh mục của nhà đầu tư. Ngoài hệ thống thông thường như các CTCK khác, điểm mạnh của hệ thống này là TCBS tận dụng và tích hợp được với hệ thống core banking của ngân hàng mẹ. Điều này đồng nghĩa với việc Techcombank có thể tận dụng hệ thống khách hàng của ngân hàng mẹ, nhất là các khách hàng có nguồn vốn dư dả và có nhu cầu đầu tư để hưởng lãi suất cao hơn tiền gửi tiết kiệm.
“Chúng tôi tập trung đầu tư vào công nghệ trên nền tảng tích hợp toàn diện với hệ thống của Techcombank. Khách hàng chỉ cần một tài khoản để có thể chủ động quản lý và giao dịch tất cả các hoạt động tài chính, đầu tư, ngân hàng, do đó, sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí và nguồn lực. Tự động hóa và trực tuyến hóa trong hoạt động cũng giúp TCBS nâng cao được hiệu quả hoạt động, giảm nguồn nhân lực và tối ưu hóa trong công tác quản trị rủi ro”, ông Minh chia sẻ.
Với tiềm lực tài chính mạnh và chi phí vốn thấp, TCBS có nhiều chương trình hỗ trợ khách hàng. Chẳng hạn, trong thời gian sắp tới, họ sẽ giới thiệu một gói cho vay ký quỹ 300 tỷ đồng cho khách hàng đầu tư chứng khoán với lãi suất margin chỉ 9,9%/năm, mức thấp nhất trên thị trường hiện nay.
Tận dụng lợi thế chuỗi
Với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính và đầu tư, trong đó có 10 năm làm Trưởng đại diện Franklin tại Singapore và Việt Nam, từng sáng lập và đảm nhiệm vị trí Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Vietnam Asset Management, hiện ông Minh đang là “kiến trúc sư trưởng” cho nhiều giải pháp kinh doanh, kết hợp lợi thế của Công ty.
Tính đến thời điểm này, theo ông Minh, Techcombank có gần 55.000 khách hàng ưu tiên. Họ có thể là kỹ sư, bác sỹ, doanh nhân…, những người có quỹ thời gian rất hạn hẹp cho việc nghiên cứu các kênh đầu tư cũng như tập trung phân tích, theo dõi danh mục đầu tư. Trong khi đó, ai cũng muốn tối ưu hóa đồng tiền mình có được. Để giải bài toán này, TechcomGroup, gồm Techcombank, TCBS và TechcomCapital (với hai quỹ mở) đã đưa ra hệ thống sản phẩm mới khá đa dạng.
Nếu muốn tìm một kênh đầu tư đi giữa hai làn đặc điểm: lãi suất cao hơn tiền gửi tiết kiệm và rủi ro thấp hơn chứng khoán, lời giải có thể là bộ sản phẩm chứng khoán linh hoạt TCBond. Ở thời điểm hiện nay, khi lãi suất tiền gửi tiết kiệm 1 năm chỉ dao động quanh 5%/năm, một số sản phẩm của TCBond có lãi suất lên tới 9,5%/năm, đồng thời trái phiếu được niêm yết để nhà đầu tư có thể mua đi bán lại.
Đây là một sản phẩm khá hấp dẫn nên được nhiều khách hàng lựa chọn. Nếu như vào năm ngoái, TCBS chỉ phát hành cho khách hàng ưu tiên của Techcombank với mệnh giá mỗi trái phiếu từ 500 triệu đồng trở lên, thì nay họ mở rộng cho tất cả nhà đầu tư cá nhân trên thị trường.
Không chỉ hướng đến hệ thống khách hàng cao cấp, TCBS còn chú trọng việc liên kết và tích hợp chặt chẽ trong hệ thống Techcom, trên cả phương diện mạng lưới khách hàng, sản phẩm và công nghệ. Hai quỹ mở TCEF và TECBF (cùng mệnh giá chứng chỉ quỹ là 10.000 đồng, hoạt động với thời gian không xác định) cho phép họ khai thác được cả những nhà đầu tư vốn ít, ham thích đầu tư song không có thời gian cũng như khả năng chuyên môn để đầu tư hiệu quả trên thị trường tài chính.
“Tiềm năng của thị trường Việt Nam là vô cùng lớn, quy mô thị trường quỹ đầu tư Việt Nam mới ở mức 100 - 200 triệu USD, trong khi ở các nước trong khu vực là thị trường nhiều tỷ USD. Ngay Malaysia trong vòng 10 năm họ phát triển từ thị trường dưới 1 tỷ USD lên 50 tỷ USD’, ông Minh nhận định.
Thị trường còn vô cùng tiềm năng, năng lực của Techcombank và hệ thống ngân hàng mẹ, công ty con cũng đang được chứng minh. Tuy nhiên, để chiến thắng và phát triển một cách bền vững trên thị trường này thực sự không đơn giản.
Cứ nhìn ngành quản lý quỹ èo uột của Việt Nam sẽ thấy vì sao khách hàng không tin tưởng trao tiền cho các công ty quản lý quỹ. Thành tích nghèo nàn của các công ty quản lý quỹ, NAV duy trì ở mức thấp của các quỹ cho thấy, nhà đầu tư chưa thể thực sự an tâm bỏ tiền vào kênh đầu tư này, dù bản thân họ đầu tư cũng rất dễ thua lỗ.
Năm 2014, TCBS đã thu xếp phát hành trái phiếu cho các doanh nghiệp với giá trị hơn 1 tỷ USD. Đó là con số mơ ước của bất cứ CTCK nào, và chắc chắn với giá trị lớn như vậy họ phải tìm kiếm được nhiều bên mua, chứ không phải chỉ có ngân hàng mẹ đứng ra bao sân. Nguồn thu từ những hoạt động này cũng đảm bảo cho TCBS nằm trong Top 10 CTCK có lợi nhuận lớn nhất thị trường.
Tuy nhiên, đi bằng hai chân bao giờ cũng vững vàng và sẽ nhanh về đích, bởi vậy TCBS không muốn đứng nhìn chiếc bánh thị phần đến từ các hoạt động cốt lõi của một CTCK như môi giới, tự doanh... chia cho các CTCK khác. Có sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ một ngân hàng TMCP lớn, với tính thực tế và linh hoạt rất cao, có thể năm 2016, thị trường sẽ chứng kiến thêm một ngôi sao mới.
Trò chuyện với ông Nguyễn Xuân Minh
Quan điểm điều hành của ông khi lãnh đạo một tổ chức năng động và đòi hỏi cao về hiệu quả như TCBS, thành viên nhóm Techcomgroup?
Techcom Securities là một công ty trẻ trung, nhưng đầy khát vọng. Chúng tôi đề cao sự chủ động, sáng tạo và làm chủ công việc của mỗi cá nhân trong một tập thể năng động và đầy tham vọng.
Chúng tôi xây dựng văn hóa tổ chức dân chủ, cởi mở, khuyến khích sáng tạo và đặc biệt nền tảng xuyên suốt trong mọi hoạt động kinh doanh của công ty là sự liêm chính, tôn trọng đạo đức nghề nghiệp và hướng tới sự phát triển bền vững.