Cần sớm có quy định về fintech
Đại diện BWG, ông Phạm Hồng Hải - Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho biết, số hóa đã và đang là một xu hướng toàn cầu, có tác động làm tăng hiệu quả, mở rộng phạm vi tiếp cận và giảm thiểu chi phí. Số hóa tạo cơ hội cho các nước phát triển công nghệ và lĩnh vực tài chính bằng cách tạo ra hệ sinh thái fintech (công ty công nghệ tài chính).
“Nhằm thúc đẩy chương trình số hóa tại Việt Nam, chúng tôi đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các bộ, ngành liên quan rà soát các quy định pháp luật, chính sách về công nghệ, hệ thống và các nhà cung cấp dịch vụ, để giải quyết các vấn đề về quyền bảo mật, an ninh, sở hữu trí tuệ, bảo vệ người tiêu dùng và tạo dựng một sân chơi bình đẳng, đồng thời đưa ra các quy định phù hợp và chỉ can thiệp khi thực sự cần thiết để khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới trong lĩnh vực ngân hàng”, ông Hải nói.
Ông Vivek Pathak - Giám đốc khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) thông tin, gần 70% trong số 93 triệu người dân Việt Nam vẫn chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng một cách chính thức.
Vào năm 2014, chỉ có 15% dân số mở tài khoản tiết kiệm chính thức và 18% thực hiện giao dịch vay chính thức. Đồng thời, khoảng một nửa dân số sử dụng Internet hàng ngày và trên 80% dân số sở hữu thiết bị di động.
Thực tế này đưa Việt Nam trở thành thị trường hàng đầu cho các nhà cung cấp công nghệ di động, trong đó có các công ty fintech.
“Đây là thời điểm thích hợp để các ngân hàng truyền thống phối hợp với các công ty fintech cung cấp các giải pháp ngân hàng tiên tiến với chi phí thấp cho người tiêu dùng và doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn chưa được cung cấp đầy đủ các dịch vụ tài chính”, ông Vivek Pathak nhận xét.
Ông Hải cho rằng, để thúc đẩy sự phát triển ngân hàng điện tử và fintech trong lĩnh vực ngân hàng, đòi hỏi tư duy làm luật mới để tạo ra hành lang pháp lý cho phép khách hàng có thể giao dịch với ngân hàng mọi lúc, mọi nơi, thay vì phải đến giao dịch tại các chi nhánh ngân hàng truyền thống; cho phép ngân hàng được kết nối trực tiếp với các trung tâm dữ liệu về căn cước công dân của Chính phủ và các trung tâm thông tin tín dụng để có thể nhận biết khách hàng và phân tích lịch sử tín dụng của khách hàng trực tuyến.
NHNN nhận thấy, công nghệ đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của fintech, việc ứng dụng công nghệ hiện đại, thúc đẩy các dịch vụ ngân hàng số để cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm tốt hơn khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ là rất cần thiết
- Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh
“Đồng thời, hệ thống tòa án và các cơ quan tư pháp phải công nhận các chứng từ điện tử, dữ liệu điện tử, chữ ký điện tử…, giảm thiểu các loại giấy tờ giao dịch giữa ngân hàng và khách hàng”, ông Hải nói.
Liên quan đến số hóa và fintech, ông Nguyễn Kim Anh, Phó thống đốc NHNN cho biết, đây là vấn đề được Chính phủ và NHNN quan tâm thúc đẩy.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 328/QĐ-NHNN ngày 16/3/2017 thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc về lĩnh vực fintech của NHNN, nhằm đưa ra các giải pháp hoàn thiện cơ chế quản lý phù hợp và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp fintech ở Việt Nam phát triển.
NHNN đã chủ động tiếp cận và làm việc với các doanh nghiệp fintech, xác định những thách thức và cơ hội đối với khối doanh nghiệp này, trên cơ sở đó đưa ra giải pháp phù hợp để hoàn thiện hệ sinh thái fintech ở Việt Nam.
“NHNN nhận thấy, công nghệ đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của fintech, việc ứng dụng công nghệ hiện đại, thúc đẩy các dịch vụ ngân hàng số để cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm tốt hơn khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ là rất cần thiết.
Do đó, NHNN đang nghiên cứu bổ sung, sửa đổi những quy định pháp lý liên quan nhằm tạo điều kiện để các định chế tài chính cũng như công ty fintech có thể yên tâm đầu tư và triển khai những giải pháp mới tại thị trường Việt Nam”, Phó thống đốc Kim Anh nói.
Băn khoăn quy định về chuyển mạch giao dịch thẻ
Khoản 2, Điều 24, Thông tư 19/2016/TT-NHNN về hoạt động thẻ ngân hàng quy định, việc chuyển mạch giao dịch thẻ có BIN do tổ chức thẻ quốc tế cấp giữa tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ với tổ chức thẻ quốc tế phải được thực hiện thông qua một cổng do một tổ chức chuyển mạch thẻ được Ngân hàng Nhà nước cấp phép vận hành. Quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.
Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) - ông Jonathan Moreno cho rằng, yêu cầu tất cả các giao dịch phải được chuyển qua hệ thống chuyển mạch có thể ảnh hưởng đến an ninh, tốc độ và độ tin cậy của giao dịch, đồng thời gây trở ngại về khả năng cạnh tranh của các công ty thanh toán nước ngoài.
“Điều quan trọng là Việt Nam cần duy trì môi trường thuận lợi thúc đẩy cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nội địa cũng như nước ngoài, đẩy mạnh đổi mới, an ninh mạng tốt hơn và có những giải pháp và sản phẩm hiệu quả về mặt chi phí”, ông Jonathan Moreno nói.
Phó thống đốc Kim Anh chia sẻ, quy định về chuyển mạch thẻ tại Thông tư 19 nhằm đáp ứng mục tiêu về quản lý của Chính phủ Việt Nam.
Cụ thể, quản lý được các thông tin về giao dịch thẻ vào/ra Việt Nam; thực hiện tốt hơn quản lý ngoại hối trong thanh toán thẻ do Việt Nam còn cơ chế quản lý ngoại hối; góp phần phòng, chống rửa tiền; đảm bảo chủ quyền quốc gia và an ninh trong thanh toán của Việt Nam.
Quy định này cũng phù hợp với cam kết trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được thống nhất giữa Việt Nam với các nước tham gia TPP, cũng như tất cả các cam kết quốc tế khác của Việt Nam và không tạo ra sự hạn chế cạnh tranh của các công ty thanh toán nước ngoài.
Phó thống đốc nhấn mạnh, đối với quan ngại về mặt kỹ thuật, trên thực tế có thể giải quyết được nếu có sự hợp tác chặt chẽ của các bên (các công ty thanh toán điện tử nước ngoài với tổ chức chuyển mạch thẻ tại Việt Nam).
Thời gian qua, tổ chức chuyển mạch thẻ đã được NHNN cấp phép (NAPAS) và các tổ chức thẻ quốc tế đã có trao đổi, thảo luận về mô hình kết nối kỹ thuật. Trong thời gian tới, NHNN yêu cầu các công ty thanh toán điện tử tiếp tục trao đổi, làm việc tích cực hơn với NAPAS nhằm thống nhất về vấn đề kỹ thuật và cách thức triển khai quy định tại Khoản 2, Điều 24, Thông tư 19.
Liên quan đến việc mở tài khoản ngân hàng quy định tại Điều 11, Thông tư 32/2016/TT-NHNN, tổ chức là pháp nhân mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ông Ryu Hang Ha - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) cho biết, các văn phòng chi nhánh, văn phòng đại diện và văn phòng quản lý dự án không có quyền độc lập nên không thể mở tài khoản ngân hàng bằng chính tên của văn phòng mình. Vì vậy, họ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc mở một tài khoản ngân hàng bằng tên trụ sở.
“Việc này gây ra nhiều bất tiện, khi các văn phòng chi nhánh, văn phòng đại diện, văn phòng quản lý dự án thực hiện rút tiền từ tài khoản ngân hàng đó, hoặc thực hiện chuyển tiền. Điều này cũng không thống nhất với các luật và quy định khác quy định rằng, các văn phòng chi nhánh và văn phòng đại diện phải dùng tên của chính văn phòng mình lập hợp đồng lao động, hợp đồng thuê văn phòng và hợp đồng phụ”, ông Ryu Hang Ha nói.
Phó thống đốc Kim Anh cho hay, quy định tại Điều 11, Thông tư 32 là cần thiết, hạn chế rủi ro cho các bên, bảo đảm các giao dịch mở, sử dụng tài khoản không bị vô hiệu do vi phạm quy định về chủ thể theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục xem xét, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để báo cáo Chính phủ về vấn đề này, bởi liên quan đến Bộ luật Dân sự.