Mới đây nhất Thủ tướng Chính phủ đã phải có ý kiến yêu cầu dừng việc giảm giá bán cổ phần khi xây dựng và thực hiện phương án cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cho nhà đầu tư chiến lược.
Đây mới chỉ là một nội dung cần phải sửa đổi trong Nghị định 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 về chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần, theo ý kiến các doanh nghiệp vẫn còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục sửa đổi trong Nghị định để phù hợp hơn với thực tế đang diễn ra. Về phía các ngân hàng, một vấn đề khá nổi cộm được nêu ra là họ có thể mất toàn bộ tiền cho vay khi doanh nghiệp chuyển đổi.
Theo như kiến nghị của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), thì vấn đề vai trò chủ nợ được nhắc tới nhiều nhưng chưa thay đổi. Khi cổ phần hóa các doanh nghiệp diễn ra, mặc dù ngân hàng là người cho vay doanh nghiệp nhưng gần như không có vai trò gì. Điều này dẫn đến tình trạng khá phổ biến hiện nay là ngân hàng không nắm được quá trình chuyển đổi của khách hàng (do UBND cấp tỉnh hoặc HĐQT Tổng Công ty tự ra quyết định). Chỉ đến khi quá trình chuyển đổi đã hoàn thiện, doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh công ty cổ phần thì mới thông báo cho ngân hàng. Khi đó, Ngân hàng có yêu cầu Công ty cổ phần đến đối chiếu, bàn giao công nợ, tài sản bảo đảm thì doanh nghiệp không hợp tác.
Cá biệt, có một số tỉnh, thành phố, bộ, ngành và doanh nghiệp có quan niệm các khoản nợ phát sinh trước thời điểm doanh nghiệp cổ phần hoá thì sẽ đương nhiên được Nhà nước xoá nợ (gốc) và giảm, miễn lãi dẫn đến không hợp tác với ngân hàng để xử lý nợ. Khi được Ngân hàng yêu cầu thì công ty cổ phần mới không thừa nhận nghĩa vụ.
Với thực trạng trên, hầu hết các ngân hàng đều cho rằng cần thay đổi quy trình ra quyết định cổ phần hoá doanh nghiệp, theo đó cơ quan có thẩm quyền quyết định cổ phần hoá công ty nhà nước cần phải có được thoả thuận của các chủ nợ lớn (Ngân hàng thương mại nhà nước) trước khi ra quyết định cổ phần hoá doanh nghiệp đó để bảo đảm ngân hàng được tham gia tích cực vào quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp cũng như các khoản nợ lớn của ngân hàng được nhận nợ và chuyển giao đầy đủ cho công ty cổ phần mới.
Ngay một vấn đề lớn là phương thức bán cổ phần cũng có những bất cập. Cụ thể, trong Nghị định 187 mới chỉ quy định một phương thức bán cổ phần là bán đấu giá công khai, điều này là chưa phù hợp và thiếu linh hoạt cho doanh nghiệp khi cổ phần hoá. Vì trong nhiều trường hợp thực tế, doanh nghiệp cổ phần hoá không thể tiến hành bán đấu giá công khai mà phải bán trực tiếp cho nhà đầu tư có nhu cầu hoặc đối với nhà đầu tư chiến lược lớn nhất là nhà đấu tư chiến lược nước ngoài mà doanh nghiệp thực sự mong muốn hợp tác. Trong trường hợp cụ thể này rất cần có cơ chế để doanh nghiệp bán cổ phần theo giá đàm phán trực tiếp.
Ngoài ra, Nghị định không đề cập tới hình thức bảo lãnh phát hành có trong Luật Chứng khoán năm 2006 (và trước đó các Nghị định điều chỉnh về hoạt động chứng khoán). Do vậy, phải quy định thêm một phương thức bán cổ phần là bảo lãnh phát hành để thu hút các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính, công ty chứng khoán tham gia tích cực hơn nữa vào quá trình cổ phần hoá công ty nhà nước.
Khi cổ phần hóa các ngân hàng được khởi động trước đây, đã phát sinh yêu cầu thuê tư vấn nước ngoài xây dựng phương án cổ phần hóa bởi các đơn vị tư vấn Việt
Cụ thể, theo quy định của Thông tư 126/2004/QĐ-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định 187, doanh nghiệp có giá trị dưới 30 tỷ đồng, chi phí cổ phần hóa tối đa là 200 triệu đồng, giá trị doanh nghiệo từ 30-50 tỷ đồng thì chi phí cổ phần hoá tối đa là 300 triệu đồng, giá trị doanh nghiệp trên 50 tỷ đồng chi phí cổ phần hoá tối đa không quá 400 triệu đồng (tức tương đương 25.000 USD).
Theo kiến nghị của các ngân hàng, mức khống chế tối đa nêu trên là không thực tế, chỉ thoả đáng với các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ có quy mô nhỏ và trung bình. Đối với hầu hết các tổng công ty, tập đoàn hoặc các Ngân hàng thương mại nhà nước, định chế tài chính do chi phí thuê tư vấn cổ phần hoá rất lớn, có thể lên đến vài triệu USD (do không chỉ tư vấn nội dung xác định giá trị doanh nghiệp mà còn tư vấn cả việc xây dựng phương án cổ phần hoá, bán cho đối tác chiến lược, IPO).
Vì vậy, Chính phủ cần phải xem xét điều chỉnh quy định này cho phù hợp hơn với thực tế quy mô của các loại hình doanh nghiệp hạn chế các trường hợp doanh nghiệp phải xin chấp thuận của cơ quan chủ quản và Bộ Tài chính gây kéo dài thời gian, tiến độ cổ phần hoá của doanh nghiệp.
Một vấn đề cũng được các ngân hàng coi là gây chậm trễ cho cổ phần hóa đó là việc xác định giá trị doanh nghiệp. Việc định giá doanh nghiệp ở Việt
Theo thông lệ, các NHTM thường được định giá qua phương pháp dòng tiền chiết khấu (hay chiết khấu dòng cổ tức) và phương pháp so sánh giao dịch tương đương. Việc xác định giá trị theo phương pháp tài sản thực tế là không phản ánh hết giá trị của Ngân hàng do không phản ánh được các giá trị vô hình (uy tín, thương hiệu), lợi thế kinh doanh của Ngân hàng. Như vậy, nếu vẫn quy định giá trị doanh nghiệp xác định theo phương pháp tài sản là căn cứ để tham chiếu thì dẫn đến các Ngân hàng phải mất thời gian và tốn nhiều công sức mà không thu được kết quả định giá đầy đủ, khách quan và khoa học.
Nghị định 187 đang được xem xét sửa đổi, ngoài những vấn đề nêu trên vẫn còn nhiều đề nghị khác đang được đưa ra nhằm tạo nên một cơ chế phù hợp hơn với điều kiện thực tế. Những vấn đề cơ cấu cổ phần lần đầu, cổ phần cho các cổ đông chiến lược nước ngoài, cổ phần ưu đãi cho người lao động,... chắc chắn sẽ được đề cập nhiều trong thời gian tới đây.