Theo đó, các ngân hàng trung ương của các quốc gia đang phát triển đã thực hiện 5 đợt tăng lãi suất ròng trong tháng 3/2021 sau nhiều tháng liên tục cắt giảm lãi suất trước đó.
Trong nhóm 37 ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế đang phát triển, các nhà hoạch định chính sách ở Ukraine, Georgia, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã tăng lãi suất, trong đó nhiều ngân hàng đưa ra mức tăng lớn hơn dự kiến. Điều này xảy ra sau tổng cộng 2 lần cắt giảm lãi suất ròng trong tháng 2.
Theo đó, Ngân hàng Trung ương Nga ngày 19/3/2021 đã tăng lãi suất thêm 0,25% lên mức 4,5%. Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Trung ương Nga tăng lãi suất kể từ tháng 12/2018.
Biểu đồ thể hiện tổng số lần các ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất và tăng lãi suất ròng trong các tháng. Số âm thể hiện nhiều lần cắt giảm lãi suất hơn, số dương thể hiện nhiều lần tăng lãi suất hơn. |
Các nhà phân tích cho biết, sự gia tăng gần đây của lợi suất trái phiếu toàn cầu đã thúc đẩy một số ngân hàng trung ương bình thường hóa mức lãi suất thấp kỷ lục.
“Chúng tôi kỳ vọng một số nền kinh tế Mỹ latinh cũng bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ hơn”, các nhà phân tích của S&P Global Ratings cho biết trong báo cáo hàng tháng của họ.
“Đường cong lợi suất đang tăng trong 12 tháng tới ở một số quốc gia khác bao gồm Colombia, Chile, Mexico và Philippines và nhiều mức tăng nữa ở Brazil và Nga”, báo cáo cho biết.
Theo tính toán của Reuters, tỷ lệ giữa việc cắt giảm và tăng lãi suất trong nhóm 37 quốc gia đang phát triển là âm hoặc bằng 0 kể từ tháng 2/2019. Đây là chu kỳ nới lỏng dài nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và cuộc khủng hoảng đồng euro 2010.
Vào đỉnh điểm của chu kỳ nới lỏng vào tháng 3/2020, 27 trong số 37 ngân hàng trung ương đã cắt giảm lãi suất để cố gắng bảo vệ nền kinh tế của họ khi hậu quả từ đại dịch Covid-19 lan tràn khắp các thị trường trên thế giới.
Nhưng giờ đây, xu hướng nới lỏng đó đã bắt đầu đảo ngược.