Như Báo Đầu tư số 59 ngày 16/5/2014 đã đề cập trong bài viết “Chủ đầu tư bớt xén quỹ nhà ở xã hội”, thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP. Hà Nội đã báo cáo sơ bộ gửi Bộ Xây dựng kết quả kiểm tra sử dụng quỹ đất 20% tại 12 dự án.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, trong số 12 dự án nhà ở, khu đô thị mới của Hà Nội được tiến hành kiểm tra, có 1 dự án không dành quỹ đất để làm nhà ở xã hội theo quy định. Trong 11 dự án có dành quỹ đất, chỉ có 3 dự án triển khai xây nhà ở xã hội, 3 dự án chuyển đổi sang xây dựng nhà tái định cư, còn lại cho chuyển đổi sang nhà ở thương mại, hoặc bán đấu giá quyền sử dụng đất.
Đại diện cơ quan chức năng không thông tin cụ thể về tình trạng vi phạm tại từng dự án, nhưng quan sát thực địa của phóng viên Báo Đầu tư cho thấy, có rất ít dự án tuân thủ quy định về đầu tư quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của Chính phủ.
Tại Khu đô thị mới Cổ Nhuế (phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm) do Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư, hầu hết hạng mục chung cư cao tầng và nhà ở thấp tầng thương mại đã hoàn thành việc xây dựng và bán đến tay khách hàng, nhưng không tìm thấy bất cứ khu nhà, hoặc khu đất nào được quy hoạch để xây dựng nhà ở xã hội.
Tại Khu đô thị mới Trung Văn do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hà Nội (Hancic) làm chủ đầu tư có tổng diện tích 13 ha, trong đó đất ở là 121.178 m2, theo quy định, chủ đầu tư phải dành tối thiểu 0,2 ha để xây dựng nhà ở xã hội. Dự án được quy hoạch 5 khối nhà cao tầng và các khối nhà thương mại thấp tầng, nhưng không có bóng dáng của khối nhà ở xã hội.
Khu đô thị Thành phố Giao Lưu (Cầu Diễn, Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm) do Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Vigeba làm chủ đầu tư, trong khuôn viên dự án rộng hơn 95 ha, hoàn toàn không có một khu nhà ở xã hội được xây dựng, hoặc khu đất quy hoạch xây dựng nhà ở xã hội trong tương lai. Nhiều phần đất trong dự án được giao cho các nhà đầu tư thứ cấp xây dựng nhà ở thương mại đến nay cũng tiến hành dở dang, công trình nằm bất động.
Thực tế tại một số dự án có đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, người mua nhà cũng gặp không ít khó khăn trong sinh hoạt, do dự án nằm ở những vị trí không thuận tiện. Tại các dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành như Kiến Hưng (Hà Đông), Đại Mỗ (Từ Liêm) hay Sài Đồng (Long Biên), số căn hộ bỏ trống khá nhiều. Nguyên nhân chính là do các dự án đều nằm cách xa trung tâm Thành phố, thiếu những hạ tầng tối thiểu cho cuộc sống.
Điển hình là khu nhà ở xã hội tại phường Kiến Hưng (quận Hà Đông) do Công ty Vinaconex Xuân Mai làm chủ đầu tư. Dự án đã hoàn thành 3 tòa cao 19 tầng là 19T3, 19T5 và 19T6 với tổng số 864 căn hộ. Khu nhà nằm biệt lập với khu dân cư, không trường học, không đèn đường, không điểm vui chơi, sinh hoạt văn hóa; quỹ đất làm sân chơi cho trẻ cỏ mọc um tùm. Dự án nhà ở xã hội tại Sài Đồng (quận Long Biên) cũng trong tình trạng tương tự.
Mải mê với các dự án kinh doanh nhà ở thương mại, nhiều chủ đầu tư đã quên mất nhiệm vụ xây dựng nhà ở xã hội theo Nghị định 188/2013/NĐ- CP của Chính phủ và Quyết định 26/2010/QĐ-UB của UBND TP. Hà Nội. Trong khi người có thu nhập thấp mỏi mòn chờ đợi các dự án nhà ở xã hội, thì nhiều chủ đầu tư hoặc né tránh, hoặc xây dựng một cách đối phó các khu nhà ở xã hội ở những phần đất “chiêm khê, mùa thối”.