Giấc mơ Hollywood hay chỉ bình phong?
Hiện tại, Công ty cổ phần Phim truyện Việt Nam (tên mới sau khi cổ phần hóa) đang sử dụng nhiều lô đất có vị trí đẹp, được đánh giá có giá trị cao tại Hà Nội và TP.HCM, trong đó có khu đất đang là trụ sở của Công ty tại số 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội, rộng 5.450 m2.
Trước nghi vấn về việc Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) thâu tóm Hãng phim vì các khu đất vàng nhiều hơn là làm phim, cùng những mâu thuẫn trong suốt thời gian qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với các bên và khẳng định, khu đất số 4 Thụy Khuê không được chuyển đổi mục đích và ngành nghề hoạt động chính của Hãng phim phải sản xuất phim.
Tuy nhiên, ngoài khu đất số 4 Thụy Khuê, Công ty cổ phần Phim truyện Việt Nam còn sử dụng 3 khu đất khác là khu đất hơn 900 m2 tại ngõ 151 Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình (Hà Nội); khu đất gần 6.400 m2 tại huyện Đông Anh (Hà Nội) và hơn 1.200 m2 tại quận 1 (TP.HCM).
Trong khi đó, theo các quy định hiện hành, Vivaso hoàn toàn có quyền xin thuê, giao đất lâu dài, thậm chí, đóng tiền sử dụng đất một lần và thay đổi mục đích sử dụng. Nếu điều này xảy ra, khả năng, 3 khu đất trên hoàn toàn có thể biến thành các dự án bất động sản.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản về việc, liệu Công ty có xây dựng dự án bất động sản tại các khu đất của Hãng phim hoặc sang tay, chuyển nhượng dự án, ông Nguyễn Thủy Nguyên, Công ty cổ phần Phim truyện Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Vivaso cho biết: “Trong trường hợp được cho phép, chúng tôi sẽ xây dựng thành các rạp chiếu phim, không chỉ chiếu phim của Công ty sản xuất, mà cả phim của các đơn vị khác trong và ngoài nước. Tôi sẽ mời các diễn viên, đạo diễn tầm cỡ thế giới, từ Hollywood sang Việt Nam để tham gia các bộ phim.
Hiện tại, đơn vị đang tích cực sửa sang nhà thủy phi cơ (Hồ Tây) để xây dựng thành bảo tàng. Chúng tôi sẽ làm dù đó là hoạt động phi lợi nhuận”.
Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, hiện trạng nhà thủy phi cơ lại hoàn toàn khác với những gì ông Nguyên nói. Cụ thể, công trình xuống cấp, bỏ hoang, cửa khóa, dây thép gai căng ngang.
Cần sớm bịt lỗ hổng
Theo điểm 3a, Điều 31, Nghị định 59/2011, diện tích đất thuê theo phương thức trả tiền thuê đất hàng năm, thì doanh nghiệp thực hiện trả tiền thuê đất theo quy định của pháp luật hiện hành và không tính tiền thuê đất vào giá trị doanh nghiệp. Đây được coi là lỗ hổng, làm thất thoát tài sản nhà nước khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Trước thực trạng trên, đầu năm 2017, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ Nghị định về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần (thay thế Nghị định 59/2011, Nghị định số 189/2013 và Nghị định số 116/2015). Trong đó, hướng dẫn việc xác định giá đất cụ thể (cả thuê và giao) theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.
Theo đó, căn cứ giá đất cụ thể do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi doanh nghiệp có diện tích đất được giao và thuê) công bố, doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm tính vào giá trị doanh nghiệp và nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về đất đai.
Ngoài ra, dự thảo còn bổ sung quy định đối với các doanh nghiệp quản lý nhiều đất đai, ở những vị trí có lợi thế thương mại cao theo hướng yêu cầu doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm xây dựng phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
“Hiện tại, với các diện tích đất đóng tiền thuê hàng năm, khi cổ phần hóa sẽ không tính vào giá trị doanh nghiệp. Đây là lý do khiến nhiều đơn vị rất mặn mà với chuyện cổ phần hóa để rồi sau đó có thể xin chuyển đổi mục đích sử dụng”, một luật sư cho biết.
Cũng theo vị luật sư này, Chính phủ cần sớm ban hành đưa Nghị định về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần vào áp dụng thực tế, luật hóa việc định giá vị trí lợi thế doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp sở hữu nhiều đất đai có giá trị lớn. Như vậy, mới có thể giải quyết tận gốc rễ vấn đề và hạn chế việc cổ phần hóa chỉ nhằm mục tiêu lấy đất, tư hữu hóa tài sản quốc gia.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com