Trước đó, chiều ngày 19/9, Cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Trần Hữu Tiệp, Chủ tịch HĐQT MTM để phục vụ điều tra. Ông Trần Hữu Tiệp bị bắt tại trụ sở Văn phòng Công ty tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ngay sau đó, Cơ quan điều tra cũng tiến hành khám xét, tịch thu tài liệu của Công ty và máy tính cá nhân của ông Tiệp dưới sự chứng kiến của công an phường, tổ dân phố.
Trong khoảng 3 tháng vừa qua, những nhà đầu tư từng đổ tiền vào cổ phiếu MTM đã liên tiếp tổ chức họp mặt để thảo luận phương án, thống nhất hành động chung nhằm làm rõ những khuất tất, sai phạm xung quanh sự việc của MTM cũng như đòi lại thiệt hại.
Vào tháng 6/2016, chỉ sau hơn một tháng kể từ khi giao dịch tại sàn UPCoM, cổ phiếu MTM bất ngờ bị Sở GDCK Hà Nội thông báo tạm ngừng giao dịch do phát hiện những dấu hiệu bất thường. Cổ đông của MTM đã phát hiện ra nhiều khuất tất về công ty này như hình ảnh nhà máy, dây chuyền thiết bị "lấy cắp" của một công ty khác, trụ sở chính là quán ăn, trụ sở văn phòng Hà Nội là phòng khám răng, công ty ngừng hoạt động và bị cơ quan thuế yêu cầu đóng mã số thuế...
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Chu Danh Phương, thành viên mới tham gia HĐQT Công ty cho biết: “Sắp tới, MTM sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông, bầu lại toàn bộ HĐQT vì HĐQT cũ vi phạm nghiêm trọng điều lệ Công ty và Luật Doanh nghiệp. Sau khi ổn định nhân sự, MTM sẽ tái cấu trúc hoạt động của Công ty, trong đó mấu chốt là thu hồi công nợ”.
MTM đã thông qua các tờ trình để đưa ra trình đại hội đồng cổ đông như Báo cáo HĐQT, Báo cáo Ban giám đốc, BCTC năm 2015, kế hoạch 2016, bầu lại HĐQT, Ban Kiểm soát, phương án tái cơ cấu… Theo tờ trình về kết quả sản xuất kinh doanh năm 2015, MTM lỗ 59,7 tỷ đồng, tổng doanh thu cả năm là 15 tỷ đồng, tổng tài sản 241 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 211 tỷ đồng.
Theo phương án tái cấu trúc, MTM sẽ chuyển trụ sở chính về Hà Nội, đổi tên công ty và các thông tin liên quan, thay đổi ngành nghề, tổ chức lại bộ máy quản lý sản xuất và kinh doanh. Quan trọng nhất là thu hồi dứt điểm công nợ, chuyển nợ thành vốn góp, xử lý nợ xấu, thu hồi cổ phần chênh lệch và giảm vốn tương ứng đối với cổ phần lưu hành, thanh lý tài sản và các khoản đầu tư không hiệu quả từ năm 2015 trở về trước. Đồng thời, tìm kiếm cơ hội kinh doanh khác qua đầu tư góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp phù hợp với định hướng phát triển công ty để tham gia quản lý, liên kết kinh nghiệm, gia tăng lợi ích hoặc mua bán sáp nhập khi có đủ điều kiện.
Ông Chu Danh Phương cho biết sẽ trình ĐHCĐ ủy quyền cho HĐQT khóa mới quyết định phương án trực tiếp. Trước mắt, Công ty sẽ tập trung vào hoạt động xây dựng, hạ tầng giao thông, các phương án đầu tư sẽ phụ thuộc vào dòng tiền thu hồi ra sao.
“Trước khi đăng ký giao dịch UPCOM, MTM là doanh nghiệp hoạt động bình thường, có tổng tài sản hơn 300 tỷ đồng, trong đó có những khoản lớn như đầu tư, công nợ, tài sản. Nhưng trong vòng 1 năm trước khi được chấp thuận đăng ký giao dịch UPCOM, những thành viên chóp bu đã rút ruột Công ty. Hiện Công ty không còn tài sản và ban lãnh đạo mới sẽ phải thu hồi công nợ. Việc này đòi hỏi đối chiếu, xác nhận, xem xét nguồn gốc công nợ. Ngoài ra, Công ty cũng đề nghị cơ quan điều tra làm rõ những cá nhân nào đã chiếm dụng tài sản, lừa đảo để thu hồi tài sản”, ông Phương cho biết.
Như vậy, MTM sẽ phải đi một chặng đường dài và khó khăn phía trước. Và chắc chắn, MTM sẽ là mã cổ phiếu ghi dấu ấn “đen” trên thị trường chứng khoán Việt Nam.