Các khu công nghiệp đã sẵn sàng đón khách. Ảnh: Thành Nguyễn

Các khu công nghiệp đã sẵn sàng đón khách. Ảnh: Thành Nguyễn

Chủ đầu tư khu công nghiệp chủ động tiếp cận khách thuê

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều chủ đầu tư khu công nghiệp đang cho thấy sự sẵn sàng khi chủ động tiếp cận khách thuê, thực hiện các giải pháp xúc tiến đầu tư để đón làn sóng phục hồi kinh tế.

Sẵn sàng kết nối

“Chúng tôi và các đối tác đã ký hơn 70 biên bản ghi nhớ, thỏa thuận khung hợp tác, với khoảng 700 ha đất cho thuê trên tổng số 1.200 ha của Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong (Quảng Ninh). Tín hiệu quan tâm trở lại của khách thuê đã rất rõ rệt”, ông Hoàng Đình Tuấn, Tổng giám đốc Hateco Group mở đầu câu chuyện với phóng viên trong sự hào hứng.

Ông Tuấn cho biết, hiện bộ phận sale và các phòng, ban liên quan của Hateco Group đang tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư để tìm kiếm thêm khách thuê, đồng thời đẩy nhanh hơn các hoạt động hỗ trợ nhà đầu tư, hoàn thiện thủ tục, giấy tờ liên quan.

Về việc kết nối nhà đầu tư nước ngoài, theo ông Tuấn, các chuyến “thị sát” sẽ thực sự bùng nổ từ tháng 3/2022, khi giao thương, du lịch được mở lại hoàn toàn (từ ngày 15/3), vì trên thực tế, việc qua lại tìm hiểu thị trường bằng visa du lịch sẽ thuận tiện hơn cho các nhà đầu tư so với thời điểm hiện tại.

Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong do DEEP C và Tập đoàn Hateco hợp tác phát triển, đầu tư, kết nối trực tiếp với cảng biển phía Nam của Quảng Ninh. Đây là khu công nghiệp được phát triển theo phương thức đa chức năng “tất cả trong một (all in one)”, tích hợp khu hóa chất hóa dầu và hệ thống cảng biển nội khu, bao gồm cả bến cảng thông thường và cầu cảng hàng lỏng, có lợi thế logistics.

Tháng 1/2022, Công ty cổ phần Phát triển công nghiệp BW đã chính thức ký thỏa thuận thuê một phần diện tích tại Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong, khi chính thức được tỉnh Quảng Ninh chấp thuận, qua đó trở thành nhà đầu tư thứ cấp nước ngoài đầu tiên khởi công dự án thứ cấp trong khu công nghiệp Bắc Tiền Phong. Được biết, BW sẽ đầu tư khu nhà xưởng xây sẵn để cho thuê lại, hướng tới phát triển sản phẩm dành cho công nghiệp nhẹ và nhà kho hiện đại để đón đầu làn sóng chuyển dịch cơ sở sản xuất trên thế giới về Việt Nam. BW cũng đang chủ động tìm kiếm đối tác cho thuê ngay sau khi khu nhà xưởng hoàn thành.

Nhiều chủ đầu tư khu công nghiệp đang cho thấy sự sẵn sàng khi chủ động tiếp cận khách thuê, thực hiện các giải pháp xúc tiến đầu tư để đón làn sóng phục hồi kinh tế. Kế hoạch phát triển các khu công nghiệp cũng được nhiều địa phương ráo riết triển khai với tâm thế tự tin hơn khi mạch giao thương đang được nối lại.

Trao đổi với phóng viên, đại diện nhiều chủ đầu tư khu công nghiệp lớn cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài đã thực sự quay trở lại, xúc tiến tìm kiếm điểm thuê, trong đó có không ít nhà đầu tư trở lại Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư, hoàn thiện nốt các hạng mục còn dang dở ngay khi các đường bay quốc tế được mở lại.

Theo ông Phạm Văn Nam, chuyên gia nghiên cứu bất động sản công nghiệp đến từ Cổng thông tin Khu công nghiệp Việt Nam, trong bối cảnh khó khăn chung, mức độ quan tâm của nhà đầu tư có phần trầm lắng hơn giai đoạn trước đó, cho dù từ cuối năm 2021 và đầu năm 2022, hoạt động xúc tiến đầu tư tại các khu công nghiệp đã được tăng cường trở lại bằng cả hình thức trực tiếp và online.

Tuy nhiên, khi vắc-xin được phủ rộng và hoạt động giao thương giữa các quốc gia bắt đầu bình thường trở lại thì hoạt động tìm kiếm địa điểm đầu tư đã tăng lên. Thực tế cũng cho thấy, nhiều tín hiệu tích cực từ cộng đồng các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đã được phát đi và năm 2022 sẽ là năm có sự thay đổi mạnh mẽ của dòng vốn FDI.

Về phía các chủ đầu tư, ông Nam cho rằng, với số lượng lớn khu công nghiệp được quy hoạch và triển khai xây dựng trong năm 2021 - đầu năm 2022, rõ ràng các chủ đầu tư khu công nghiệp đã có kế hoạch và sự chuẩn bị để tiếp đón các làn sóng dịch chuyển mới. Tuy nhiên, ngoài số ít có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, còn nhiều chủ đầu tư chưa thực sự sẵn sàng.

Đồng quan điểm, ông Vũ Công Trụ, chuyên gia về bất động sản khu công nghiệp và xúc tiến đầu tư đánh giá, không ít chủ đầu tư dựa vào lợi thế quỹ đất sẵn có tiếp tục “cắt đất cho thuê”, chứ chưa đầu tư bài bản vào sản phẩm, việc tìm kiếm khách thuê vẫn chủ yếu thông qua bên thứ ba, mà ít có sự chủ động thực hiện qua các tour xúc tiến, các sự kiện hay kết hợp với chương trình xúc tiến cấp độ địa phương, quốc gia.

Bùng nổ nguồn cung mới

Đặt nhiều kỳ vọng vào làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng mạnh mẽ sau dịch, các địa phương cũng như chủ đầu tư liên tục công bố dự án mới. Đơn cử, Bắc Giang đang quy hoạch 29 khu công nghiệp rộng 7.000 ha; Thanh Hóa quy hoạch 2 khu công nghiệp số 11 và số 17 thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn, quy mô tương ứng là 576 ha và 782 ha…

Về phía chủ đầu tư, Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) đầu tư thêm dự án quy mô hơn 200 ha tại Hưng Yên. Ngoài ra, 3 khu công nghiệp mới do KBC đề xuất đầu tư tại Hải Dương với tổng quy mô 1.291 ha đã được Chính phủ thêm vào quy hoạch tổng thể các khu công nghiệp của Việt Nam. Khu công nghiệp Tràng Duệ 3 (678 ha) cũng đã được Chính phủ cho phép điều chỉnh địa giới vào Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải với ưu đãi đầu tư cao nhất, thuận lợi cho thu hút đầu tư công nghệ cao và đáp ứng được nhu cầu đầu tư mở rộng của Tập đoàn LG và các vệ tinh.

Công ty Đầu tư và Phát triển khu công nghiệp Phát Đạt tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư khu công nghiệp tại Cao Lãnh, Đồng Tháp với tổng diện tích 2.000 ha, được chia làm 3 dự án là Cao Lãnh I, Cao Lãnh II và Cao Lãnh III. Tổng mức đầu tư là 14.726 tỷ đồng, được chia thành 2 giai đoạn, gồm 2021-2025 và 2026-2030, quy mô phát triển mỗi giai đoạn là 1.000 ha.

Tương tự, Công ty cổ phần Vinhomes chuẩn bị đầu tư dự án Khu công nghiệp có quy mô 1.007 ha tại Hà Tĩnh với số vốn đầu tư lên đến hơn 9.300 tỷ đồng.

Mới nhất, Công ty cổ phần Xây dựng 1369 đã được công nhận là chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Lương Điền 2 (Hải Dương), quy mô 51,9 ha. Trước đó, Công ty cũng trở thành chủ đầu tư của dự án xây dựng Cụm công nghiệp Nghĩa An 3 (Hải Dương), quy mô 56 ha…

Nói đến việc đầu tư mạnh mẽ trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp, không thể không nhắc đến Tập đoàn Hòa Phát. Hiện tại, doanh nghiệp này đang đầu tư khai thác hạ tầng kỹ thuật 3 khu công nghiệp, bao gồm Phố Nối A (600 ha) và Yên Mỹ II (giai đoạn 1: 97,5 ha) - Hưng Yên; Khu công nghiệp Hòa Mạc - Hà Nam (131 ha) và quỹ đất hiện hữu dự kiến có thể phát triển khu công nghiệp vào khoảng 2.000 ha, trong đó có 700 ha đất thương phẩm.

Mới đây, Hoà Phát và KDI Holdings đã đề xuất lên UBND tỉnh Khánh Hòa về việc quy hoạch phân khu 2 bên bờ Sông Cái và phát triển dự án tại TP. Nha Trang, trong đó nổi bật là dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Ninh Xuân tại thị xã Ninh Hoà, quy mô 1.300 ha.

Tin bài liên quan