Chủ động ứng phó trước tác động thuế quan và các biến động của thương mại toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
Quyết định cuối cùng về thuế quan đối ứng (thuế do Mỹ đáp trả tương ứng những đối tác thương mại đánh thuế hàng hóa nhập khẩu từ nước này khi xuất khẩu hàng hóa vào nền kinh tế lớn nhất thế giới) mà Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố ngày 2/4 (giờ địa phương) đã khiến nhiều nước không khỏi ngỡ ngàng.
Chủ động ứng phó trước tác động thuế quan và các biến động của thương mại toàn cầu

Theo công bố, Mỹ áp thuế đối ứng 46% với hàng hóa nhập từ Việt Nam do cho rằng, Việt Nam đã áp mức thuế và rào cản thương mại 90% với hàng hóa của Mỹ. Đây là mức cao thứ hai trong các đối tác xuất khẩu vào Mỹ (sau Campuchia với con số tương ứng là 49% và 97%). Trong danh sách, Trung Quốc bị áp mức 34%, 67%; Liên minh châu Âu là 20%, 39%; Bangladesh 37%, 74%; Đài Loan 32%, 64%; Ấn Độ 26%, 52%; Hàn Quốc 25%, 50%... Dự kiến, các mức thuế trên có hiệu lực từ ngày 9/4 và áp dụng với khoảng 60 quốc gia.

Trong khi Tổng thống Mỹ gọi việc đưa ra mức thuế quan đối ứng là “tuyên bố về sự độc lập kinh tế của Mỹ”, đồng thời lặp lại khẳng định rằng, việc làm và các nhà máy sẽ quay lại Mỹ, giá cả với người tiêu dùng sẽ giảm xuống khi “sản xuất và cạnh tranh nội địa tăng lên”, thì không ít chính trị gia ở Mỹ vẫn đưa ra những nhận định khác biệt.

Những chính trị gia này cho rằng, quyết định của Tổng thống Donald Trump sẽ khiến một gia đình ở Mỹ phải trả thêm cả ngàn USD tiền thuế mỗi năm và ảnh hưởng đến “những người mua những thứ họ mua hàng ngày”. Đó là chưa kể vấn đề đang thu hút đông đảo sự quan tâm của dư luận Mỹ, là đối tượng nào phải trả các khoản thuế mới, trong đó không loại trừ khả năng chính các doanh nghiệp của Mỹ nhập khẩu hàng hóa sẽ phải trả khoản thuế này. Theo đó, cho dù khi thuế nhập khẩu cao, doanh nghiệp Mỹ sẽ càng tìm cách bù đắp chi phí bằng cách thay đổi nhà cung cấp, thúc đẩy các đối tác kinh doanh chia sẻ gánh nặng hoặc tăng giá hàng hóa ở Mỹ, song đây là động thái mạo hiểm.

Giới phân tích kinh tế thì cảnh báo, chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ sẽ chỉ khiến lạm phát tại nền kinh tế này và toàn cầu tăng lên, làm gia tăng căng thẳng trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với nhiều nước. Riêng về tác động thuế quan, chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ làm giảm niềm tin vào USD, thúc đẩy các nhà đầu tư tìm kiếm các giao dịch ngoại hối khác bởi hai nhân tố chính.

Thứ nhất, trong kịch bản chiến tranh thương mại giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới, Mỹ cuối cùng sẽ chịu thiệt hại nhiều hơn do quy mô kinh tế của phần còn lại của thế giới lớn hơn.

Thứ hai, chính sách thuế quan tiềm ẩn rủi ro lạm phát đình trệ, điều mà thị trường đang rất lo ngại.

Trước quyết định có tính đảo ngược nhiều thập kỷ tự do hóa thương mại đã định hình trật tự toàn cầu của Tổng thống Donald Trump, nhiều đối tác thương mại cũng sẽ phản ứng bằng các biện pháp đối phó của riêng mình. EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Colombia và Mexico trước đó đã tuyên bố sẽ phản ứng với các hành động thương mại của ông Donald Trump.

Với riêng Việt Nam, quyết định của Tổng thống Mỹ sẽ có tác động trực tiếp tới hoạt động xuất khẩu, trước mắt là mỗi năm, hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ sẽ phải chịu thêm hàng chục tỷ USD tiền thuế. Quyết định này cũng ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam xuất sang Mỹ, bởi mức thuế đối với nhiều đối thủ cạnh tranh chính với doanh nghiệp Việt Nam thấp hơn. Minh chứng là, nếu xét tương quan thì hàng hóa của Việt Nam sẽ chịu thuế cao hơn 10 - 20% so với một số đối thủ chính trong khu vực, trong đó các mặt hàng bị tác động trước nhất sẽ là đồ điện, điện tử, dệt may, da giày, nội thất...

Trước các biến động của thương mại toàn cầu, cùng với nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm chủ động triển khai nhiều nhóm giải pháp thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với Hoa Kỳ một cách toàn diện, hài hòa và bền vững, thì sự phối hợp kịp thời cung cấp thông tin thị trường của các cơ quan quản lý là rất quan trọng. Ngoài ra, sự linh hoạt trong điều hành chính sách tỷ giá của cơ quan quản lý cũng hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp xuất khẩu trong tình hình hiện nay.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là bản thân doanh nghiệp cần chủ động kế hoạch sản xuất - kinh doanh. Theo đó, doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường, chủ động đề phòng bất trắc xảy ra trên thị trường trong bối cảnh vừa diễn ra xu hướng tự do hóa thương mại, vừa gia tăng xu hướng bảo hộ, tăng cường rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại tại nhiều thị trường lớn. Doanh nghiệp cũng cần định hướng chuyển dịch dần sang sản xuất FOB (chủ động nguyên liệu, hoàn thiện sản phẩm) để khách hàng cùng chia sẻ về thuế, tiết giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, đồng thời đẩy mạnh việc khai thác thị trường tiềm năng, cũng như tận dụng lộ trình giảm thuế thông qua các FTA đã ký để tăng cường năng lực xuất khẩu hàng hóa.

Tin bài liên quan