Ông Phan Đằng Chương

Ông Phan Đằng Chương

Chủ động trong khó khăn và lạc quan nhìn về phía trước

(ĐTCK) Theo ông Phan Đằng Chương, Phó tổng giám đốc Ernst & Young Việt Nam, biết rõ và tự tin vào giá trị cốt lõi của mình, quản trị hiệu quả để gia tăng lợi thế cạnh tranh, sẽ giúp các DN chủ động trước khó khăn và lạc quan nhìn về phía trước.

Cơ sở nào để ông nhận định, các doanh nhân Việt Nam hiện vẫn nên lạc quan?

Chúng tôi nhìn nhận trên những gì đã đạt được của nền kinh tế và của các DN từ năm 1986 đến nay. Ngoại trừ 3 - 4 năm khó khăn trở lại đây, thì trước đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam luôn ở mức ấn tượng, trung bình 7 - 9%. Nếu Việt Nam không có lớp doanh nhân năng động và nhiệt huyết, thì không thể đạt được kết quả đó.

Thế giới từng ví Việt Nam là con hổ của châu Á, vì cơ bản xuất phát điểm, Việt Nam là một nước nông nghiệp và nhiều DN được gây dựng nên từ những hộ kinh doanh cá thể, công ty gia đình… Không dễ gì mà Việt Nam đã thoát ra khỏi nhóm nước nghèo nhất thế giới và nay có những công ty cổ phần hùng mạnh chỉ trong thời gian ngắn. Nhưng Việt Nam đã làm được, nhờ đóng góp đáng kể từ giới doanh nhân Việt. Với sức mạnh đó, tinh thần của các doanh nhân Việt sẽ không dễ bị lung lay.

Vậy ông lý giải sao trước hiện tượng DN đóng cửa, phá sản hàng loạt?

Chúng tôi nhìn sự kiện này dưới góc nhìn chu kỳ kinh tế, là bước biến chuyển về tầm vóc và quy mô của DN, hơn là cái nhìn tiêu cực. Quy luật kinh tế sau khủng hoảng cho thấy, xu hướng thâu tóm, mua bán, sáp nhập DN sẽ mạnh mẽ, đòi hỏi DN phải tinh tế hơn trong chiến lược. Đó có thể là liên doanh, liên kết, tái đầu tư, tự đầu tư… để tạo sức mạnh, lợi thế mới.

Đã từng có kinh nghiệm trong ứng phó với thách thức, nhưng sao trước khó khăn hiện tại, nhiều DN vẫn thấy chới với?

Thách thức mà các doanh nhân đang đương đầu về môi trường, về vĩ mô, khách hàng, nhà cung cấp, biến động nhân sự, đầu vào, đầu ra… là những thách thức luôn hiện diện trên thương trường, dù muốn hay không, dù ở thời điểm nào. Chỉ khác là trong khủng hoảng, những khó khăn này tăng lên, tạo nhiều áp lực cho công tác quản trị ở DN.

Thực ra, trở lực lớn nhất cho DN Việt Nam là lợi thế cạnh tranh giữa các nền kinh tế đã thay đổi. Nếu như trước đây, nguyên liệu dồi dào và chi phí nhân công rẻ là lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam , thì nay, lợi thế này đang giảm dần. Giá lao động của Việt Nam đang tăng và tình trạng thiếu hụt nhân lực có trình độ, tay nghề đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả đầu tư của DN. Trong khi đó, xu hướng đầu tư bây giờ là ưu tiên hiệu suất, hiệu quả lao động.

Chúng ta cũng phải thấy, vốn đầu tư vào Việt Nam hiện nay đã “đắt” hơn, do Việt Nam không còn là nước nghèo để nhận đầu tư dưới dạng viện trợ. Mỗi đồng vốn đầu tư đều đòi hỏi tính hiệu quả. Nghĩa là, cùng với sự thay đổi về cơ cấu là sự thay đổi về xu hướng đầu tư. DN muốn trụ vững, thì bắt buộc phải chuyển đổi.

Theo quan sát của ông, liệu các DN đã biết chuyển đổi cho phù hợp yêu cầu thực tế?

Rất khó đánh giá một cách đại trà và có lẽ cũng cần nhiều thời gian nữa để đánh giá đúng. Nhưng từ hoạt động của những thương hiệu Việt hàng đầu như Vinamilk, Masan… cùng nhiều DN vừa và nhỏ cho thấy, DN nào biết quan tâm đến tính hiệu quả của hoạt động, ưu tiên đầu tư vào kỹ thuật, nghiên cứu và đào tạo nhân sự để tạo lợi thế vượt trội, thì DN vẫn tăng trưởng, bất chấp những khó khăn chung.

Vậy muốn theo kịp trào lưu thay đổi và gia tăng lợi thế cạnh tranh, DN cần làm gì?

Trong hoàn cảnh hiện tại, DN nên xem lại năng lực cốt lõi, lợi thế cạnh tranh của mình là gì để từ đó tập trung vào việc duy trì và khai thác các thế mạnh hơn là phân tán nguồn lực, đầu tư dàn trải. Cùng với đó, thay vì chú trọng thị phần, tìm mọi cách gia tăng doanh số, DN cần ưu tiên lợi nhuận và kiểm soát chi phí. DN cũng phải xem sản phẩm, dịch vụ của mình có phù hợp với xu hướng của người tiêu dùng, của thị trường hay không.

Về quản trị, DN phải rà soát lại hệ thống quản trị, tăng cường kỷ cương, hiệu quả hoạt động. Khi đó, DN mới duy trì được chất lượng sản phẩm, dịch vụ, cải thiện hình ảnh thương hiệu. Một bộ máy quản trị hiệu quả mới có thể giúp DN tối ưu hóa chi phí, tăng lợi nhuận ròng và đầu tư hợp lý để củng cố giá trị gia tăng cho sản phẩm, dịch vụ, đồng thời giảm rủi ro từ biến động thị trường

Nhiều DN trót “ngủ quên”, thì hành động bây giờ có còn kịp nữa không?

Thà muộn còn hơn là không bao giờ. Quan trọng là cũng nguồn lực đó, DN biết hành động phù hợp với các đòi hỏi mới của thị trường. Thực ra, DN không tự nhiên tồn tại, phát triển trong nhiều năm qua. Họ đã thực hành quản trị. Có chăng là một số chưa thực hành quản trị một cách bài bản, có hệ thống.

Nếu DN thực hành quản trị có hệ thống, có chiến lược dài hạn, có phương án quản trị rủi ro đúng đắn, DN sẽ chuyển từ trạng thái đối phó sang chủ động. Vì khi đó, DN đã tiên đoán, dự phòng được các rủi ro, xây dựng được các cơ chế phòng bị, giảm thiểu thiệt hại khi rủi ro đến và có thể biến rủi ro thành cơ hội.