Theo ông, ngành ngân hàng có thể tham gia như thế nào để thực hiện Nghị quyết 01 và Nghị quyết 02 của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế?
Để đáp ứng chương trình tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tôi khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước khuyến khích cho các ngân hàng thương mại tăng trưởng tín dụng bán lẻ cho vay người mua nhà để ở. Riêng với các ngân hàng thương mại có sự chi phối của Nhà nước, cần cam kết đảm bảo tối thiểu 3% dư nợ cho vay mua nhà ở với các đối tượng thu nhập thấp.
Riêng về lãi suất, theo phân tích của BIDV, tại thời điểm này, thị trường chấp nhận có thể cho đối tượng vay mua nhà với mức lãi suất xoay quanh 6%-6,5% một năm. Theo tôi mức này thì người mua nhà mới vay được. Tuy nhiên, lãi suất huy động hiện nay ở mức 8%. Trên cơ sở diễn biến lạm phát thực tế, BIDV đề xuất có thể xem xét điều chỉnh trần lãi suất huy động giảm thêm 0,5-1%, theo đó giảm lãi suất cho vay ngay đầu năm 2013.
Trần lãi suất huy động hiện nay là 8%, các ngân hàng làm thế nào để có thể cho vay với lãi suất 6-6,5% như ông nói?
Theo tôi thì chắc chắn các ngân hàng thương mại mà Nhà nước có chi phối lớn đều sẽ dành tối thiểu 3% dư nợ cho chương trình cho vay nhà ở xã hội này. Còn các ngân hàng thương mại cổ phần khác, tôi không rõ nhưng không ít thì nhiều sẽ có đơn vị tham gia và tôi tin họ sẽ không khước từ nhiệm vụ này.
Thống đốc đã cam kết sẽ dành 20.000 - 40.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn để cam kết hỗ trợ chương trình cho vay mua nhà này. Theo tôi hiểu là sẽ bồi hoàn khi các ngân hàng thực hiện và có dư nợ các khoản này bằng nguồn tái cấp vốn. Mức lãi suất tái cấp vốn nhà điều hành dự kiến khoảng 7%-8% nhưng theo phân tích của BIDV, thị trường chỉ chấp nhận được ở 6%.
Do vậy, các ngân hàng thương mại cần sự hỗ trợ và BIDV kiến nghị mức lãi suất tái cấp vốn chỉ khoảng 4-5%. Như vậy, khi cho vay ra khoảng 6% thì ngân hàng đã lỗ 1-2%, nếu tính các chi phí hoạt động. Ngoài ra cũng xin đề xuất hỗ trợ các ngân hàng về mặt cơ chế. Ví dụ khi BIDV đã chấp nhận chịu lỗ để dành 3% tổng dư nợ cho vay hỗ trợ mua nhà ở, thu nhập thấp thì xin kiến nghị Chính phủ chấp thuận tạo điều kiện cho chúng tôi được bù đắp bằng cách linh hoạt cho vay ở 97% dư nợ còn lại.
Ngân hàng và vấn đề nợ xấu cũng là đối tượng cần hỗ trợ của Chính phủ. Nhưng giờ các ngân hàng lại tham gia bơm lượng vốn lớn để cứu doanh nghiệp bất động sản. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
Chính phủ đã nói, với bất động sản là thương mại thì các ngân hàng cho vay nhưng phải đảm bảo khả năng thu hồi. Như vậy, BIDV hay các ngân hàng không dại cho vay các phân khúc thị trường bất động sản đang ứ đọng. Với những dự án chưa giải phóng hoặc mới giải phóng mặt bằng mà chưa cấp thiết thì có thể cho dừng lại. Còn lại, với dự án thương mại nhưng không đảm bảo thì có thể chuyển đổi mục đích đầu tư thành dự án nhà ở xã hội. Với bất động sản sắp hoàn thành, mà ngân hàng đã cho vay một phần vốn thì phải cân nhắc nếu cho vay tiếp thì thị trường có tiêu thụ được không? Tổng bí thư đã nói một câu rất hay là 'Đừng để nợ xấu thêm xấu hơn nữa'.
Tùy thuộc vào bài toán của mỗi dự án bất động sản mà các ngân hàng sẽ có cách hành xử khác nhau. Như vậy hoàn toàn không có sự luẩn quẩn ở đây.