Căn cứ vào đâu mà ông cho rằng chu kỳ tăng trưởng của TTCK Việt Nam còn kéo dài trong vài năm tới?
Khác với phần lớn các quỹ đầu tư nước ngoài thường lấy tiêu chí phân hạng thị trường là thị trường mới nổi hay thị trường cận biên, để làm căn cứ đưa ra quyết định đầu tư, Quỹ Asean Small Cap Fund do Asean Group Investments Ltd quản lý thường căn cứ vào chu kỳ kinh tế, chu kỳ kinh doanh (cũng là chu kỳ của TTCK), để đưa ra quyết định đầu tư. Đây là lý do ngay khi TTCK Việt Nam ra đời một năm, thì năm 2001, nhận thấy thị trường đang ở điểm đáy, nên Asean Small Cap Fund đã quyết định tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Qua theo dõi và nghiên cứu, chúng tôi phát hiện, chu kỳ của nền kinh tế cũng như TTCK Việt Nam thường lặp lại sau 5 năm, khi TTCK đạt đỉnh vào giai đoạn 2006 - 2007, tiếp đó là năm 2010 - 2011 và sắp tới là năm 2015 - 2016. Điều thú vị là TTCK là chỉ báo sớm cho chu kỳ phục hồi của nền kinh tế không chỉ tại Việt Nam.
Diễn biến này cộng với giá nhiều cổ phiếu đang rẻ, nên cơ hội đầu tư vào TTCK Việt Nam đang hấp dẫn, do mới bắt đầu của giai đoạn phục hồi. Nhiều khả năng, chu kỳ tăng trưởng của TTCK còn kéo dài trong 2-3 năm tới.
Thậm chí, từ kinh nghiệm đầu tư các thị trường có tính chất phát triển tương tự như Việt Nam, chúng tôi cho rằng, TTCK Việt Nam trong 2 năm tới sẽ có sự đột biến. Bởi vậy, đây là thời điểm lý tưởng để NĐT đưa ra quyết định sở hữu cổ phiếu, nhất là trong bối cảnh các kênh đầu tư cạnh tranh với chứng khoán là vàng, gửi tiết kiệm, đầu tư ngoại tệ, bất động sản không còn hấp dẫn.
Nhận diện cơ hội đầu tư như vậy, Asean Small Cap Fund có tăng đầu tư vào TTCK Việt Nam, hay do Quỹ đang là cổ đông lớn của nhiều DN đang niêm yết như API, APS, TIG, VIG…, nên động cơ của việc đưa ra nhận định trên là nhằm phục vụ cho ý đồ thoái vốn của Asean Small Cap Fund?
Ngay cả khi có ý đồ đó, thì việc đưa ra nhận định về triển vọng của TTCK Việt Nam như trên liệu có ăn thua gì trong việc “đẩy” thị trường lên, nhằm phục vụ cho ý đồ thoái vốn của Asean Small Cap Fund? Với quy mô và chiều sâu phát triển của TTCK Việt Nam trải qua 14 năm qua, chúng tôi cho rằng, sự lên hay xuống của thị trường phụ thuộc chính vào chu kỳ diễn tiến của nền kinh tế, chu kỳ kinh doanh, còn các yếu tố khác chỉ mang tính hỗ trợ không đáng kể cho sự tăng trưởng của thị trường.
Mặt khác, nếu có ý đồ “thổi” thị trường, để vội vã thoái vốn trong ngắn hạn, thì không có lý do gì liên tiếp trong thời gian gần đây, Asean Small Cap Fund đã thoái toàn bộ 60% giá trị tài sản của Quỹ đầu tư vào TTCK Indonesia và Thái Lan, để dồn tới 85% tổng giá trị của Quỹ đầu tư vào TTCK Việt Nam. Hiện Asean Small Cap Fund đầu tư vào khoảng 40 công ty của Việt Nam và con số này vẫn đang tăng thêm.
Với kinh nghiệm đầu tư tại nhiều thị trường trên thế giới, nhất là các thị trường lân cận Việt Nam, chúng tôi nhận thấy sức hấp dẫn của TTCK Việt Nam tương tự như thị trường Indonesia, Thái Lan cách đây 2-3 năm. Từ kinh nghiệm thành công của Asean Small Cap Fund tại các thị trường này, cùng với nắm bắt được chu kỳ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, chúng tôi bước đầu thành công trong quyết định đầu tư vào TTCK Việt Nam. Điều này được minh chứng qua rất nhiều cổ phiếu trong danh mục đầu tư của Asean Small Cap Fund đã tăng 100%, thậm chí 200-300% trong vòng gần 2 năm qua.
Đạt mức lợi nhuận cao như vậy, Asean Small Cap Fund đã tính đến kế hoạch thoái vốn khỏi TTCK Việt Nam, hay còn có tham vọng cao hơn, thưa ông?
Trong chiến lược đầu tư của Asean Small Cap Fund, căn cứ để xác định thời điểm thoái vốn không đơn thuần là tỷ suất lợi nhuận, mà còn dựa vào chu kỳ kinh tế, triển vọng kinh doanh của DN. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam đang ở vào một chu kỳ tăng trưởng được dự báo sẽ còn kéo dài trong 2 - 3 năm tới, nên sẽ tác động tích cực lên hoạt động của DN. Điều này đang được thể hiện cụ thể khi kể từ năm nay, mức thuế thu nhập DN giảm còn 22%; lãi suất tiếp tục giảm thêm; với tỷ lệ dân số trẻ cao, nên tiềm năng tăng sức cầu của nền kinh tế Việt Nam còn lớn…