Chủ quyền Tổ quốc nhìn từ biển

0:00 / 0:00
0:00
“Một tấc đất, một hòn đảo nhỏ bé trên biển Đông đều là đất thiêng liêng của chúng ta. Nếu cần, chúng ta nhất định phải hy sinh tính mạng mình để bảo vệ” - lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày nào vẫn còn văng vẳng đâu đây, trở thành bài học nằm lòng, kim chỉ nam cho các thế hệ quân và dân trên quần đảo Trường Sa hôm nay và mãi về sau.
Trường Sa là máu thịt thiêng liêng, là nơi cả triệu trái tim người dân luôn hướng về

Trường Sa là máu thịt thiêng liêng, là nơi cả triệu trái tim người dân luôn hướng về

Vững tay súng nơi biển thiêng

Xuyên suốt chiều dài lịch sử của đất nước, chủ quyền không thể tranh cãi đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã phải đánh đổi bằng máu xương của bao thế hệ, viết nên bản hùng ca bất tử về công cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Hiện nay, dẫu có đối diện với trăm ngàn gian khó, hiểm nguy chực chờ, thì những người lính hải quân kiên trung nơi đảo xa vẫn hiên ngang bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió, sẵn sàng hy sinh xương máu, dâng hiến tuổi thanh xuân để chủ quyền lãnh thổ được vẹn toàn.

Thiếu tá Nguyễn Quang Vinh, quê Nghệ An, hiện công tác tại đảo Song Tử Tây nói rằng, được ra Trường Sa sống, chiến đấu là niềm tự hào, là vinh quang của người lính hải quân mà không phải ai cũng may mắn có được.

Cũng với niềm tin mãnh liệt, theo thượng úy Lê Đức Mỹ, Chỉ huy trưởng đảo Đá Thị, dù các chiến sỹ nơi đây quanh năm làm bạn với sóng biển, nhưng tinh thần quật cường thì chưa khi nào nguôi.

Ngoài những giờ canh gác và thao trường tập luyện, các anh tăng gia sản xuất, đọc sách báo và nấu ăn, trò chuyện với nhau để vơi nỗi nhớ nhà. Những câu chuyện không có hồi kết, những viễn cảnh tương lai, những kỷ niệm học trò của những người lính tuổi đôi mươi chưa một lần hò hẹn được truyền tai nhau khiến không khí thêm sôi động và tiếp thêm động lực để họ rèn luyện thể lực, tôi luyện ý chí phục vụ Tổ quốc.

Với ánh mắt tự tin và nụ cười rắn rỏi đang chắc tay súng nơi đảo Cô Lin, đại úy Vũ Đức Bình (quê Thái Bình) nói, anh rất biết ơn vì Tổ quốc đã trao cho anh vinh dự được chắc tay súng nơi đảo xa, bảo vệ sự bình yên cho Tổ quốc. Người vợ đảm cùng con thơ nơi quê nhà dẫu phải xa cách nghìn trùng, nhưng chỉ cần nghĩ rằng, chủ quyền của Tổ quốc, bình an của nhân dân đang được bảo vệ là tay súng của anh và đồng đội thêm vững chắc.

Chiến sĩ Trần Thiện Thoại, phụ trách thông tin liên lạc trên đảo Đá Thị mắt rưng rưng khi nhớ về gia đình thân thương, nhưng anh cũng thể hiện quyết tâm, không có nỗi nhớ nào cao hơn tình yêu và trách nhiệm với đất nước. Càng thương nhớ, anh lại cành phải làm tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Anh gửi nỗi lòng riêng của mình vào những cơn sóng biển để biển khơi ôm trọn, che chở và bảo vệ các anh.

Không giấu được cảm xúc tự hào khi được khoác trên mình màu áo người chiến sỹ hải quân, canh gác biển trời Tổ quốc, theo thượng úy Phan Văn Trung, Chỉ huy trưởng đảo Cô Lin, các chiến sỹ luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, bởi nơi đây cách Gạc Ma không xa, có nhiều mục tiêu tình huống phát sinh.

Chàng thượng úy sinh năm 1995 này tự hào vì mình được rèn luyện trong môi trường của Trường Sỹ quan Lục quân 4 năm với tinh thần thép, do vậy ở nơi đảo chìm muôn vàn khó khăn, áp lực của người chỉ huy rất nặng nề, song không khiến anh ngại ngần. Anh cùng với đồng chí, đồng đội của mình đã có những ngày tháng không thể quên, kề vai, sát cánh giữ vững tay súng vì biển đảo quê hương.

Đứng ở đảo Cô Lin nhìn sang đảo Gạc Ma, tôi rưng rưng xúc động nghĩ về hình ảnh các chiến sỹ hải quân kiên trung, vững vàng chắc tay súng gìn giữ biển, đảo của Tổ quốc. Bất chợt, lời bài hát “Biển bình yên, con sẽ về bên mẹ” của thiếu tá Phạm Tài Bá, Phó chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn 131 Hải quân được nhạc sỹ Nguyễn Bá Kỳ phổ nhạc vang lên trong tim tôi với những ngôn từ thổn thức: “Giặc ngược ngang bất chấp sách trời, đồng đội con 64 người ngã xuống trước súng thù, chẳng phút giây nao núng, kết vòng tròn bất tử giữa Gạc Ma. Mẹ yêu ơi, con ở lại Trường Sa, cùng đồng đội quyết ngăn quân thù xâm lược, xác thân con nguyện dâng hiến, giữ bình yên đất mẹ Việt Nam. Mẹ thấy không, chúng con mãi hiên ngang, hóa cánh chim nhấn chìm sóng dữ, rồi một ngày biển không còn bão tố, con sẽ về nghe tiếng mẹ ầu ơ...”.

Quá khứ ấy đau thương, nhưng oai hùng. Nhớ về quá khứ để thấy rằng, tương lai rạng rỡ đang bừng lên trên quần đảo này. Khi Tổ quốc cần, họ cần biết sống xa nhau, cuộc đời quân ngũ đã rèn luyện cho những người lính hải quân bản lĩnh vững vàng trước mọi gian khó.

Sức sống Trường Sa

Làm bạn cùng sóng biển, mỗi đêm gác của những người lính hải quân có vị mặn mòi của biển cả, nhưng cũng có tình đồng đội yêu thương chan hòa làm hành trang giúp họ kiên cường bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió vì chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Làm bạn cùng sóng biển, mỗi đêm gác của những người lính hải quân có vị mặn mòi của biển cả, nhưng cũng có tình đồng đội yêu thương chan hòa làm hành trang giúp họ kiên cường bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió vì chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Nhìn những người lính hải quân tuổi đôi mươi với gương mặt rạng ngời đang kiên cường ngày đêm giữ đảo với hào khí Đông A bừng sáng khiến đại tá Đoàn Bảo Anh, Phó tư lệnh Hải quân Vùng 3 có lòng tin tuyệt đối rằng, bờ cõi non sông gấm vóc sẽ trường tồn bởi chúng ta luôn có những người lính quả cảm, thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước.

Với khuôn mặt bình thản trước bão giông sau hơn 30 năm gắn bó với màu áo hải quân, đại tá Đoàn Bảo Anh nói rằng, trước tình hình thế giới, khu vực và trên Biển Đông đang có diễn biến phức tạp, khó lường, là lực lượng nòng cốt bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, Quân chủng Hải quân luôn nâng cao cảnh giác, chủ động nắm chắc, dự báo chính xác để tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xử lý hiệu quả các tình huống trên biển, không để bị động, bất ngờ; cùng các lực lượng khác ngăn chặn có hiệu quả những âm mưu, hành động lấn chiếm, xâm phạm chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc của các thế lực thù địch.

Không chỉ có tình yêu bất tận với biển cả, vị Phó tư lệnh Hải quân Vùng 3 cũng có niềm tin tuyệt đối vào những người lính trẻ đang cùng ông dựng xây lực lượng hải quân lớn mạnh. Tuy vậy, ông cũng hy vọng, đồng đội của ông ngày càng được trang bị cơ sở vật chất hiện đại, có thêm nhiều con tàu với công nghệ vượt bậc để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên biển, cứu hộ cứu nạn, đồng hành cùng ngư dân vươn khơi bám biển.

Trong ký ức của những người lính hải quân, trước đây, Quân chủng chưa được trang bị những con tàu lớn, hiện đại, hải trình thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ trên vùng biển, đảo Trường Sa gặp nhiều khó khăn hơn. Theo đó, chỉ huy, thủy thủ phải phát huy kinh nghiệm thực tế và tính sáng tạo khi thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện trang thiết bị thiếu thốn.

Nhưng cũng trong gian khó mà bản lĩnh những người lính thuộc Quân chủng Hải quân được bộc lộ. Phần lớn chỉ huy tàu có thể nắm được đặc tính vùng nước, địa chất, địa hình đáy biển khu vực thả neo tàu của từng điểm đảo khác nhau thuộc quần đảo Trường Sa.

Trong điều kiện cần thiết, những người lính hải quân có thể hoàn thành hải trình nối đất liền với vùng biển, đảo Trường Sa và ngược lại mà không cần sự hỗ trợ của hải đồ, thiết bị trên tàu.

Trải qua bao mùa mưa nắng, vượt qua khắc nghiệt của thiên nhiên, Trường Sa vẫn hiển hiện giữa trùng khơi như một biểu tượng về ý chí kiên cường và sức sống mãnh liệt của quân và dân giữa biển khơi đầy bão tố. Vượt lên muôn vàn khó khăn, gian khổ, quân và dân các đảo thuộc quần đảo Trường Sa vẫn bền bỉ từng ngày cho mục tiêu xây dựng huyện đảo giàu mạnh.

Bất cứ ai đến với Trường Sa hôm nay đều ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của mảnh đất thiêng nơi đầu sóng ngọn gió. Một vùng biển xanh trong ngút ngàn, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Các công trình hạ tầng trên đảo được xây dựng khoa học, khang trang và sạch đẹp. Bao phủ các đảo nhỏ là sắc xanh của bàng vuông, cây phong ba, bão táp và các rặng phi lao mát nhẹ, níu chân nhiều lữ khách đường xa.

Với mỗi người Việt, Trường Sa là máu thịt thiêng liêng, là nơi cả triệu trái tim người dân luôn hướng về. Từ nhiều năm nay, đồng bào cả nước luôn hướng về Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng và biển đảo nói chung với nhiều hành động ý nghĩa thiết thực, cả về vật chất lẫn tinh thần.

Những phong trào như “Góp đá xây Trường Sa”, “Vì biển đảo thân yêu”, “Triệu trái tim hướng về biển đảo Tổ quốc”, “Em yêu biển đảo Việt Nam”, “Xanh hóa Trường Sa”… từ lâu đã như nhịp cầu nối những yêu thương giữa đất liền với đảo xa, đem triệu triệu tấm lòng của đồng bào cả nước gửi về nơi tiền tiêu, là niềm động viên tinh thần to lớn giúp quân và dân trên đảo chắc tay súng, vươn khơi bám biển bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc.

Tin bài liên quan