Khách du lịch trở lại những khu nghỉ dưỡng biển sau dịch. Ảnh: Dũng Minh

Khách du lịch trở lại những khu nghỉ dưỡng biển sau dịch. Ảnh: Dũng Minh

Chủ dự án nghỉ dưỡng "tươi tỉnh" trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những tín hiệu tích cực từ thị trường lẫn nội tại doanh nghiệp mang lại kỳ vọng về một chu kỳ tăng trưởng mới cho bất động sản nghỉ dưỡng.

Tín hiệu tích cực

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 của Công ty cổ phần Tập đoàn C.E.O (CEO Group) đã tích cực hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước khi ghi nhận doanh thu tăng 3 lần lên hơn 425,3 tỷ đồng phần lớn nhờ doanh thu bất động sản tăng mạnh; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 44 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 126 tỷ đồng.

Không chỉ CEO Group, nhiều doanh nghiệp đang theo đuổi phát triển bất động sản nghỉ dưỡng khác cũng đạt kết quả kinh doanh khả quan trong nửa đầu năm 2022. Đơn cử, Novaland ghi nhận lượng đặt cọc tại dự án Novaworld Hồ Tràm tăng mạnh, góp phần mang lại khoản doanh thu hơn 4.628,4 tỷ đồng cùng 1.818 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng qua.

Việc nhu cầu du lịch bùng nổ sau dịch, đặc biệt khi dòng khách nội địa theo Tổng cục Du lịch, 6 tháng đã vượt kế hoạch cả năm, giúp tỷ lệ lấp đầy ở các khu nghỉ dưỡng gia tăng nhanh chóng, cùng nhiều chính sách ưu đãi từ các chủ đầu tư trong triển khai các mô hình chia sẻ lợi nhuận khiến các nhà đầu tư cân nhắc hơn trong việc giải ngân vào các dự án bất động sản nghỉ dưỡng được phát triển bởi những chủ đầu tư lớn như Novaland.

Với CEO Group, một trong những nhà phát triển bất động sản nghỉ dưỡng thuần túy, tình hình kinh doanh khởi sắc trở lại được ví như là “cánh chim báo tin vui” cho thị trường này sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Báo cáo mới nhất của DKRA Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, có gần 60 dự án bất động sản nghỉ dưỡng ra mắt thị trường, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, tập trung vào các phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng với 26 dự án (2.776 căn); nhà phố và shophouse nghỉ dưỡng với 23 dự án (5.145 căn) và condotel là 8 dự án (1.591 căn). Không chỉ nguồn cung, mặt bằng giá cũng tăng đáng kể từ 9- 40%, trong đó tăng mạnh nhất là nhà phố và shophouse ở mức 30- 40%; biệt thự nghỉ dưỡng tăng 11-28% và condotel tăng 9-15%.

Ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam cho biết, bên cạnh nguồn cung dồi dào, giá tăng mạnh, thanh khoản của các dự án cũng khá cao, chỉ riêng phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng biển ghi nhận tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới đạt tới 75% trong nửa đầu năm 2022, gấp 2,5 lần cùng kỳ. “Dù còn chịu dư chấn của dịch bệnh, nhưng giá bán và thanh khoản các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng đều tăng. Đây rõ ràng là tín hiệu tích cực cho loại hình bất động sản này”, ông Thắng nói.

Bất động sản nghỉ dưỡng có nhiều cơ hội để bùng nổ. Ảnh: Dũng Minh

Bất động sản nghỉ dưỡng có nhiều cơ hội để bùng nổ.

Ảnh: Dũng Minh

Kỳ vọng bước vào chu kỳ tăng trưởng mới

Khảo sát “Nhu cầu second home” do VnExpress thực hiện mới đây cho thấy, gần 80% người được hỏi cho biết thích mua second home (căn nhà thứ hai) tại các tổ hợp giải trí nghỉ dưỡng tích hợp đầy đủ tiện ích nội khu và người mua có xu hướng chọn mua căn nhà nghỉ dưỡng tại những điểm đến có hạ tầng giao thông thuận lợi. Vì vậy, những khu nghỉ dưỡng phức hợp với đầy đủ tiện ích nghỉ dưỡng - giải trí cao cấp ở gần các đô thị lớn cùng hạ tầng giao thông hoàn chỉnh có nhiều lợi thế thu hút khách hàng.

Bên cạnh đó, tốc độ gia tăng dân số “siêu” giàu tại Việt Nam với tỷ lệ khoảng 26% mỗi năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2026, theo Báo cáo Thịnh vượng lần thứ 16 của Knight Frank, cũng được xem là một chỉ báo quan trọng có tác động tích cực đến bất động sản nghỉ dưỡng. Đó là chưa kể đến sự gia tăng đáng kể về lượng tìm kiếm quốc tế đối với du lịch Việt Nam với mức tăng 50-75%, cao thứ tư trên thế giới theo dữ liệu từ Google. Các chỉ số này tiếp tục ủng hộ về tiềm năng bùng nổ của bất động sản nghỉ dưỡng sau dịch.

Theo ông Lê Xuân Nga, Tổng giám đốc BHS Group - doanh nghiệp đang phân phối nhiều dự án nghỉ dưỡng tại Cam Ranh (Khánh Hòa), Quảng Ninh..., ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ mang đến nhiều kỳ vọng hơn cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Ghi nhận thực tế cho thấy, dòng tiền vẫn chảy mạnh vào bất động sản nghỉ dưỡng khi các kênh đầu tư khác biến động và nhiều người có xu hướng “bỏ phố về rừng” để sống an toàn trong mùa dịch. Theo đó, một loại hình bất động sản mới xuất hiện là các khu đất sinh thái với “sóng đầu tư” ngày càng lan rộng ra các vùng xa trung tâm. Đồng thời, xu hướng second home cũng xuất hiện ở mảng biệt thự nghỉ dưỡng.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thùy Dung, Phó Tổng giám đốc TLG Holdings, nhà phát triển dự án Health Park Hải Tiến Resort cho hay, trong bối cảnh thị trường khó khăn, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn nằm trong số ít phân khúc bất động sản giữ được đà tăng trưởng. Nguyên nhân là do nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng vọt thời dịch, dẫn dắt đà tăng trưởng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, nhất là các dự án phát triển theo mô hình chăm sóc sức khỏe toàn diện “wellness”.

“Với tốc độ đô thị hóa cao và tầng lớp trung lưu gia tăng, ngày càng có nhiều người di chuyển ra khỏi trung tâm thành phố và tìm cách mang theo các tiện nghi chăm sóc sức khỏe kiểu đô thị, xu hướng này giúp cho các dự án nghỉ dưỡng được quan tâm nhiều hơn khi vừa là một sản phẩm đầu tư, vừa được tận hưởng những dịch vụ nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe”, bà Dung nói.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cho biết, hiện nay, khoảng 80-90% dự án nghỉ dưỡng nằm ở khu vực ven biển, hải đảo, do đó các địa phương ven biển có lợi thế lớn để phát triển loại hình này. Đặc biệt, định hướng phát triển du lịch của Nhà nước hướng đến mục tiêu đón ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2025 và 50 triệu lượt đến năm 2030 là cơ sở để các doanh nghiệp, nhà đầu tư mong đợi một chu kỳ tăng trưởng mới.

Tuy nhiên, cũng theo ông Châu, hành lang pháp lý cho bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa được hoàn thiện và còn tạo không ít khó khăn cho các nhà phát triển dự án cũng như nhà đầu tư. Vì vậy, khi được “chuẩn hóa” sẽ định hướng cho sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường này.

Cùng góc nhìn, ông Võ Hồng Thắng cho rằng, việc hoàn thiện sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đầu tư 2020 và Luật Đất đai 2013 liên quan đến pháp lý bất động sản du lịch sẽ tạo nền tảng để cho lĩnh vực này bùng nổ. Dự kiến trong năm 2022, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện khung pháp lý cho loại hình căn hộ condotel, officetel… để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng, cũng như thúc đẩy những sản phẩm mới này phát triển mạnh mẽ hơn.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, thị trường bất động sản nghĩ dưỡng chứng kiến sự gia nhập của nhiều chủ đầu tư có kinh nghiệm và tiềm lực tài chính với những dự án quy mô lớn từ vài trăm đến hàng nghìn héc-ta, các thương hiệu quản lý - vận hành quốc tế 4-6 sao cũng xuất hiện nhiều hơn tại các dự án nghỉ dưỡng, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú, tăng cường khả năng thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam thời gian tới.

“Đa phần các dự án lớn sở hữu hệ sinh thái đa tiện ích, được vận hành bởi các thương hiệu quốc tế sẽ được khách hàng quan tâm nhiều hơn nhờ khả năng đảm bảo dòng tiền khai thác và lợi nhuận kỳ vọng”, ông Thắng nhấn mạnh.

Tin bài liên quan