Chủ động rà soát, quyết liệt tháo gỡ vướng mắc cho dự án đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư đang chủ động rà soát để sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực cho nền kinh tế.

Báo Đầu tư có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, Tổ phó Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành, địa phương.

Thưa Thứ trưởng, hai hội nghị trao đổi về các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện dự án đầu tư vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, với Hà Nội và Quảng Ninh. Điều này có ý nghĩa như thế nào?

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông

Đây là hoạt động đầu tiên của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương.

Tổ công tác này được thành lập theo Quyết định số 1242/QĐ-TTg ngày 16/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, với 10 nhiệm vụ khác nhau, trong đó có 2 nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất, rà soát các khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư hiện hữu, với mục tiêu là tháo gỡ rào cản, sớm đưa các dự án này vào triển khai, xây dựng.

Đây không phải là các dự án mới, mà đều là các dự án sẵn có, đang triển khai, do vậy, tháo gỡ được khó khăn có nghĩa là sẽ giúp giải phóng được nguồn lực đầu tư, kể cả là đầu tư công, vốn ODA, các dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP), hay các dự án đầu tư ngoài ngân sách. Đây là nguồn lực cần được tận dụng trong bối cảnh các nguồn lực đầu tư nước ngoài đang bị chậm lại do Covid-19.

Khi các dự án này sớm được triển khai, đưa vào đầu tư, kinh doanh thì sẽ tác động rất lớn tới nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 hiện nay, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa giúp giải quyết việc làm cho người lao động.

Nhiệm vụ trọng tâm thứ hai, đó là Tổ công tác đặc biệt vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ các dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn. Vừa qua, chúng ta thấy, có nhiều dự án quy mô lớn vẫn được các nhà đầu tư thúc đẩy. Chẳng hạn, các dự án của các nhà cung ứng cho Apple, các dự án của Samsung, LG… LG Display vừa tăng vốn thêm 1,4 tỷ USD, trước đó, đã tăng thêm 750 triệu USD. Chúng ta cần tiếp tục hỗ trợ các dự án như vậy.

Qua báo cáo của các địa phương, có thể thấy rất rõ là các khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, kinh doanh là không nhỏ. Vậy Tổ công tác đặc biệt sẽ giải quyết những vướng mắc này như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao cho chúng tôi là nhanh nhất có thể giải quyết và tham mưu giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai các dự án đầu tư.

Do vậy, có 3 hướng để giải quyết.

Thứ nhất, với những vướng mắc, khó khăn thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, và đã rõ, thì Tổ công tác giải thích luôn, áp dụng thống nhất cả nước, để tránh các cách hiểu khác nhau.

Thứ hai, Tổ công tác cũng sẽ có tiếng nói độc lập, giao cho bộ, ngành phải sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến thẩm quyền của các bộ, ngành, ví dụ các thông tư hướng dẫn, để làm sao phù hợp với tình hình thực tiễn. Cùng với đó, tham mưu cho Chính phủ sửa các nội dung liên quan đến thẩm quyền của Chính phủ, chẳng hạn sửa các nghị định.

Thứ ba, sau khi rà soát, tổng hợp, nếu vấn đề nào vướng ở các luật, thì sẽ phối hợp, tham mưu Chính phủ đề xuất sửa các luật liên quan.

Ngoài hai hội nghị đã được tổ chức, kế hoạch tới đây, trong bối cảnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, Tổ công tác sẽ thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao phó như thế nào?

Thực tế, trước khi triển khai thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị các địa phương rà soát các khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư các dự án. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ phải chọn làm việc với các địa phương có nhiều vướng mắc, các địa phương ở các vùng kinh tế trọng điểm. Chẳng hạn, vừa rồi là làm việc với Hà Nội và Quảng Ninh. Đây là hai địa bàn có nhiều dự án đầu tư lớn, nhất là ở Hà Nội có những dự án hàng tỷ USD, dự án quy mô lớn sử dụng vốn vay ODA. Ở Quảng Ninh cũng có nhiều dự án như vậy. Nếu chúng ta tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc cho các dự án này thì rất tốt.

Vì thế, tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục có các cuộc làm việc với các địa phương khác, ví dụ Đà Nẵng hay Hải Phòng, những địa phương lớn ở các vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Các tỉnh phía Nam, tùy điều kiện tình hình dịch bệnh, sẽ có những trao đổi cụ thể vào thời điểm thích hợp.

Dự kiến, sau khi tổng hợp kiến nghị của các địa phương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với tư cách là Tổ phó thường trực Tổ công tác đặc biệt, sẽ chủ trì làm việc với các bộ, ngành để lắng nghe và cũng sẽ có những quan điểm riêng, độc lập, khách quan. Bởi thực tế, không phải bộ, ngành nào cũng sẵn sàng sửa đổi, bổ sung các vấn đề thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, sẵn sàng phân cấp, phân quyền, đi kèm với kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Sau đó, chúng tôi sẽ tổng hợp ý kiến và báo cáo Chính phủ, cố gắng trong tháng 9/2021. Có thể chưa đầy đủ mà sẽ báo cáo từng phần, sau đó tiếp tục rà soát và tháo gỡ vướng mắc.

Vì ảnh hưởng của Covid-19, các doanh nghiệp cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài tháo gỡ cho các dự án đầu tư, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp sẽ được tiến hành thế nào, thưa Thứ trưởng?

Tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư, cho các doanh nghiệp là nhiệm vụ rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Bởi thế, ngoài Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư, thì Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Ngay khi Tổ công tác này được thành lập, thì cùng thời điểm, chúng tôi tổ chức Hội nghị trao đổi về các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện dự án đầu tư (ngày 1/9), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có cuộc làm việc với Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam để lắng nghe và sẵn sàng hỗ trợ nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp.

Ngoài hai Tổ công tác đặc biệt đang hoạt động tích cực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19.

Tinh thần chung là rất chủ động, tích cực và quyết liệt tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các dự án đầu tư.

Vậy còn việc sửa đổi các luật liên quan tới đầu tư, kinh doanh, thưa Thứ trưởng? Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo việc này và thực tế, các doanh nghiệp lâu nay cũng luôn nói rằng, điều họ mong chờ nhất chính là các thể chế, chính sách thuận lợi…

Việc rà soát, sửa đổi các luật về đầu tư, kinh doanh vẫn đang được chúng tôi thực hiện song song. Có thể nói rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động rà soát và chủ động kiến nghị sửa đổi một loạt dự luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh.

Nguyên tắc là, lựa chọn để sửa đổi, bổ sung các quy định của các luật có mâu thuẫn, thiếu đồng bộ, đang gây khó khăn, vướng mắc, yêu cầu cấp bách sửa đổi ngay để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh; tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương gắn với tăng trưởng kiểm tra, giám sát…

Vì xác định sửa các vấn đề vướng mắc nhất hiện nay, làm cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh, nên ngay cả những luật mới có hiệu lực, như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), chúng tôi cũng vẫn đề xuất sửa. Cơ hội sửa không nhiều, bởi lần này, chúng ta sẽ có một luật để sửa nhiều luật (Bộ Tư pháp đang dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số luật - PV). Còn nếu như bình thường, phải đợi đưa vào các chương trình sửa luật, sẽ phải mất 3 - 5 năm, cần có thời gian để sơ kết, đánh giá.

Hiện tại, chúng tôi đã báo cáo Chính phủ các đề xuất sửa đổi các luật về đầu tư, kinh doanh và cũng đã được Chính phủ, một số bộ, ngành thống nhất. Chẳng hạn, chúng tôi đã đề xuất sửa đổi khoản 1, Điều 23, Luật Nhà ở, liên quan đến điều kiện để được xác định là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại đồng thời với quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Đây là vấn đề rất nóng hiện nay. TP.HCM có 126 dự án vướng, Hà Nội có 82 dự án vướng. Nếu sửa đổi được quy định này, sẽ gỡ vướng được cho nhiều dự án.

Tin bài liên quan