Tác động đa chiều của việc Fed tăng lãi suất
Từ cuối năm 2016 đến nay, Fed đã hai lần nâng mức lãi suất cơ bản với mức điều chỉnh mỗi lần 0,25% lên 0,75% - 1%. Ngay sau khi cơ quan này điều chỉnh lãi suất ngày 15/3/2017, thị trường tài chính biến động ngược quy luật khi đồng USD giảm giá và giá vàng quốc tế tăng. Nguyên nhân là tác động của đợt tăng lãi suất này đã được phản ánh trước đó vào các tài sản tài chính.
Dự kiến, Fed sẽ còn tăng lãi suất 2 lần nữa trong năm 2017 và 3 lần trong năm 2018, mỗi lần tăng 0,25%. Triển vọng tích cực của nền kinh tế Mỹ hiện tại (GDP tăng 1,9% trong quý IV/2016; thị trường lao động phục hồi tốt với tỷ lệ thất nghiệp 4,7% tháng 2/2017; lạm phát đang tiến gần đến mục tiêu 2%) cho thấy, nhiều khả năng Fed sẽ thực hiện lộ trình này. Khi đó, thị trường tài chính, tiền tệ thế giới sẽ có những biến động phức tạp.
Thị trường quốc tế chịu tác động đa chiều
Là nền kinh tế lớn nhất thế giới, những thay đổi về chính sách lãi suất của Fed có thể dẫn đến một số tác động tới các thị trường tài chính toàn cầu.
Đối với thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế: chứng khoán Mỹ có thể giảm, do chi phí vay nợ hoặc đầu tư tăng lên, tuy nhiên, tác động này có thể chỉ mang tính nhất thời, hoặc không lớn do kỳ vọng đã được thị trường tính đến. Lãi suất ngắn hạn LIBOR tăng và thực tế thị trường đã ghi nhận ở mức giá tăng. Lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ dài hạn có xu hướng tăng. Ngoài ra, đồng USD có xu hướng lên giá so với một số đồng tiền khác.
ThS. Nguyễn Ngọc Cảnh
Đối với các nền kinh tế phát triển (Liên minh châu Âu - EU, Nhật Bản…), việc Fed tăng lãi suất gây áp lực đến ngân hàng trung ương các nước phát triển đang theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng, buộc các cơ quan này phải tiến tới sớm điều hành thắt chặt tiền tệ. Đối với các nước đang phát triển và mới nổi, vốn đầu tư ngắn hạn có xu hướng quay trở lại Mỹ, tạo áp lực phải tăng lãi suất đồng nội tệ nhằm giảm sức ép mất giá nhanh đồng bản tệ, chi phí vay vốn nước ngoài và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài gia tăng…
Những biến động xuất phát từ việc Fed nâng lãi suất sẽ tác động đa chiều tới nền kinh tế Việt Nam
Trong khi đó, với thị trường vàng quốc tế, xu hướng của giá vàng trong thời gian tới sẽ tiếp tục biến động phức tạp và khó lường. Một số dự báo giá vàng sẽ tăng trong năm 2017 lên mức 1.500-1.575 USD/ounce vào cuối năm, do những bất ổn địa chính trị ở châu Âu và nguồn cung vàng trong thời gian tới có khả năng giảm. Tuy nhiên, cũng có một số quan điểm cho rằng, giá vàng quốc tế sẽ đi xuống, chủ yếu do triển vọng khả quan của nền kinh tế Mỹ sẽ hỗ trợ đồng USD tăng giá. Bên cạnh đó, Ấn Độ - nước tiêu thụ vàng lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt với suy giảm kinh tế, khiến nhu cầu về vàng vật chất giảm trong thời gian tới.
Việt Nam không nằm ngoài vùng ảnh hưởng
Những biến động xuất phát từ việc Fed nâng lãi suất sẽ tác động đa chiều tới nền kinh tế Việt Nam. Cụ thể là ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu, kiều hối, đầu tư nước ngoài, vay nước ngoài, dự trữ ngoại hối và các thị trường tài chính.
Thứ nhất, đối với hoạt động xuất nhập khẩu, Mỹ là đối tác xuất khẩu lớn nhất, chiếm 22% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2016. Việc đồng USD lên giá sẽ có tác động nhất định tới cán cân thương mại Việt - Mỹ và cán cân thương mại của Việt Nam (tính đến 15/3/2017, cán cân thương mại thâm hụt 1,81 tỷ USD chủ yếu do yếu tố mùa vụ).
Về lâu dài, việc Fed tăng lãi suất cùng với chính sách tài khóa mở rộng của Mỹ sẽ có tác động tích cực đến xuất khẩu của Việt Nam
Tỷ giá USD/VND tăng nhẹ trong 2 tháng đầu năm 2017 nhưng có xu hướng giảm từ sau 15/3/2017 do Fed tăng lãi suất đã nằm trong kỳ vọng của thị trường. Như vậy, trong ngắn hạn, việc Fed tăng lãi suất theo một lộ trình thận trọng không tác động đáng kể tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, về lâu dài, việc Fed tăng lãi suất có thể có những tác động nhất định đến khả năng cạnh tranh hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Thứ hai, tác động đến kiều hối. Theo số liệu báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, kiều hối trong năm 2016 tăng 7,2% so với năm 2015 và trong những tháng đầu năm 2017 tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2016. Các thị trường chiếm tỷ trọng lớn cho nguồn cung kiều hối về Việt Nam là Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Kiều hối về Việt Nam chủ yếu hỗ trợ thân nhân và một phần chuyển về để đầu tư. Trong năm 2017, sự gia tăng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là một trong những nhân tố bảo đảm cho sự ổn định của lượng kiều hối.
Thị trường vàng trong nước khá ổn định sau những giải pháp quản lý chặt chẽ
Ngoài ra, kiều hối chuyển về đầu tư vào thị trường bất động sản, chứng khoán dự báo tăng do quy định cho phép người nước ngoài được mua bất động sản tại Việt Nam và quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tiếp tục diễn ra sôi động. Do đó, mặc dù khi Fed tăng lãi suất, sức hấp dẫn của việc đầu tư vào thị trường tiền tệ sẽ giảm, nhưng các kênh đầu tư khác vẫn có khả năng thu hút nguồn tiền từ nước ngoài. Nhìn chung, việc Fed tăng lãi suất sẽ tác động không quá lớn đến kiều hối vào các kênh đầu tư, còn kiều hối từ người lao động Việt Nam ở nước ngoài nhiều khả năng vẫn được bảo đảm.
Thứ ba, việc Fed tăng lãi suất có thể sẽ tác động tới hoạt động đầu tư nước ngoài, bao gồm dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp.
Đối với dòng vốn FDI vào Việt Nam, theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến 20/3/2017, tổng vốn đăng ký là 2.917 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2016; vốn FDI giải ngân được 3,62 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2016. Số liệu cho thấy, FDI vào Việt Nam đang có xu hướng tăng, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá Việt Nam có môi trường đầu tư hấp dẫn. Như vậy, hoạt động FDI vào Việt Nam tăng hay giảm phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như tăng trưởng kinh tế, tỷ giá hối đoái ổn định, môi trường đầu tư, kinh doanh và hệ thống pháp luật của Việt Nam.
Đối với hoạt động đầu tư gián tiếp vào Việt Nam, tính đến hết tháng 2/2017, đã có 20.572 nhà đầu tư nước ngoài được cấp mã số giao dịch chứng khoán, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2016, nhà đầu tư nước ngoài đã mua vào khoảng 700 triệu USD, chiếm 22,8% giá trị thị trường. Bên cạnh tỷ giá, dòng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố về kinh tế, chính trị, môi trường đầu tư… Trong ngắn hạn, việc Fed tăng lãi suất theo lộ trình sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến thị trường chứng khoán Việt Nam khi tỷ giá được điều hành ổn định. Tuy nhiên trong trung hạn, xu hướng Fed tăng lãi suất có thể tác động đến dòng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam.
Thứ tư, tác động đến hoạt động vay nước ngoài, trong đó, sẽ làm tăng chi phí vay nước ngoài đối với doanh nghiệp tự vay, tự trả. Cụ thể, đồng USD chiếm khoảng 95% dư nợ vay nước ngoài tự vay, tự trả tại thời điểm 31/12/2016, trong đó hơn 75% dư nợ vay nước ngoài đang chịu lãi suất thả nổi theo đồng tiền vay, do đó, việc Fed tăng lãi suất sẽ làm tăng chi phí đi vay nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam. Mức tăng lãi suất USD tổng cộng 0,5%/năm dẫn đến tổng chi phí trả lãi cho các khoản vay nước ngoài trung dài hạn tự vay, tự trả của các doanh nghiệp Việt Nam tăng khoảng 8 triệu USD/tháng.
Ngoài ra, việc Fed tăng lãi suất có thể tạo sức ép giảm giá của VND so với USD, qua đó làm tăng chi phí huy động vốn vay nước ngoài gồm lãi phải trả và chi phí thanh toán nghĩa vụ nợ bằng VND của doanh nghiệp, cũng như làm tăng nợ công tính theo VND của Việt Nam.
Thứ năm, tác động tới thị trường vàng trong nước. Từ ngày 13 - 15/3/2017, giá vàng trong nước ít biến động, mức giao dịch 36,50 - 36,63 triệu đồng/lượng. Đến ngày 16/3/2017, giá vàng trong nước tăng nhẹ lên 36,65 - 36,76 triệu đồng/lượng sau khi Fed tăng lãi suất, sau đó có xu hướng giảm nhẹ. Chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế có xu hướng giảm, xuống mức 2,7 triệu đồng/lượng.
FDI vào Việt Nam đang có xu hướng tăng
Trong thời gian tới, giá vàng trong nước dự kiến diễn biến theo xu hướng biến động của giá vàng quốc tế. Tuy nhiên, mức biến động giá vàng trong nước còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình hình kinh tế vĩ mô và tâm lý thị trường trong nước. Về cơ bản, với các giải pháp đồng bộ và quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước để quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ, đến nay, thị trường vàng đang diễn biến ổn định, góp phần ổn định thị trường ngoại hối và kinh tế vĩ mô.
Những gợi ý chính sách quản lý ngoại hối thời gian tới
Trong bối cảnh động thái tăng lãi suất của Fed gây tác động tới các thị trường tài chính nội địa, các cơ quan chức năng cần có định hướng chiến lược cụ thể để giữ vững sự ổn định của thị trường.
Quản lý các giao dịch vãng lai
Trong thời gian tới, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài của các tổ chức tín dụng được phép, hoạt động kiều hối, thu đổi ngoại tệ của các tổ chức kinh tế được phép; chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện đúng quy định kiểm tra chặt chẽ hồ sơ giao dịch chuyển tiền ra/vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, chính sách thu hút kiều hối cần tiếp tục thực hiện theo hướng thông thoáng, tạo thuận lợi cho cả người gửi và người nhận kiều hối, đồng thời cần có giải pháp khuyến khích các tổ chức tín dụng, công ty chuyển tiền thiết lập cơ sở hạ tầng thanh toán hiệu quả cho dịch vụ chuyển tiền kiều hối để tăng sự tiện lợi và giảm chi phí cho người nhận kiều hối.
Quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài
Trong giai đoạn 2017 - 2020, công tác quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư nước ngoài cần được thực hiện chủ động, linh hoạt trên nguyên tắc từng bước tự do hóa các giao dịch vốn một cách thận trọng, phù hợp với Đề án Lộ trình tự do hóa các giao dịch vốn đã được Chính phủ phê duyệt và chính sách vĩ mô khác (đặc biệt là chính sách tỷ giá và chính sách tiền tệ), nhằm thu hút và sử dụng hiệu quả dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam, góp phần cải thiện cán cân thanh toán, phát triển thị trường tài chính và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đồng thời, cần tăng cường phối hợp với các bộ, ngành giám sát chặt chẽ diễn biến dòng vốn nước ngoài vào/ra lãnh thổ, kịp thời có giải pháp khi thị trường diễn biến phức tạp.
Quản lý hoạt động vay nợ nước ngoài
Trong thời gian tới, cần phối hợp giữa các bộ ngành liên quan đẩy mạnh phát triển thị trường vốn trong nước theo hướng đa dạng hóa công cụ nợ, tạo kênh huy động vốn đa dạng, đặc biệt vốn trung, dài hạn bằng VND nhằm hạn chế việc huy động vốn từ nước ngoài.
Quản lý thị trường vàng
Tiếp tục thực hiện các giải pháp quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ bên cạnh các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, ngoại hối để ổn định kinh tế vĩ mô, từ đó ổn định thị trường vàng trong nước, đồng thời theo dõi sát diễn biến giá vàng trong nước và quốc tế cũng như tình hình kinh doanh mua, bán vàng trên thị trường để kịp thời đưa ra các chính sách, giải pháp can thiệp thị trường khi cần thiết.