Được biết, C47 đã trúng thầu nhiều dự án trọng điểm trong năm 2016, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về các dự án này?
Chúng tôi đã ký kết hợp đồng thi công nhiều dự án nổi bật trong năm 2016. Cụ thể, Dự án Thủy điện Thượng Kon Tum với gói thầu thi công đường hầm dẫn nước bằng TBM (lý trình km 5 ÷ km 14+477) và gia cố phần còn lại (lý trình km 14+477 ÷ km 17+185). Tổng giá trị gói thầu (bao gồm VAT) gần 698 tỷ đồng và 31.000 USD. Dự kiến, dự án sẽ cho doanh thu 125 tỷ đồng trong năm 2016; 505 tỷ đồng trong năm 2017 và năm 2018 thi công giá trị còn lại là 80 tỷ đồng.
Với Dự án Thủy điện Đa Nhim, C47 thực hiện gói hợp đồng các công tác xây dựng và kiến trúc có giá trị hơn 713 tỷ đồng. Dự kiến, doanh thu được ghi nhận từ dự án trong năm 2016 là 120 tỷ đồng, năm 2017 là 404 tỷ đồng và năm 2018 thi công giá trị còn lại là 123 tỷ đồng.
Đối với Dự án Thủy điện Trung Sơn, Công ty thực hiện Phụ lục bổ sung hợp đồng 40-16 là thi công các hạng mục phát sinh với giá trị hợp đồng gần 38 tỷ đồng, ghi nhận hết trong năm 2016.
Ông Nguyễn Lương Am
Ngoài ra, với Dự án Thủy điện Sông Bung 2, C47 cũng được chủ đầu tư chỉ định thầu thêm khối lượng bổ sung giá trị 12,144 tỷ đồng, thi công trong năm 2016.
Bước sang năm 2017, dự kiến, C47 sẽ ký hợp đồng và tham gia đấu thầu các công trình mới như: ký điều chỉnh bổ sung hợp đồng thi công hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, với giá trị 2.500 tỷ đồng. Công ty cũng đang tham gia đấu thầu công trình đầu mối hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An (giá trị 400 tỷ đồng); gói thầu san lắp và xây dựng Nhà máy lọc hóa dầu Long Sơn (1.820 tỷ đồng). C47 cũng chuẩn bị tham gia các gói thầu của dự án chống ngập TP. HCM; gói thầu cụm công trình đầu mối Dự án Sông Giang 1, Dự án Thủy điện tích năng Bác Ái, Dự án thủy lợi Đồng Mít...
Bí quyết nào để C47 có thể trúng thầu nhiều dự án trọng điểm như vậy, thưa ông?
Các dự án về đầu tư xây dựng trong thời gian qua và dự báo sắp tới sẽ giảm đi đáng kể, nên áp lực cạnh tranh trong ngành là rất quyết liệt. Xây dựng lợi thế cạnh tranh bằng chất lượng công trình là mục tiêu được C47 đặt lên hàng đầu.
Nhờ vậy, số lượng và giá trị công trình trúng thầu của Công ty có xu hướng tăng hàng năm. Thương hiệu, uy tín của C47 ngày càng được khẳng định khi các chủ đầu tư tin tưởng chỉ định thầu nhiều dự án như tổng thầu công trình thủy điện Đồng Nai 4, hồ chứa nước Định Bình, công trình thủy lợi đập Piano Văn Phong, Nhà máy Thủy điện Định Bình, Thủy điện Sông Bung 4A, Thủy điện Srepok 4A, thủy lợi Tân Mỹ, Thủy điện Sông Bung 2… và mới đây là công trình Thủy điện Thượng Kon Tum với giá trị 2 gói thầu lên đến 1.600 tỷ đồng.
Mặt khác, việc luôn tiên phong áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực xây dựng cũng tạo thế mạnh cho C47. Từ những năm 2000, C47 đã áp dụng công nghệ độn tro bay hoạt tính vào bê tông khối lớn tại Dự án đập Tân Giang – Ninh Thuận; năm 2005 là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam áp dụng công nghệ bê tông đầm lăn (RCC) tại Dự án đập Định Bình; công nghệ bê tông tự lèn ở đập Phím đàn Piano Văn Phong dài nhất thế giới vào năm 2010... Và mới đây, một công nghệ rất mới đối với các nhà thầu trong nước là thi công đào hầm bằng TBM. Chính nhờ vậy, C47 đã tự mở ra cơ hội tham gia những dự án thi công hầm dài của các nhà máy thủy điện, công trình thủy lợi (đường hầm liên hồ chứa), giao thông (hầm đường bộ và đường sắt, metro) ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM bằng công nghệ TBM.
Hàng năm, Công ty cũng luôn cân đối vốn để đầu tư khoảng 100 tỷ đồng để bổ sung thêm xe máy, thiết bị mới nhằm đáp ứng khối lượng công việc gia tăng, yêu cầu chất lượng công trình ngày càng cao và công nghệ thi công ngày càng tiên tiến.
Một yếu tố quan trọng không thể thiếu chính là cơ chế quản lý tập trung nhằm vào đội ngũ nhân sự giỏi. Hiện Công ty đang sở hữu một đội ngũ quản lý kỹ thuật giỏi về nghiệp vụ, đội ngũ công nhân lành nghề chuyên nghiệp. Do vậy, C47 luôn đáp ứng yêu cầu tiến độ, chất lượng và mỹ thuật theo yêu cầu của các chủ đầu tư. Nguồn nhân lực là thế mạnh và cũng là động lực để C47 tìm kiếm nhiều công trình trong thời gian qua.
Việc trúng thầu nhiều dự án trong khi quy mô vốn điều lệ khá nhỏ, chỉ có 120 tỷ đồng và thời gian quyết toán dài dường như đang gây áp lực tài chính lên Công ty, thưa ông?
Trong 3 năm gần đây, doanh thu xây dựng bình quân hàng năm của Công ty đạt hơn 1.100 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ có 120 tỷ đồng cho thấy sự mất cân đối giữa vốn chủ sở hữu và nhu cầu vốn kinh doanh, buộc Công ty phải sử dụng vốn vay nhiều. Mặt khác, công nợ kéo dài tại các dự án Thủy điện Sông Bung 5, Thủy điện Sông Bung 4A, Thủy điện Nước Trong, Thủy điện Tiên Thuận, Thủy điện Srepok 4A... đã khiến Công ty gặp khó trong bài toán nguồn vốn.
C47 đã thực hiện hàng loạt giải pháp để cải thiện tình hình này. Cụ thể, Công ty đã làm thủ tục xin phát hành tăng vốn điều lệ từ 120 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng. Đồng thời, chúng tôi cũng đàm phán với các ngân hàng để ký kết hạn mức tín dụng phù hợp với tình hình sản xuất – kinh doanh của Công ty; kiên quyết tạm ngừng chi đối với những công trình hoàn công thu hồi vốn chậm, chỉ tập trung vốn cho các công trình có vốn, giải quyết nhanh những vướng mắc trong khâu nghiệm thu thanh toán khối lượng hoàn thành hàng tháng, hàng quý để tăng vòng quay vốn, giảm nợ vay.
Chúng tôi đã thành lập ban thu hồi và xử lý nợ để xem xét các thủ tục pháp lý nhằm thu hồi vốn từ các dự án chậm thanh toán. Bên cạnh đó, Công ty cũng sẽ xem xét thanh lý các tài sản mà chủ yếu là các thiết bị thi công hiện tại đang thừa hoặc không còn giá trị phục vụ cho sản xuất để giảm bớt gánh nặng tài chính cho Công ty.
Bên cạnh hoạt động cốt lõi, Công ty cũng kinh doanh lĩnh vực du lịch và đang có kế hoạch mở rộng mảng này; đồng thời đầu tư dự án chung cư thương mại và xây dựng nhà máy gạch. Ông lý giải thế nào về việc mở rộng đầu tư sang các mảng kinh doanh khác trong khi nguồn vốn rất eo hẹp?
Trong lĩnh vực du lịch, Công ty chủ yếu điều hành Khách sạn Hải Âu ở Quy Nhơn, Bình Định. Đây là khách sạn có tỷ lệ lấp đầy phòng cao, hoạt động ổn định, doanh thu tăng trưởng hàng năm từ 15 - 20%. Riêng năm 2015, khách sạn cho doanh thu 100 tỷ đồng.
C47 đang có kế hoạch mở rộng khách sạn, bởi nhu cầu phòng nghỉ tại khu vực này vẫn lớn. Công ty sẽ cải tạo mở rộng với việc xây thêm một khối cao tầng 18 tầng bên cạnh khối 12 tầng hiện hữu với quy mô 250 phòng, 450 giường đạt tiêu chuẩn 4 sao cùng các phân khu dịch vụ đi kèm. Tiến độ thực hiện dự án khoảng 36 tháng, nguồn vốn thực hiện dự án từ 30% vốn tự có, 70% còn lại sử dụng vốn vay ngân hàng.
Đối với dự án chung cư thương mại, Công ty đang sở hữu quỹ đất hơn 20 ha có lợi thế về vị trí, giáp trục đường Tây Sơn và đường Hoàng Văn Thụ (TP. HCM), trong quy hoạch chung định hướng giáp thêm một mặt đường nội bộ rất thuận lợi cho việc giao thông tiếp cận và phát triển dịch vụ.
Theo đó, Công ty kỳ vọng sản phẩm chất lượng, giá cả cạnh tranh sẽ rất hút khách, tạo nguồn thu tốt cho C47. Giai đoạn 1 của dự án được xây dựng trên diện tích đất 12,5 ha, diện tích sàn xây dựng gần 64 ha với mật độ xây dựng 43,5%. Dự án bao gồm khối công trình chính là 1 tầng hầm, 15 tầng nổi (khối đế 2 tầng thương mại dịch vụ và 3 block chung cư A, B,C mỗi block cao 13 tầng), sân thượng, mái.
Ngoài ra, Nhà máy gạch AAC – nhà máy gạch bê tông siêu nhẹ, công suất 100.000 m3/năm, có sản phẩm đầu ra là gạch bê tông khí chưng áp và các chủng loại sản phẩm đặc biệt khác theo yêu cầu của thị trường. Nhà máy gạch bê tông siêu nhẹ cung cấp cho các công trình mà C47 thi công và phục thị trường trong cả nước, trọng điểm là khu vực miền Trung và Tây Nguyên, góp phần làm tăng doanh thu của Công ty và tận dụng được các thiết bị nhàn rỗi tạm thời ở các công trường thi công, nâng cao hiệu quả sản xuất trong toàn Công ty.