Diễn đàn Cấp cao cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai, tổ chức hôm 6/6 đã thảo luận sâu về bối cảnh vĩ mô hiện tại

Diễn đàn Cấp cao cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai, tổ chức hôm 6/6 đã thảo luận sâu về bối cảnh vĩ mô hiện tại

Chủ động kịch bản ứng biến, nắm bắt cơ hội

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nền kinh tế Việt Nam đang trong xu thế phục hồi tích cực, nhưng vẫn đối mặt với nhiều khó khăn từ bên ngoài cũng như bên trong. Để thành công, doanh nghiệp, nhà đầu tư cần chủ động xây dựng kế hoạch, chiến lược ứng phó.

Phản ứng chính sách kịp thời

Ngày 6/6 vừa qua, Báo Đầu tư phối hợp với Cộng đồng cố vấn tài chính Việt Nam tổ chức thành công Diễn đàn cấp cao cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai với chủ đề “Ứng biến trong vạn biến”.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, mặc dù xu hướng phục hồi là tích cực, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, do những diễn biến khó lường của tình hình thế giới, khu vực và cả vấn đề nội tại của nền kinh tế. Hiện tại, các nền kinh tế lớn đang đứng trước nhiều lựa chọn chính sách khác nhau về những vấn đề toàn cầu và trong nước. Các yếu tố này đã tạo sức ép lớn lên điều hành kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng của các nước đang phát triển, khiến công tác dự báo, ứng phó ngày càng khó khăn, bị động hơn.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, xu hướng gần đây, một số nước đã triển khai các gói kích thích kinh tế mới, bao gồm cả chính sách hỗ trợ các ngành công nghiệp như bán dẫn, AI… Điều này làm gia tăng thêm sức ép cạnh tranh, đòi hỏi nền kinh tế Việt Nam phải phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn nữa để theo kịp với thế giới, khu vực. Áp lực lạm phát, tỷ giá cũng đang gia tăng, sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, thách thức, sản xuất công nghiệp phục hồi chậm, cầu tiêu dùng vẫn tăng thấp…

“Khó bên ngoài khó cả bên trong, nên sức ép điều hành kinh tế là rất lớn. Với một nền kinh tế có quy mô còn khiêm tốn, sức chống chịu, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, chịu ảnh hưởng lớn từ các tác động bên ngoài như Việt Nam, điều hành thế nào, ứng biến ra sao trước mỗi biến động của thị trường là điều không đơn giản”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Để nền kinh tế về đích kế hoạch năm 2024, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, làm mới các động lực truyền thống về đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu; đồng thời, bổ sung, đẩy mạnh tận dụng cơ hội từ các động lực tăng trưởng mới, mô hình kinh tế mới, như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, hay các ngành công nghiệp mới nổi như sản xuất chip, bán dẫn, năng lượng tái tạo…

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các dự án hạ tầng chiến lược cũng là một giải pháp quan trọng. Cùng với đó, cần chuẩn bị tốt các điều kiện để thu hút các làn sóng chuyển dịch đầu tư nước ngoài, nhất là trong các lĩnh vực bán dẫn, AI, hydrogen…; đồng thời, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, chính sách, bảo đảm hài hòa mục tiêu ngắn hạn và phát triển trong trung, dài hạn, đặc biệt là trong tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước phát triển.

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5 mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là về thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho doanh nghiệp gia nhập thị trường, kinh doanh thuận lợi hơn. Cùng với đó, cải thiện yếu tố đầu vào, đặc biệt là hỗ trợ thông qua chính sách tài khóa, tiền tệ, bao gồm tiếp tục duy trì và bảo đảm tính chất ổn định, hỗ trợ cho doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận tín dụng; kiến nghị các cấp thẩm quyền tiếp tục xem xét các chính sách giảm thuế; giảm, giãn hoãn phí, lệ phí… để tăng khoản tiền cho doanh nghiệp, hỗ trợ yếu tố đầu vào và các giải pháp cho các yếu tố đầu ra; thúc đẩy các giải pháp để các doanh nghiệp sớm tăng thêm các đơn hàng mới, phục vụ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của mình.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, thách thức và sức ép là rất lớn nhưng Chính phủ Việt Nam đã xác định không lùi bước trước khó khăn, kiên định với mục tiêu Quốc hội đã quyết nghị; bình tĩnh, kiên trì thực hiện các giải pháp đã đề ra, đồng thời theo dõi sát tình hình để có phản ứng chính sách kịp thời, chủ động, hiệu quả, một khi nền kinh tế thế giới có “vạn biến”.

Chủ động ứng biến

Tại Diễn đàn, ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nêu quan điểm, trong bối cảnh kinh tế hiện nay có hai yếu tố mới. Thứ nhất, tính cạnh tranh của thị trường trong nước và thị trường nước ngoài trở nên gay gắt hơn. Trước đây, doanh nghiệp có sẵn thị trường tiêu dùng, khi thị trường phục hồi sẽ sớm giành lại thị phần. Nhưng hiện nay, cạnh tranh cao, có rất nhiều đối thủ tham gia tái chiếm thị trường, doanh nghiệp áp lực hơn. Thứ hai là sự phát triển của khoa học công nghệ, hành vi người tiêu dùng thay đổi, trở nên khó đoán hơn.

Thời gian gần đây, nhiều văn bản pháp luật được ban hành, với nhiều quy định mới, trong đó có 4 sắc luật quan trọng là Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Đất đai 2024 và Luật Các tổ chức tín dụng 2024. Các văn bản hướng dẫn những sắc luật này đang trong quá trình soạn thảo và dự kiến sẽ sớm được ban hành, triển khai. Theo đó, ông Hiếu cho rằng, các doanh nghiệp cần có tâm thế chủ động “chấp nhận cuộc chơi”, chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản để thích ứng với thay đổi của môi trường kinh doanh.

Trong khi đó, ông Tống Quốc Đạt, Trưởng phòng Phân tích thị trường cấp cao Exness Investment Bank nêu quan điểm, các doanh nghiệp cần ứng biến linh hoạt nhưng đừng biến đổi quá nhiều trong bối cảnh thị trường có nhiều yếu tố bất định, bởi mọi khó khăn rồi cũng qua đi.

Nắm bắt cơ hội

Phân tích về cơ hội của thị trường trong thời gian tới, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, nền kinh tế đang phục hồi mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Các động lực tăng trưởng kinh tế đang phục hồi, dù không đồng đều. Nền tảng vĩ mô và quản trị rủi ro được tích lũy tốt lên, rủi ro tài khóa như nợ công, nợ nước ngoài, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ… đang ở mức trung bình, dư địa chính sách tài khóa vẫn còn, góp phần giảm bớt áp lực đối với chính sách tiền tệ. Đồng thời, lạm phát tăng trong tầm kiểm soát, lãi suất giảm, tỷ giá và nợ xấu tăng trong tầm kiểm soát. Thị trường chứng khoán tăng nhờ kỳ vọng nâng hạng thị trường và thị trường bất động sản đang dần phục hồi.

Số liệu thống kê cho thấy, 5 tháng đầu năm nay, doanh thu bán lẻ tăng 8,7%. Đặc biệt ở khối du lịch, nhất là mảng khách quốc tế phục hồi mạnh, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019 (giai đoạn trước đại dịch Covid-19).

Phân tích sâu hơn về thị trường chứng khoán, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, từ đầu năm đến nay, thị trường phục hồi tương đối tích cực. Trong 5 tháng đầu năm 2024, nhóm cổ phiếu ngành bán lẻ tăng 46,45%, ngành ngân hàng tăng hơn 14%, chứng khoán tăng 13,6%...

Đối với thị trường trái phiếu, năm 2024, giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn khoảng 213.500 tỷ đồng; trong đó, lĩnh vực bất động sản khoảng 80.000 tỷ đồng (37%), là những con số không đáng lo ngại.

“Cơ hội trên thị trường hiện nay nhiều hơn thách thức, nhà đầu tư cần biết rõ khẩu vị của mình để có lựa chọn phù hợp, đa dạng hoá danh mục và sử dụng đòn bẩy hợp lý”, ông Lực khuyến nghị.

Cùng quan điểm về cơ hội rộng mở trên thị trường đang hiện hữu, ông Tống Quốc Đạt cho rằng, sau một quá trình giảm quá mạnh và đi ngang trong giai đoạn trước, thị trường chứng khoán cần có bệ phóng từ từ, chắc chắn hơn. Cơ hội sẽ đến từ sự kiên nhẫn của nhà đầu tư.

“Thị trường đang có nhiều tín hiệu tốt, nhà đầu tư cần nhìn nhận cơ hội để tận dụng”, ông Đạt nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)

Nền kinh tế thế giới trong xu hướng tiếp tục khó khăn, tuy nhiên kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam có triển vọng sáng hơn. Khu vực Đông Nam Á dự báo tăng trưởng khoảng 4,5%. Kinh tế Việt Nam dự báo tăng trưởng 6% cao hơn mặt bằng chung khu vực.

Việt Nam có nền kinh tế rất mở, xuất khẩu và nhập khẩu nhiều. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cao gần gấp đôi GDP, do đó, cần tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế. Dự báo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có đợt điều chỉnh giảm lãi suất trong thời gian tới và xu hướng hạ lãi suất ở các nền kinh tế lớn như châu Âu là chỉ dấu kinh tế khó khăn, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng của người dân ở các thị trường này sẽ vừa phải hơn, ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đang nhập siêu ở châu Á và xuất siêu sang châu Âu, Mỹ. Do đó, cầu xuất khẩu có thể phục hồi nhưng khó tăng mạnh.

Sức cầu nội địa hiện đang phục hồi nhưng tốc độ còn chậm. Sức cầu tiêu dùng trong nước phụ thuộc nhiều vào đầu tư trong nước, đầu tư công, tiêu dùng nội địa, phụ thuộc vào chính sách tài khoá. Cần có biện pháp cải cách chi phí kinh doanh tạo điều kiện cho doanh nghiệp, đây là yêu cầu chính sách trong 1-2 năm tới tạo động lực để có sự cân đối lại, gia tăng sức cầu.

TS. Trương Văn Phước, Nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính tiền tệ quốc gia

TS. Trương Văn Phước, Nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính tiền tệ quốc gia

Tăng trưởng kinh tế thế giới có thể tiếp tục giảm trong 3 năm nữa. Lạm phát tiếp tục giảm từ 5,8% xuống 3% trong 3 năm nữa. Hệ quả là lãi suất giảm, thị trường bất động sản sẽ phục hồi hơn.

Xu hướng đồng USD sẽ giảm giá từ nay đến 2027, chỉ số USD-Index sẽ giao dịch quanh mốc 95 -105 điểm, một mức không còn quá cao và lãi suất USD sẽ giảm ở mức 2,75 - 3%/năm trong vòng 3 năm tới. Điều này giúp giảm áp lực mất giá VND. Mức mất giá tiền đồng xấp xỉ với tốc độ CPI, mặt bằng lãi suất cần xoay quanh CPI với biên độ 3 - 4%.

Tin bài liên quan