Chủ động tiến công, chặt đứt gốc rễ tham nhũng - Bài 5: Vượt thách thức sinh tử

0:00 / 0:00
0:00
Tham nhũng, tiêu cực, suy thoái trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thực sự là nguy cơ sống còn, là thách thức sinh tử với Đảng, với chế độ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Bài 5: Vượt thách thức sinh tử

Tham nhũng, tiêu cực, suy thoái trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thực sự là nguy cơ sống còn, là thách thức sinh tử với Đảng, với chế độ. Vượt qua thử thách khốc liệt, cam go này, Đảng ngày càng trưởng thành, mạnh mẽ và xứng đáng với niềm tin trọn vẹn, vững bền của Nhân dân.

Đất nước đang đứng trước những khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ. Đại dịch Covid-19 như cơn cuồng phong ảnh hưởng tới tính mạng, sinh kế của người dân, đến sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, lâu dài.

Trong bối cảnh đặc biệt đó, yêu cầu xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị vẫn được Đảng đặc biệt coi trọng, tiến hành không ngừng nghỉ, quyết liệt hơn, nghiêm minh hơn, bởi chỉ có ngăn chặn, phòng ngừa và xử lý nghiêm những sai phạm, tiêu cực, suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, mới tạo nền tảng vững chắc, môi trường lành mạnh để phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo tốt nhất đời sống nhân dân.

Đó là yêu cầu khách quan, bức thiết của công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là đòi hỏi chính đáng từ thực tiễn cuộc sống; là kỳ vọng của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân.

Kỳ vọng đó vừa được tiếp thêm sức mạnh, khi Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XIII) cũng đã bổ sung hai nhóm nhiệm vụ, giải pháp mạnh, đó là “xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” và “kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm”.

Hai mũi tiến công này sẽ hợp cùng 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII), được Trung ương thống nhất cao là phải tiến hành đồng bộ và quyết liệt hơn nữa, tạo thành sức mạnh tổng thể, toàn diện, vượt qua thách thức, nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ; xây dựng được một đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự trong sạch, có đủ năng lực và giàu bản lĩnh, hiện thực hóa những mục tiêu, khát vọng lớn lao phát triển đất nước trong thời gian tới như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

Chống tiêu cực là cái gốc, cái cơ bản, lâu dài

“Không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế, mà quan trọng phải chống tiêu cực cả trong lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Hai cái này có liên quan đến nhau; sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống mới dẫn đến tham nhũng; đấy mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống. Lợi ích kinh tế thường gắn liền với quyền lợi chính trị, chức quyền, với sự hư hỏng về đạo đức, lối sống.

Đây là vấn đề khó, vì liên quan đến con người, đến tư tưởng, nên phải chỉ rõ, làm rõ những biểu hiện tiêu cực, suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa và phải có các giải pháp đồng bộ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa.

Để thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương lần này, thì nhận thức của chúng ta phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải lớn và phương pháp phải đúng, góp phần làm chuyển biến tình hình thật sự, có kết quả rõ ràng, cụ thể.”

(Trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bế mạc Hội nghị Trung ương 4, Khóa XIII, tháng 10/2021)

Coi trọng phòng, chống tham nhũng chính sách

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là trách nhiệm của mỗi công dân. Với đại biểu dân cử, đặc biệt là đại biểu Quốc hội, theo tôi, chống tham nhũng chính sách là quan trọng nhất để ngăn ngừa cán bộ, công chức tham nhũng, tiêu cực.

Trong chương trình hành động khi ứng cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ này, rất nhiều vị đã cam kết sẽ tích cực chống tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng.

Tôi mong rằng, cần có cơ chế để cử tri giám sát chính kiến của các đại biểu với những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau tại các dự án luật. Khi minh bạch được toàn bộ quá trình làm luật, thì những ý tưởng “cài cắm” lợi ích đến từ đâu sẽ được làm rõ và cơ hội để “cài cắm”, tham nhũng, tiêu cực sẽ càng ít đi.

Không để tiêu cực đục khoét lòng tin của Nhân dân

PGS-TS. Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an)
PGS-TS. Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an)

Tiêu cực có nội hàm rất rộng. Hành động dù chưa thu vén tiền bạc, chưa trục lợi; thấy sai không phê phán, đấu tranh; thấy tốt, thấy đúng không ủng hộ, bảo vệ… cũng đã là tiêu cực, đi ngược lại hoặc vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội, gây tác hại rất xấu, mất niềm tin của Nhân dân. Mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh, lòng tin của Nhân dân là cội nguồn sức mạnh của Đảng. Do đó, phải chủ động tiến công, ngăn chặn kịp thời, không để những hậu quả vô cùng nghiêm trọng của tham nhũng, tiêu cực, tha hóa về tư tưởng chính trị, suy thoái về đạo đức, lối sống của đảng viên, lãnh đạo tiếp tục đục khoét lòng tin của Nhân dân.

Với việc Đảng ta nêu cao quyết tâm làm triệt để, đến gốc rễ, cả chống tham nhũng, cả chống tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, ngay cả trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19 này, Nhân dân sẽ càng thêm tin tưởng, nhất định công cuộc này sẽ thành công.

Chọn khâu đột phá, bổ sung các quy định rõ ràng, mạnh mẽ hơn

TS. Nhị Lê, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản
TS. Nhị Lê, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

Thực tế cho thấy, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là những chiếc bình thông nhau, nên chúng ta phải gắn phòng, chống tham nhũng, lãng phí với phòng, chống tiêu cực.

Với nội hàm mới đó, không thể không bổ sung các quy định rõ ràng hơn, mạnh mẽ hơn và phải có kế sách ngăn chặn, khắc chế, đẩy lùi lãng phí, tiêu cực, hợp thành chỉnh thể cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực. Không nhận thức rõ ràng, dứt khoát và kiên quyết công phá vào chỗ hiểm yếu này, thì rất khó phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực một cách chủ động, toàn diện, hiệu quả.

Theo tôi, phải chọn khâu đột phá và hành động quyết liệt, xử lý nguyên nhân gốc “đẻ” ra tham nhũng, tổng rà soát đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là những người giữ chức vụ trong toàn bộ hệ thống chính trị. Đồng thời, phải đổi mới cơ chế kiểm soát quyền lực toàn diện, thống nhất, đồng bộ và minh bạch.

Đấu tranh, làm rõ tiêu cực có tác động răn đe rất lớn

GS-TSKH. Vũ Minh Giang, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam
GS-TSKH. Vũ Minh Giang, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam

Trước kia, nói chung chung thì ai cũng nghĩ tiêu cực là cái gì đó xa xôi, mông lung.

Nay, Trung ương Đảng đã chỉ cụ thể tiêu cực là những hành vi gì, biểu hiện gì, thì những người đã vi phạm, chưa vi phạm, có nguy cơ vi phạm đều có thể nhìn thấy để sửa mình.

Nó có tác dụng răn đe rất lớn. Tôi tin là, khi chúng ta triển khai các giải pháp này, thì sẽ tạo nên chuyển biến mới, tích cực hơn trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tăng thêm niềm tin của toàn Đảng, toàn dân.

Kỳ vọng bước chuyển mới về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

TS. Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ)
TS. Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ)

Lần đầu tiên, một nghị quyết của Đảng (Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII) đã chỉ ra những biểu hiện cụ thể của tiêu cực, gồm 27 biểu hiện, thuộc 3 nhóm là tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đấu tranh chống tiêu cực chính là đấu tranh với những biểu hiện này. Hội nghị Trung ương 4, Khóa XIII tiếp tục yêu cầu bổ sung, làm rõ hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “tiêu cực” sát hợp tình hình mới. Đây có thể coi là bước phát triển mới về luận điểm chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta.

Từ bước phát triển này, cán bộ, đảng viên soi vào những nội dung cụ thể đó để phòng tránh và rèn luyện. Đồng thời, đó cũng là các tiêu chí để Đảng giám sát, đánh giá phẩm chất đạo đức, chính trị; phát hiện, xử lý sai phạm để làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, tạo bước chuyển mới về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tin bài liên quan