Khu nhà ở NO1 (Mỹ Đình, Hà Nội) vừa được dùng nước sạch do Nhà máy Nước Sông Đà cung cấp

Khu nhà ở NO1 (Mỹ Đình, Hà Nội) vừa được dùng nước sạch do Nhà máy Nước Sông Đà cung cấp

Chủ đầu tư No1 Mỹ Đình đã “sửa sai” vụ nước nhiễm bẩn

Gần 150 hộ dân Khu nhà ở N01 (Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) đã có nước sạch sinh hoạt sau hơn 4 năm phải sử dụng nước nhiễm bẩn. Đây là động thái “sửa sai” của chủ đầu tư Khu nhà.

Sau khi Báo Đầu tư số 113 ra ngày 19/9/2012 đăng tải bài viết: “Vụ nước nhiễm bẩn tại Khu N01 (Mỹ Đình, Hà Nội): Chủ đầu tư ‘né’ trách nhiệm”, ngày 21/9, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Hà Nội (sau đây gọi tắt là Công ty) đã đến Tòa soạn Báo Đầu tư cung cấp thêm thông tin về vụ việc này.

 

Công ty chủ động “chữa cháy”

 

Đại diện Công ty cảm ơn Báo Đầu tư đã quan tâm, kịp thời đưa tin phản ánh về vụ việc.

 

Bà Phạm Thị Lan Hương, Trưởng ban Trợ lý -  Thư ký Công ty cho biết: “Vào lúc 13 giờ ngày 20/9, nguồn nước sạch Sông Đà đã về tới Khu chung cư thôn Phú Mỹ (Mỹ Đình) để người dân sử dụng. Điều này thể hiện sự cầu thị, thiện chí hợp tác của Công ty với khách hàng. Chúng tôi cũng cam kết sẽ không sử dụng lại trạm nước giếng khoan và trong thời gian tới, sẽ đảm bảo cung cấp các dịch vụ có chất lượng đến với người dân ngày một tốt hơn”.

 

Theo bà Hương, sở dĩ có việc Khu N01 phải dùng nước giếng khoan là do Dự án được khởi công xây dựng từ năm 2003, khi đó tại khu vực thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình chưa có hệ thống nước sạch của Nhà máy Nước Sông Đà (đến năm 2010 mới có).

 

Công văn số 384/CT-CV ngày 21/9/2012 gửi Báo Đầu tư do ông Mai Hoàng Anh, Phó giám đốc Công ty ký đã nêu rõ, việc đấu nối hệ thống nước sạch do Nhà máy Nước Sông Đà cung cấp là thể theo nguyện vọng của người dân nơi đây. Mặc dù, hệ thống cung cấp nước cho các hộ dân tại khu nhà ở tại xã Mỹ Đình là một hạng mục riêng nằm trong dự án cung cấp nước sạch được xây dựng theo đúng thiết kế đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt, nhưng Công ty vẫn chủ động ký hợp đồng với Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch (Viwaco) và tạm ứng tiền để đơn vị này triển khai ngay việc thi công đấu nối đường nước từ đường Phạm Hùng tới khu dân cư.

 

Theo dự toán, kinh phí cho việc đấu nối nguồn nước vào khoảng 800 triệu đồng và Công ty tạm thời phải chịu 100%. Cho đến thời điểm hiện tại, cả phía Công ty lẫn các hộ dân vẫn chưa thống nhất được mức kinh phí mà mỗi bên phải chi trả khi sử dụng nguồn nước sạch từ Nhà máy Nước Sông Đà lâu dài.

 

Ông Hoàng Anh cũng cho biết thêm, dù đường nước sạch đã được đấu nối, nhưng Công ty cũng sẽ mời các đơn vị có chuyên môn, như Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vào cuộc kiểm tra xem nếu nước nhiễm bị Asen thì có nguyên nhân do đâu, đồng thời kiểm tra quy trình xử lý nước của nhà thầu.

 

Lý giải về việc kết quả xét nghiệm mẫu nước của người dân có hàm lượng nước chứa Asen cao từ 37 đến 43 lần, trong khi kết quả xét nghiệm mẫu nước của Công ty lại cho thấy, nguồn nước cung cấp cho các hộ dân đảm bảo theo đúng theo tiêu chuẩn cho phép, bà Hương cho rằng: “Theo bản đồ nước nhiễm Asen ở Hà Nội, thì nước ở khu vực này cũng không có hàm lượng Asen cao đến như vậy. Theo kết quả xét nghiệm mẫu nước sinh hoạt tại Dự án Nhà ở Mỹ Đình được kiểm nghiệm vào tháng 8/2011, thì hàm lượng Asen thấp hơn 0,01mg/l, tức là nằm trong mức quy chuẩn của Bộ Y tế. Sự  chênh lệch nhau về kết quả xét nghiệm còn có thể là do từng thời điểm, mực nước ngầm, dòng địa chất, mạch nước có sự thay đổi, nên hàm lượng các chất trong nước cũng khác nhau”.

 

Trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư về việc mẫu hóa chất do Công ty thuê người mang đến đổ vào trạm nước của cụm dân cư là gồm những chất gì? Có ảnh hưởng tới sức khỏe người dân hay không? Đại diện Công ty cho biết, kết quả xét nghiệm cho thấy, đó là thuốc tím (KmnO4), Javen (NaClO) là những chất được phép dùng để xử lý nước giếng khoan. Còn những người mang hóa chất đến để xử lý nước là nhân viên của Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Hoàng Hải Anh (là nhà thầu ký kết hợp tác xử lý nguồn nước với Công ty từ giữa tháng 8/2012).

 

… Nhưng vẫn còn nhiều mối lo

 

Về tình trạng người dân rất đang hoang mang lo ngại mắc bệnh hiểm nghèo do ăn uống phải nước nhiễm asen, đại diện Công ty cho rằng, có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến mắc bệnh, có thể từ rau quả, thực phẩm chưa sạch hàng ngày… Hơn nữa, trước năm 2010, đa phần các khu dân cư ở Mỹ Đình đều sử dụng nguồn nước giếng khoan, giếng khơi. Người dân trong khu vực này cũng chưa có ai phản ánh về tình trạng sức khỏe vì nước nhiễm Asen. Vì vậy, nếu như quy trách nhiệm cho phía Công ty thì cũng cần phải xem xét đến nhiều yếu tố. Vì thế, phía Công ty rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn, cơ quan chức năng trong việc kiểm tra để đưa ra kết luận cuối cùng về sự việc trên.

 

Chiều ngày 21/9/2012, gặp gỡ với phóng viên Báo Đầu tư tại Khu nhà ở N01, anh Tô Minh Kiên, Trưởng ban đại diện lâm thời Khu nhà ở N01 phấn khởi cho biết, từ tối ngày 20/9 nước sạch đã được đấu nối cung cấp cho người dân.

 

“Chúng tôi ghi nhận thiện chí và hợp tác của Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Hà Nội sau những sự việc xảy ra. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong muốn Công ty sớm có buổi làm việc với người dân để thống nhất về dự toán kinh phí đấu nối đường nước sạch. Quan điểm của người dân là Công ty phải chịu trách nhiệm việc cung cấp nước sạch, nhưng người dân vẫn sẵn sàng hỗ trợ chủ đầu tư một phần kinh phí ở mức cho phép”, anh Kiên cho biết.

 

Vụ việc nước sinh hoạt nhiễm bẩn tại Khu nhà ở N01 đang đi vào hồi kết, đây cũng là một bài học kinh nghiệm cho các chủ đầu tư trong việc thực hiện cung cấp dịch vụ tại các khu chung cư ở Hà Nội nói riêng avf cả nưứoc nói chung. Nếu như sự việc được sớm được giải quyết từ năm 2010, khi có nguồn nước sạnh cung cấp tới khu vực này, thì sự căng thẳng, tranh chấp có lẽ đã không xảy ra và uy tín, thương hiệu của chủ đầu tư cũng không vì thế mà bị ảnh hưởng xấu.