Chủ động trước áp lực lạm phát

0:00 / 0:00
0:00
Dù Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) bình quân của năm 2023 chỉ tăng 3,25% so với cùng kỳ năm trước và tháng 1/2024, CPI cũng chỉ tăng 0,31% so với tháng trước, nghĩa là lạm phát, giá cả thị trường đang trong tầm kiểm soát, nhưng vẫn luôn phải cẩn trọng với lạm phát.
Chủ động trước áp lực lạm phát

Bối cảnh kinh tế thế giới cũng đòi hỏi Việt Nam phải sẵn sàng, chủ động các biện pháp để ứng phó với lạm phát.

Thực tế, lạm phát vẫn đang ở mức thấp và thậm chí, dù Tết Nguyên đán đang đến gần, nhu cầu tiêu dùng tăng cao có thể ảnh hưởng đến CPI tháng 2/2024, song mức tăng được dự báo sẽ không quá cao. Hàng hóa đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết. Chính phủ, các cơ quan quản lý thị trường, các địa phương cũng đã sẵn sàng các biện pháp để đảm bảo ổn định giá cả thị trường trong dịp Tết.

Tuy vậy, nhiều dự báo vẫn cho rằng, diễn biến lạm phát năm nay sẽ khó lường. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng, chẳng hạn, chuyện tăng giá điện, tăng giá dịch vụ y tế hay giáo dục, thậm chí là tăng lương cơ sở từ tháng 7/2024. Tháng đầu năm, việc CPI tăng 0,31% phần nhiều cũng do giá điện và giá dịch vụ y tế tăng.

Chưa kể, còn cả các yếu tố mang tính “ẩn số”. Ví dụ chuyện giá xăng dầu.

Cách đây ít ngày, liên Bộ Tài chính - Công thương đã phải điều chỉnh tăng giá, mỗi lít xăng tăng 760-920 đồng, các mặt hàng dầu (trừ mazut) cũng thêm 10-180 đồng tùy loại. Đáng nói, đây là lần thứ 3 kể từ đầu năm đến này, xăng trong nước tăng giá. Dự báo, trong kỳ điều hành tiếp theo, giá xăng dầu có thể tiếp tục tăng ở mức cao.

Điều này là dễ hiểu khi những ngày qua, giá xăng dầu thế giới tăng khá mạnh do tác động từ căng thẳng leo thang tại Trung Đông, nguồn cung xăng dầu tại Mỹ thắt chặt. Theo MXV - Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, kết thúc tuần giao dịch 22-28/2/2024, toàn bộ 5 mặt hàng trong nhóm năng lượng đều tăng mạnh. Trong đó, giá dầu WTI tăng 6,5% lên 78 USD/thùng, ghi nhận mức cao nhất trong hai tháng qua. Dầu Brent chốt tuần với mức giá 83,55 USD/thùng, cao hơn 6,35% so với tuần trước đó.

Nỗi lo gián đoạn nguồn cung vì căng thẳng quanh khu vực Biển Đỏ là chất xúc tác mạnh mẽ thúc đẩy giá dầu trong tuần. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế vượt kỳ vọng của Mỹ, cũng mở ra niềm tin tích cực về nhu cầu tiêu thụ dầu thô trong tương lai.

Giá dầu tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá xăng dầu trong nước và tác động nhiều vòng đến giá cả thị trường trong nước. Nhưng cũng chưa thể chắc chắn được rằng, giá dầu thế giới trong năm nay sẽ theo xu hướng nào, khi xung đột địa chính trị toàn cầu vẫn căng thẳng, cả ở Ukraine - Nga, dải Gaza và mới đây là Biển Đỏ. Chỉ một biến động bất thường của thị trường toàn cầu thì sẽ ảnh hưởng lớn tới giá xăng dầu, cũng như các mặt hàng nguyên nhiên vật liệu đầu vào khác. Chưa kể, câu chuyện của giá lương thực toàn cầu cũng là một yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến lạm phát toàn cầu và Việt Nam, dù thực tế, Việt Nam không chỉ chủ động được nguồn cung lương thực, mà còn xuất khẩu với số lượng lớn.

Trong cuộc họp mới đây, Ban Chỉ đạo điều hành giá đã đưa ra 3 kịch bản lạm phát với các mức dự báo CPI bình quân tăng 3,52%; 4,03% và 4,5%. Có nghĩa, ở cả ba kịch bản, lạm phát đều trong ngưỡng mục tiêu mà Quốc hội đã quyết nghị. Các dự báo gần đây của các định chế quốc tế, như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng HSBC… về lạm phát của Việt Nam trong năm 2024 đều khá tích cực. Theo đó, khó có khả năng lạm phát của Việt Nam sẽ tăng cao bởi lạm phát trên thế giới trong năm 2024 sẽ tiếp tục giảm và lạm phát trong nước cũng giảm áp lực chi phí đẩy.

Nhưng áp lực lạm phát vẫn còn đó, nhất là khi diễn biến thị trường và kinh tế toàn cầu khó dự đoán. Bởi thế, yêu cầu xuyên suốt vẫn là phải chủ động, linh hoạt, bảo đảm thực hiện kiểm soát tốt lạm phát theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra, trong đó phải theo dõi chặt tình hình để kịp thời có biện pháp điều hành phù hợp.

Tin bài liên quan