Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết, cùng với hệ thống ngân hàng, BIDV cũng quyết liệt triển khai chỉ đạo của Chính phủ, NHNN trong việc cơ cấu lại nợ, cho vay mới với lãi suất thấp, miễn giảm lãi, phí.
Bên cạnh đó, BIDV tăng cường chuyển đối số, đẩy mạnh các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, cải cách thủ tục hành chính, phục vụ tốt các nhu cầu dịch vụ tài chính ngân hàng của nền kinh tế.
Với kết quả đó, ông Phan Đức Tú cho biết, năm 2021, BIDV đã cùng hệ thống các TCTD Việt Nam có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế.
Theo Chủ tịch BIDV, các TCTD nói chung và BIDV nói riêng đã xây dựng và thực hiện nhiều phương án đảm bảo kinh doanh liên tục, vừa đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch, vừa đảm bảo vận hành thông suốt hệ thống thanh toán, tín dụng cho nền kinh tế.
“Đây có lẽ là thành công lớn nhất của ngành Ngân hàng nói chung, các TCTD nói riêng trong đại dịch. Việc đảm bảo không bị đứt gãy, đình trệ, gián đoạn hoạt động thanh toán tín dụng, việc áp dụng mạnh mẽ và nhanh chóng các phương tiện thanh toán điện tử, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt đã đáp ứng nhu cầu của hàng chục triệu khách hàng trong nước, các định chế tài chính trên toàn cầu về thanh toán, giao dịch mua bán, đầu tư, chi tiêu giữa các cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước”, ông Phan Đức Tú nói.
Bên cạnh đó, các TCTD đã nỗ lực gia tăng tổng tài sản, cụ thể, tính đến hết 9 tháng 2021 tăng 7,53% cao hơn nhiều so mức 4,81% cùng kỳ năm 2020. Tổng tài sản của hệ thống các TCTD Việt Nam đến nay là khoảng 15 triệu tỷ đồng; gia tăng tổng dư nợ, mức tăng khoảng 12 - 13% so với năm 2020. Tổng dư nợ các TCTD ước khoảng 10,3 triệu tỷ đồng, trong đó, tổng dư nợ của BIDV là 1,34 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 13% thị phần.
“Vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, góp phần tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, thực hiện chủ trương “tài chính bao trùm”, các tổ chức tín dụng cũng đưa ra nhiều chương trình tín dụng tiêu dùng, phục vụ đời sống người dân, góp phần hạn chế “tín dụng đen”, Chủ tịch BIDV nói.
Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV |
Đồng thời, các TCTD đã thực hiện hàng loạt biện pháp hỗ trợ, giúp doanh nghiệp người dân tháo gỡ khó khăn, phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống. Cơ cấu nợ cho 630.000 khách hàng, dư nợ 582.000 tỷ đồng, trong đó, BIDV là 48.360 khách hàng với dư nợ 99 ngàn tỷ đồng cho vay mới với lãi suất thấp hàng triệu khách hàng; miễn giảm, hạ lãi suất, miễn giảm phí.
Theo ông Phan Đức Tú, ước tính tổng số tiền các TCTD giảm doanh thu/lợi nhuận để hỗ trợ cho khách hàng là khoảng 84.000 tỷ đồng trong 2 năm. Cụ thể, năm 2020 là 30.600 tỷ đồng; 2021 là 54.000 tỷ đồng, trong đó, riêng BIDV năm 2020 là 6.400 tỷ đồng và năm 2021 là 7.900 tỷ đồng.
Chủ tịch BIDV chia sẻ thêm, ngành ngân hàng là ngành có đóng góp trực tiếp lớn thứ 2 với mức đóng góp khoảng 4,5% GDP (sau ngành bán buôn, bán lẻ 9,41%) trong số các ngành dịch vụ vào GDP. Với hơn 100 NHTM và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 2 ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã, gần 1.200 TCTD phi ngân hàng; các TCTD Việt Nam chiếm đến 62% quy mô tổng tài sản hệ thống tài chính, là kênh dẫn vốn quan trọng và chủ yếu cho nền kinh tế (cả ngắn hạn và trung dài hạn).
“28 ngân hàng niêm yết, giá trị vốn hóa gần 1.900 nghìn tỷ đồng, chiếm 25% tổng giá trị vốn hóa TTCK Việt Nam, các TCTD Việt Nam là một trong những trụ cột và động lực phát triển của TTCK Việt Nam. Sự ổn định hoạt động ngân hàng góp phần ổn định và tăng trưởng TTCK”, ông Phan Đức Tú nói.
Về khó khăn và kiến nghị đề xuất, Chủ tịch BIDV chia sẻ, tăng năng lực tài chính là điều kiện tiên quyết đối với các TCTD để đáp ứng được các chỉ số an toàn và phát triển tín dụng phục vụ Đất nước. Áp lực tăng vốn khi tiếp tục thực hiện Basel 2 nâng cao, Basel 3 và đặc biệt trong giai đoạn tới 2022 - 2023, khi Chính phủ thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, đòi hỏi duy trì mức tăng trưởng tín dụng cao.
Theo World Bank, tỉ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng Việt Nam đã giảm từ 13% năm 2015 xuống còn 11,1% vào tháng 6/2021. CAR 4 ngân hàng thương mại Nhà nước còn thấp hơn chỉ khoảng 9,17% với 3 NHTM đã áp dụng Thông tư 41 và khoảng hơn 10% với Agribank – hiện đang áp dụng Thông tư 22.
“Vì vậy, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành có kế hoạch tạo điều kiện tăng vốn Điều lệ cho các ngân hàng thương mại Nhà nước, trước mắt, thông qua các hình thức phát hành cổ phiếu, tăng vốn Điều lệ từ cổ tức, từ lợi nhuận còn lại, cổ phiếu cho cán bộ nhân viên (ESOP)…”, ông Phan Đức Tú nói.
Liên quan đến vấn đề hoàn thiện thể chế cho hoạt động Ngân hàng, Chủ tịch BIDV đề nghị Quốc hội, Chính phủ luật hóa hoặc cho kéo dài Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho các hoạt động Ngân hàng điện tử (điều 97 Luật các Tổ chức tín dụng), cấp tín dụng trên kênh số (Hồ sơ số, chữ ký số, giao kết số, thẩm định, phê duyệt, kiểm tra sử dụng vốn đối với các khoản vay tín chấp tiêu chuẩn); các quy định về bảo mật, về lưu trữ, khai thác dữ liệu khách hàng, ngân hàng…
“Đây sẽ là những điều kiện cần thiết để đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu chuyển đối số ngành Ngân hàng đến 2025, định hướng 2030 theo Quyết định 810 ngày 11/05/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước”, ông Phan Đức Tú nói.
Bên cạnh đó, Chủ tịch BIDV cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo phát triển lành mạnh và vững chắc thị trường vốn, đảm bảo thực hiện tốt vai trò của thị trường vốn, thị trường chứng khoán là kênh dẫn vốn trung dài hạn chủ yếu cho nền kinh tế, giảm dần sự phụ thuộc và rủi ro cho hệ thống ngân hàng thương mại.
“Chính phủ sớm ban hành chương trình phục hồi kinh tế; trong trường hợp dịch Covid-19 chưa được kiểm soát, đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét cho phép gia hạn Thông tư 14, đồng thời có các biện pháp hỗ trợ các tổ chức tín dụng để các tổ chức tín dụng có điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, người dân”, ông Phan Đức Tú nói.
Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú thông tin, kết thúc năm 2021, BIDV đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ kinh doanh NHNN, ĐHCĐ giao cả về quy mô, cơ cấu, chất lượng, hiệu quả và phát triển thể chế.
Cụ thể, quy mô tổng tài sản đạt 1.684.000 tỷ đồng, tăng 14%; dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1.582.600 tỷ đồng, tăng 12%, vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế; chất lượng tín dụng được kiểm soát dưới 1,5%; các chỉ số an toàn theo quy định; chỉ số xếp hạng tín nhiệm được nâng cao.