Chủ đầu tư tuyến metro số 1 nói gì việc bị nhà thầu Hitachi đòi gần 4.000 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết, việc gửi các khiếu nại đến chủ đầu tư là quyền của nhà thầu trong quá trình thực hiện Dự án theo Hợp đồng quốc tế FIDIC đã ký kết.
Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang chạy thử nghiệm và dự kiến khai thác thương mại vào cuối năm nay - Ảnh: Lê Toàn

Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang chạy thử nghiệm và dự kiến khai thác thương mại vào cuối năm nay - Ảnh: Lê Toàn

Tại buổi họp báo thường kỳ diễn ra chiều tối 6/6, liên quan đến việc nhà thầu đòi chi phí gần 4.000 tỷ đồng tại tuyến metro số 1, trong công văn trả lời câu hỏi của phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cho biết, tại Dự án xây dựng tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) việc khiếu nại xảy ra ở tất cả các gói thầu trong suốt quá trình thực hiện từ trước đến nay.

Phía MAUR khẳng định, các Hợp đồng áp dụng triển khai thi công Dự án metro số 1 là Hợp đồng mẫu FIDIC của Hiệp hội tư vấn kỹ sư quốc tế.

Theo quy định của hợp đồng, nhà thầu tự cho mình có quyền đòi hỏi các chi phí trong trường hợp, nhà thầu nhận thấy quá trình thi công có những điểm khác biệt so với thông tin khảo sát ban đầu hoặc nhà thầu cho rằng kế hoạch thực hiện hợp đồng của họ bị thay đổi so với kế hoạch ban đầu gây bất lợi cho họ thì nhà thầu sẽ gửi khiếu nại đến chủ đầu tư yêu cầu chi phí.

Việc khiếu nại trong các dự án, áp dụng mẫu của Hợp đồng FIDIC là rất phổ biến trên thế giới và việc xử lý các khiếu nại luôn được quy định rõ trong các hợp đồng.

Theo trình tự được quy định trong hợp đồng, Tư vấn chung (với vai trò đại diện Chủ đầu tư và kỹ sư) sẽ đánh giá các khiếu nại của nhà thầu về tính hợp lý và chi phí. Hiện nay, đa phần các khiếu nại của nhà thầu đã được Tư vấn chung bác bỏ do không có đủ căn cứ pháp lý.

Tuy nhiên, trong trường hợp không hài lòng theo hợp đồng, nhà thầu có quyền đề nghị thành lập Ban xử lý tranh chấp hoặc đề nghị trọng tài thương mại xem xét theo đúng các điều khoản đã ký trong hợp đồng cho các nội dung khiếu nại.

Trong suốt quá trình thực hiện Dự án từ trước đến nay, đối với các khiếu nại và phát sinh hợp lý, sau khi Tư vấn chung đánh giá, chủ đầu tư đã tiến hành giải quyết thanh toán cho các nhà thầu.

Đối với những khiếu nại mà nội dung chưa thống nhất được, các bên vẫn đang giải quyết theo quy định hợp đồng thông qua Trung tâm trọng tài để xem xét.

Gần đây, MAUR và nhà thầu đang bàn bạc thêm một giải pháp giải quyết thông qua Ban xử lý tranh chấp (DAB)

Liên quan đến quá trình xử lý của tuyến metro số 1 tại Trung tâm trọng tài, MAUR cho biết, đây là các nội dung đang triển khai và thông tin ở dạng “mật” nên MAUR không thể cung cấp thông tin chi tiết. Tuy nhiên, toàn bộ quá trình thực hiện và tiến độ đều được MAUR báo cáo đầy đủ đến cấp có thẩm quyền để theo dõi, chỉ đạo.

MAUR cho rằng, việc gửi các khiếu nại đến chủ đầu tư là quyền của nhà thầu trong quá trình thực hiện Dự án theo Hợp đồng quốc tế FIDIC đã ký kết. Việc giải quyết các khiếu nại luôn diễn ra song song với quá trình triển khai thực hiện Dự án, do đó công tác thi công Dự án vẫn được thực hiện theo tiến độ thống nhất với phía các nhà thầu và Tư vấn của Nhật Bản.

Trong Công hàm ngày 2/5/2024 của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam gửi Chủ tịch UBND TP.HCM có nêu quan điểm của Chính phủ Nhật Bản, JICA và các nhà thầu là sẽ hoàn thành công tác thi công Dự án trong năm 2024.

Trước đó, Nhà thầu Hitachi đòi các chi phí phát sinh cho việc gia hạn thời gian hoàn thành tuyến metro số 1 gần 4.000 tỷ đồng. Nhà thầu cho rằng khoản kinh phí tạm tính từ thời điểm ký Hợp đồng năm 2013 không đủ để thực hiện công việc hiện tại của Dự án.

Tin bài liên quan