Việc Ngân hàng Nhà nước nới biên độ tỷ giá cho phép các ngân hàng ấn định tỷ giá giao dịch cao hơn so với thời gian trước
Tuy nhiên, sức ép tỷ giá còn lớn, doanh nghiệp cần sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá.
Khó tránh áp lực
Trên thực tế, tỷ giá trung tâm liên tục được điều chỉnh tăng với biên độ khá lớn sau khi NHNN quyết định nới biên độ tỷ giá. Giá bán USD do NHNN niêm yết tiếp tục tăng thêm 490 đồng trong ngày 24/10, lên mức 24.870 đồng/USD, kéo theo giá bán tại các ngân hàng thương mại tăng lên mức kịch trần cho phép 24.885 đồng/USD.
Theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng, việc USD tăng giá gây sức ép khá lớn đối với các doanh nghiệp phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Theo đó, nhóm doanh nghiệp thuộc những ngành nhập nhiều hàng từ Mỹ, như bông, chất dẻo, hóa chất, thức ăn chăn nuôi, dược phẩm… sẽ bị tăng chi phí đáng kể do tỷ giá nhích lên theo diễn biến thị trường.
TS. Trần Hùng Sơn, Giảng viên Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường đại học Kinh tế - Luật TP.HCM cho rằng, từ đầu năm đến nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nhiều lần tăng lãi suất USD, tác động tích cực đẩy chỉ số USD-Index lên mức cao nhất 20 năm. Từ nay đến cuối năm, khả năng Fed sẽ còn 2 lần tăng lãi suất USD, nên áp lực sẽ lớn và Việt Nam phải tính đến việc điều chỉnh lãi suất và không loại trừ cả tỷ giá.
Tuy nhiên, theo TS. Sơn, Việt Nam đã có những chính sách thận trọng và chấp nhận điều chỉnh hợp lý như việc tăng biên độ tỷ giá. Mức tăng biên độ tỷ giá thể hiện sự thận trọng, linh hoạt của cơ quan điều hành khi chịu cùng lúc nhiều áp lực như kiểm soát lạm phát thấp, duy trì dòng vốn đầu tư nước ngoài hay giữ mặt bằng lãi suất không tăng quá cao để hỗ trợ doanh nghiệp.
Đặc biệt, khi hầu hết các ngành sản xuất của Việt Nam đều phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu, việc giá USD tăng sẽ khiến chi phí đầu vào của doanh nghiệp lên cao, từ đó làm tăng giá bán ra của hàng hóa, gây áp lực lên lạm phát trong nước. Hàng xuất khẩu cũng chưa hẳn được lợi nhiều, khi chi tiêu của các nước đang bị ảnh hưởng bởi lạm phát ở mức cao.
Đáng chú ý, nguy cơ rủi ro tỷ giá lớn nhất đối với nhóm các doanh nghiệp có tỷ lệ vay nợ ngoại tệ cao. Trong đó, thép, xăng dầu và vận tải hàng không là những nhóm ngành chịu lỗ do chênh lệch tỷ giá khá lớn. Thống kê của Tập đoàn Hòa Phát, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tổng công ty Hóa chất và Dịch vụ dầu khí (PVC), Tổng công ty Phát điện 3 (PGV), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)… đều cho thấy tỷ lệ lỗ do chênh lệch tỷ giá (tính đến cuối quý II/2022) tăng từ 5-6 lần đến hàng chục lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Chủ động phòng ngừa
Từ đầu năm đến nay, đồng yên và euro mất giá mạnh so với USD. Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu đều nhận thanh toán bằng USD, nên khi USD tăng giá, họ sẽ được lợi hơn. Tuy nhiên, việc đồng yên và euro mất giá mạnh lại khiến các nhà nhập khẩu tại các thị trường này lo ngại, đàm phán lại về giá nhập khẩu, thời gian và số lượng nhập hàng. Bên cạnh đó, khi các đồng tiền này yếu đi, người tiêu dùng sẽ cân nhắc chi tiêu, dẫn đến sức cầu giảm.
Trong khi đó, thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) cho thấy, hiện kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản chiếm khoảng 14% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành này, đạt khoảng 800 triệu USD trong nửa đầu năm nay. Con số với thị trường EU là khoảng 12%, đạt 688 triệu USD. Vì thế, việc các đồng tiền thuộc khu vực này mất giá quá mạnh so với USD đã khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam thiệt hại về doanh thu và lợi nhuận, dù vẫn được lợi từ việc tỷ giá khá ổn định.
TS. Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính nhận định, việc nới biên độ tỷ giá sẽ có hai mặt. Chênh lệch giữa tỷ giá chợ đen và tỷ giá ngân hàng sẽ được thu hẹp và giảm tình trạng đầu cơ, tích trữ USD. Các doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ sẽ sớm bán lại cho ngân hàng để đảm bảo an toàn và tránh rủi ro, duy trì mối quan hệ lâu dài với các ngân hàng.
Như vậy, nguồn thu ngoại tệ đem lại sẽ nhiều hơn, lượng ngoại tệ mà NHNN bán ra để điều tiết thị trường ít hơn. Tuy nhiên, áp lực tỷ giá từ nay đến cuối năm vẫn còn, nhất là khi doanh nghiệp vào mùa nhập khẩu hàng hóa cuối năm, nên để tránh rủi ro, cần chủ động phòng ngừa tỷ giá.
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn, HSBC Việt Nam khuyến nghị, không chỉ trong bối cảnh tỷ giá biến động mạnh, mà ngay cả trong thời điểm bình thường, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng cần đặc biệt chú trọng đến rủi ro về dòng tiền, rủi ro về lãi suất và tỷ giá thông qua các sản phẩm phòng vệ rủi ro, nhằm phòng ngừa biến động tỷ giá xảy ra.
Theo một chuyên gia tài chính, khi doanh nghiệp mua hợp đồng kỳ hạn, họ phải mua USD với giá cao hơn nhiều so với giá hiện tại. Trong khi đó, chênh lệch giá USD giữa hiện tại và tương lai dựa trên chênh lệch về lãi suất giữa VND và USD. Hiện lãi suất huy động USD bằng 0%, lãi suất VND đang dần tăng lên, do vậy giá USD mua theo kỳ hạn trong tương lai sẽ khá cao.
Nhiều doanh nghiệp tin tưởng rằng, chính sách điều hành tỷ giá của NHNN sẽ duy trì sự ổn định, không để tỷ giá tăng mạnh, nên không muốn mua hợp đồng kỳ hạn phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Sự chủ quan này rất rủi ro với các doanh nghiệp, vì tỷ giá có thể biến động rất mạnh, sức ép tăng lãi suất của Fed còn rất lớn trong thời gian tới.
Hiện nay, các sản phẩm phái sinh phòng ngừa rủi ro tỷ giá cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam tương đối đầy đủ. Một số sản phẩm phổ biến mà các ngân hàng đang cung cấp cho doanh nghiệp là giao dịch kỳ hạn (forward), hoán đổi (swap), giao ngay (spot)... Doanh nghiệp xuất nhập khẩu đều có thể sử dụng các sản phẩm này nếu có nhu cầu phòng ngừa rủi ro tỷ giá.