Nhu cầu về trí tuệ nhân tạo của Việt Nam đang rất lớn.

Nhu cầu về trí tuệ nhân tạo của Việt Nam đang rất lớn.

Chủ động đổi mới công nghệ để tạo bước đột phá

(ĐTCK) Đổi mới, sáng tạo đang là yêu cầu bức thiết để tồn tại và vươn lên trong cuộc cách mạng 4.0. Lãnh đạo cơ quan quản lý, lãnh đạo các doanh nghiệp đi đầu trong đầu tư cho công nghệ mới đã có những chia sẻ xung quanh câu chuyện này.

Ông Đỗ Đức Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ 

Năm 2007 – 2008, khi còn công tác ở Đại học Quốc gia, tôi đã đến nhiều công ty để kêu gọi tài trợ cho nghiên cứu khoa học, sáng tạo đổi mới, nhưng các doanh nghiệp khi ấy đang trong giai đoạn phát triển, chưa có tiềm lực mạnh để thực hiện điều đó.

Nay các doanh nghiệp như FPT, Vingroup, Viettel… đều có những bài toán lớn để kêu gọi cộng đồng cùng tham gia giải quyết. Chúng tôi nhận được rất nhiều kiến nghị, những ý kiến mong muốn có sự thay đổi, có sự hợp tác đưa chuyên môn khoa học công nghệ về Việt Nam, phối hợp với các tập đoàn giải quyết các bài toán của thực tế cuộc sống, sản xuất.

Không phải cứ đầu tư cho trí tuệ nhân tạo (AI) là Việt Nam lên được con tàu 4.0. Chúng ta thiếu hạ tầng lưu trữ dữ liệu lớn để lưu trữ AI, các siêu máy tính của ta đều cũ không chạy được. Chúng tôi xác định sẽ phối hợp với các tập đoàn, có thể bước đầu chỉ là triển khai những dự án nhỏ, nhưng ra được sản phẩm.

Chúng tôi cũng có những kế hoạch như cho phép 10 trường đại học lớn trong nước đào tạo về trí tuệ nhân tạo. Một năm, chúng ta cố gắng có 3.000 - 5.000 nhân lực công nghệ thông tin tốt, trong đó có khoảng 300 chuyên gia về trí tuệ nhân tạo là khởi đầu rất tốt.

Ông Nguyễn Minh Quý, Chủ tịch Tập đoàn Digital Novaon 

Tôi được truyền cảm hứng rất nhiều từ những chia sẻ của nguyên Chủ tịch Tập đoàn Viettel Nguyễn Mạnh Hùng. Ông cho rằng các doanh nghiệp trong Hiệp hội Phần mềm Việt Nam (VINASA) hãy đặt cho mình một sứ mệnh cao hơn, bằng cách làm các phần mềm, các giải pháp công nghệ để góp phần thay đổi vận mệnh đất nước và hướng tới mục tiêu trở thành nền tảng quan trọng, giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển lên, giúp người Việt có thể tự hào, giúp đất nước mạnh mẽ lên.

Tôi cũng tin rằng, bằng công nghệ và ứng dụng công nghệ hiệu quả, doanh nghiệp sẽ lớn hơn và tập hợp được nhiều người giỏi hơn chung tay vì một cộng đồng lớn mạnh, nền kinh tế vững mạnh.

Tôi cho rằng, đã đến thời kỳ doanh nghiệp Việt Nam phải làm chủ công nghệ, phải làm chủ sản phẩm mới thì mới đột phá được về sản phẩm, về cạnh tranh và vị thế trên thị trường. Không những xây dựng vị thế trong nước, mà công nghệ còn đưa doanh nghiệp có bước tiến vững chắc trong khu vực.

Trong quá trình thực hiện các giải pháp kỹ thuật số trong 12 năm qua cho khoảng 20.000 doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy, khi doanh nghiệp triển khai một giải pháp mới, đặc biệt doanh nghiệp ở các nước đang phát triển thường dễ làm với chi phí vừa phải.

Chúng tôi cũng quyết định lựa chọn phát triển nền tảng tiếp thị tự động để giúp doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh và bán hàng tốt hơn, đi nhanh hơn, mạnh hơn.

Thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp chỉ cần tập trung phục vụ thị trường Việt Nam cũng có thể trở thành doanh nghiệp lớn. Các ngành liên quan đến công nghệ, yếu tố liên quan đến địa lý biên giới thấp hơn so với những người khác.

Trải nghiệm người dùng của Việt Nam có nhiều người trải nghiệm tương đương với ở Mỹ, dù thu nhập có thể thấp hơn nhiều so với người Mỹ như sử dụng Facebook, Instagram, Google… đòi hỏi của người dùng cao nên dù xây dựng sản phẩm sẽ phải cạnh tranh ngay trên nước mình.

Ông Lê Hồng Việt, Giám đốc công nghệ Tập đoàn FPT 

Sự bùng nổ của các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, blockchain, kết nối vạn vật… đã thúc đẩy sự phát triển công nghệ toàn cầu và thay đổi hoàn toàn cuộc sống con người. Trong đó, trí tuệ nhân tạo đã thu hút được sự đầu tư mạnh mẽ từ các doanh nghiệp và các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Nền tảng cho quá trình chuyển đổi số tại FPT là hoạt động nghiên cứu phát triển, tập trung vào các khía cạnh khác nhau của doanh nghiệp số, với ba mục tiêu chính là tạo ra sản phẩm mới, xây dựng năng lực mới và khám phá công nghệ mới.

Mục tiêu của FPT là cải thiện môi trường sống, môi trường xã hội thông thoáng và tinh gọn hơn thông qua các chương trình về chính phủ số; tăng năng suất lao động thông qua tự động hóa và sản xuất thông minh; nâng cao chất lượng cuộc sống, mang lại sự tiện lợi với những giải pháp về y tế, giáo dục và thương mại thông minh.

FPT mong muốn chia sẻ những ước vọng, những bài toán lớn này, kêu gọi sự hợp tác cùng xây dựng những sản phẩm, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Các bài toán cấp thiết chúng tôi đang tập trung xây dựng có thể kể đến như: Nền tảng trí tuệ nhân tạo cho doanh nghiệp với những bài toán về E2E ASR; nền tảng mở giúp phát triển công nghiệp xe tự hành; sản xuất thông minh, phân tích rủi ro, rủi ro và xếp hạng tín dụng; chuyển đổi các nền tảng doanh nghiệp như Sap lên Sap Hana…

Ông Hoàng Sơn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel

Giờ đây, cạnh tranh không chỉ giới hạn trong các doanh nghiệp, trong mỗi quốc gia, mà đã ở phạm vi toàn cầu. Thời đại này doanh nghiệp nào mạnh về công nghệ sẽ thắng.

Viettel hiện cạnh tranh toàn cầu, áp lực cạnh tranh rất rõ. Chúng tôi sẽ mở một số văn phòng ở Mỹ, Pháp với mong muốn du nhập công nghệ của các quốc gia phát triển và tìm nguồn lực từ các chuyên gia trẻ.

Hiện nay, nhu cầu trí tuệ nhân tạo ở các doanh nghiệp rất lớn. Đứng trước nhu cầu ấy, Viettel đã thành lập một trung tâm dữ liệu lớn (Big Data), có một nhóm trí tuệ nhân tạo nhận dạng thông tin, tích hợp ra những lĩnh vực mới chúng ta đang thiếu.

Viettel rất mong các nhà khoa học trong và ngoài nước kết hợp thành các đội nhóm, chúng tôi sẵn sàng đầu tư dựa trên nhu cầu thực tế để ra được sản phẩm.

Chúng ta cần xây dựng hạ tầng kết nối số ngang tầm khu vực và thế giới, quan tâm xây dựng hạ tầng, chủ động nghiên cứu công nghệ 5G. Chúng tôi tin, trong 1, 2 năm tới, sẽ có nhu cầu mạnh mẽ về công nghệ 5G.

Việt Nam cũng cần tạo cơ sở dữ liệu xây dựng các trung tâm dữ liệu ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam.

Viettel đã đầu tư mạnh cho nghiên cứu phát triển, sản xuất nhiều phần mềm hệ thống, như các tổng đài chuyển mạch. Nhiều chương trình chúng tôi đang sử dụng đều do tự phát triển. Phần lõi công nghệ của Tập đoàn, có tới 80% do Viettel tự làm.

Tin bài liên quan