Các bị cáo hầu tòa sáng nay.

Các bị cáo hầu tòa sáng nay.

Chủ gara ô tô lập khống hợp đồng, lừa tiền ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 8/11, TAND TP. Hà Nội xét xử với nhóm giả mạo hồ sơ, lừa đảo Ngân hàng GPBank.

Các bị cáo gồm Lại Duy Cương (SN 1983, ở huyện Đông Anh), Phạm Ánh Hậu (SN 1991, ở quận Hoàn Kiếm) và Hoàng Văn Hiểu (SN 1992, ở huyện Đông Anh), Phạm Trung Thành (SN 1991, cựu cán bộ GPBank, ở quận Hà Đông).

Sau khi xem xét, tòa án xử phạt bị cáo Cương mức án 13 năm tù, Hậu 12 năm tù và Hiểu 7 năm 6 tháng tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Còn Thành nhận 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng.

Quá trình xét xử làm rõ, vào năm 2018, Cương cần vay 1,2 tỷ đồng để mở thêm gara ô tô, nhưng không có tài sản đảm bảo. Thông qua Vương Quốc Tuấn (ở Thanh Hóa), Cương gặp Nguyễn Thị Hồng Hà (SN 1989, ở huyện Thanh Oai, Hà Nội, cựu nhân viên ngân hàng GPBank đã nghỉ việc) để được hướng dẫn làm thủ tục vay tiền ngân hàng.

Để hoàn thiện hồ sơ, Cương nhờ Hiểu (nhân viên làm việc tại gara ô tô của Cương tại xã Tiên Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội) ký khống hợp đồng mua bán xe ô tô nhãn hiệu Lexus RX350 để thế chấp ngân hàng.

Ngày 27/8/2018, tiếp nhận hồ sơ vay vốn, Phạm Trung Thành đến gara ô tô của Cương để kiểm tra hoạt động kinh doanh. Theo quy định, khi thẩm định hồ sơ vay, Thành phải kiểm tra, thu thập bản gốc đăng ký xe để đối chiếu nhưng bị cáo không thực hiện, không kiểm tra thông tin, tính hợp pháp của tài sản bảo đảm.

Sau khi hoàn tất các thủ tục vay, ngày 31/8/2018, ngân hàng đã giải ngân 1,2 tỷ đồng. Theo thỏa thuận, Cương đưa cho Hà 300 triệu đồng chi phí để vay được tiền. Hà chi 50 triệu đồng để lo chi phí, mua bảo hiểm xe. Số còn lại Hà chuyển khoản 150 triệu đồng cho Tuấn, còn 100 triệu đồng Tuấn cho người đến nhận trực tiếp. Sau phi vụ trên, Hà được trả công 5 triệu đồng.

Đến hạn thanh toán hợp đồng, Cương không trả được nợ ngân hàng. Tính đến năm 2020, bị cáo còn chiếm đoạt của ngân hàng số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Trong thời gian trên, Cương còn tiếp tục nhờ Hiểu ký giúp thêm một hợp đồng khống mua bán xe Land rover với Phạm Ánh Hậu.

Hậu đã cầm hợp đồng khống, giấy đăng ký xe để thế chấp vay tiền ngân hàng. Lần này, Phạm Trung Thành cũng không thẩm định giấy tờ gốc.

Khi được ngân hàng giải ngân 1,2 tỷ đồng, Hậu đã “cắt phế” lại cho Hà số tiền 300 triệu đồng. Lần này, Hà chỉ thừa nhận cầm 250 triệu đồng để đưa cho Tuấn. Nhưng do không đưa được tiền cho Tuấn nên khoảng 2 tháng sau Hà đã trả lại cho Hậu do sợ bị liên quan đến pháp luật.

Do Hậu không có khả năng thanh toán, bị truy buộc chiếm đoạt ngân hàng số tiền 1,1 tỷ đồng.

Tại cơ quan điều tra, Cương khai sử dụng số tiền vay để mở thêm gara sửa ô tô ở TP. Phúc Yên, Vĩnh Phúc. Do làm ăn thua lỗ nên hiện gara này đã ngừng hoạt động. Bị cáo không có khả năng trả lại tiền cho ngân hàng.

Còn Thành khai nhận chỉ thẩm định thông tin cá nhân, nhu cầu vay vốn, khả năng trả nợ của Hậu và Cương. Đến khi giải ngân, Thành mới nhìn thấy giấy đăng ký xe bản gốc. Thành thừa nhận đã cho khách hàng ký trước vào biên bản sau cho vay để về hoàn thiện hồ sơ.

Về hành vi của Hà, cơ quan điều tra cho rằng chưa đủ cơ sở xác định Hà biết hồ sơ tài sản đảm bảo là giả mạo. Đối với Vương Quốc Tuấn, hiện đã đi khỏi địa phương từ năm 2013, không rõ hiện đang làm gì, ở đâu.

Do hành vi của Tuấn liên quan đến Hà nên cơ quan điều tra ra quyết định tách tài liệu vụ án để làm rõ, xử lý sau.

Tin bài liên quan