Cái kết có hậu
Tranh chấp giữa chủ đầu tư và khách hàng tại Dự án Khu nhà ở Phước Kiển I (huyện Nhà Bè TP.HCM) kéo dài tư hơn 10 năm nay. Dự án được mở bán từ năm 2002, nhưng chủ đầu tư là Công ty Thái Sơn không thể thực hiện dự án để bàn giao cho khách hàng. Hai bên đã tổ chức hàng loạt cuộc gặp gỡ để tìm tiếng nói chung nhưng không được, thậm chí còn to tiếng với nhau, khiến khách hàng phải đưa đơn kiện đến nhiều nơi.
Tưởng chừng tranh chấp này sẽ còn kéo dài và khách hàng lại mòn mỏi chờ được nhận nhà, nhận đất trong vô vọng, thì mọi việc lại tiến triển theo hướng tích cực một cách bất ngờ trong năm 2017.
Sau những cố gắng hết sức của chủ đầu tư, sự đồng lòng hỗ trợ của khách hàng, cùng sự hỗ trợ của chính quyền địa phương (cho phép chủ đầu tư thay đổi quy hoạch), cuối cùng dự án đã hoàn thành để bàn giao nhà cho khách hàng.
Từ đây, cuộc gặp mặt giữa chủ đầu tư và khách hàng đã nhẹ nhàng hơn, tay bắt mặt mừng. Tết này, hơn 400 khách hàng của dự án đã nhận sổ đỏ, bắt đầu được xây nhà sau 15 năm mua đất.
Việc “cơm không lành, canh không ngọt” giữa khách hàng và chủ đầu tư luôn có hướng giải quyết, chỉ cần hai bên chịu khó ngồi lại với nhau, mỗi bên chịu thiệt một chút nhưng rồi sẽ tìm được hướng chung, thay vì cứ gay gắt với nhau để rồi cả hai bên đều chịu thiệt
Một câu chuyện “cơm lành, canh ngọt” trong năm 2017 nữa diễn ra Chung cư Him Lam Chợ Lớn, quận 6, TP.HCM. Sau khi nhận nhà, nhiều người dân cho rằng, chủ đầu tư đã không đúng trong việc thay đổi lại khu nhà sinh hoạt cộng đồng với thiết kế ban đầu.
Ngoài ra, việc thiết kế lại khu cà phê không phù hợp cũng được cư dân phản ứng. Trước vấn đề trên, chủ đầu tư đã tổ chức họp cư dân, xin ý kiến và giải thích vì sao lại thay đổi vị trí nhà sinh hoạt cộng đồng ra khu vực khác…
Lúc đầu, nhiều khách hàng kịch liệt phản đối, nhưng rồi sau khi nghe giải thích của chủ đầu tư, về sự bất hợp lý của thiết kế cũ, cần thay đổi để tiện cho sinh hoạt của cư dân, đẹp cho dự án, khách hàng dần hiểu và chấp thuận cho chủ đầu tư thay đổi vị trí nhà sinh hoạt cộng đồng.
Còn tại một dự án ở quận Bình Thạnh, khi giao nhà cho khách hàng, khi bàn giao nhà, nhiều căn hộ có sai sót về thi công, như gạch lát nền nhà bị vênh, nội thất có những căn không đạt chuẩn, hệ thống đèn hành lang không đủ độ sáng… Sau khi được khách hàng phản ánh, chủ đầu tư ghi nhận và ngay lập tức cho nhân viên tới sửa theo đúng ý khách hàng.
Đồng thời, đi từng căn hộ lấy ý kiến về chất lượng căn hộ, hỏi xem khách hàng có cần sửa chữa gì hay không? Tất cả những cố gắng của chủ đầu tư này đã được khách hàng ghi nhận và rút đơn phản ánh chất lượng công trình không tốt tới cơ quan chức năng.
Chữ tín quyết định chuyện ngọt bùi
Theo số liệu của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) toàn TP.HCM hiện có 935 chung cư cao tầng, thì có 105 chung cư đang có tranh chấp ở các mức độ khác nhau, trong đó có 9 chung cư có tranh chấp rất gay gắt, phức tạp.
Ông Ngô Quang Phúc, Phó chủ tịch HoREA cho biết, đây là câu chuyện đáng buồn của thị trường bất động sản hiện nay. Việc “cơm không lành, canh không ngọt” giữa khách hàng và chủ đầu tư luôn có hướng giải quyết, chỉ cần hai bên chịu khó ngồi lại với nhau, mỗi bên chịu thiệt một chút nhưng rồi sẽ tìm được hướng chung, thay vì cứ gay gắt với nhau để rồi cả hai bên đều chịu thiệt.
Dẫu biết vậy, nhưng trên thực tế không phải ai cũng làm được điều này và lỗi chính yếu luôn bắt đầu từ phía các chủ đầu tư. Vậy nên, muốn không có chuyện tranh chấp, thì chủ đầu tư cần phải có trách nhiệm với chính sản phẩm của mình.
Him Lam Land tổ chức cho khách hàng đi tham quan và kiểm tra chất lượng xây dựng từng căn hộ hàng tuần
Vấn đề này thời gian qua đã được nhiều chủ tư bất động sản nhìn thấy và thực hiện như Công ty Him Lam Land. Thời gian qua, công ty này xây dựng chính sách cho khách hàng giám sát chất lượng công trình khi đang xây dựng. Theo đó, thứ Bảy, Chủ Nhật hàng tuần, Him Lam Land tổ chức cho khách hàng đăng ký tới tham quan và kiểm tra chất lượng xây dựng từng căn hộ mà họ mua.
Nhiều chủ đầu tư khác như Novaland, Hưng Thịnh Corp… cũng đang thực hiện chính sách này cho khách hàng của mình để đảm bảo, khách hàng sẽ hài lòng với sản phẩm mà họ mua, cũng như khi bàn giao nhà, chẳng may căn nhà nào đó có lỗi về xây dựng, thì chỉ là lỗi kỹ thuật, còn chất lượng công trình luôn được đảm bảo.
“Đây được coi cách làm tốt nhất của chủ đầu tư để xây dựng chữ tín của sản phẩm, của thương hiệu doanh nghiệp trên thị trường. Có như vậy, cảnh cơm không lành, canh không ngọt giữa hai bên sẽ không còn nữa”, ông Phúc nói.
TS. Nguyễn Thành Luân, giảng viên Khoa Maketing Trường đại học Tài chính Maketing TP.HCM cho rằng, câu chuyện chữ tín trong kinh doanh rất quan trọng. Doanh nghiệp mà mất chữ tín với khách hàng thì chẳng khác nào tự tay đóng cửa doanh nghiệp, điển hình như trường hợp của hãng lụa Khải Silk.
“Đây là bài học cho doanh nghiệp về chữ tín. Trong kinh doanh bất động sản, sự tử tế là rất cần thiết, bởi chủ đầu tư không phải cả đời chỉ bán một sản phẩm, để có thể phủi tay với khách hàng theo kiểu "ăn xổi". Nếu làm như vậy, những dự án sau của doanh nghiệp này sẽ khó bán hàng, bởi chẳng mấy ai còn tin tưởng doanh nghiệp đó”, ông Luân nói.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com