Hình ảnh thực tế tại công trình sử dụng sơn Dulux tại Khách sạn Paris .

Hình ảnh thực tế tại công trình sử dụng sơn Dulux tại Khách sạn Paris .

Chủ đầu tư khách sạn Paris không loại trừ khả năng khởi kiện hãng sơn Dulux

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đến thời điểm hiện tại, vụ tranh cãi giữa hãng sơn Dulux và Công ty TNHH Đ - Thanh Bình liên quan đến chất lượng sơn vẫn chưa tìm được hướng giải quyết thỏa đáng và phía khách hàng không loại trừ khả năng khởi kiện hãng sơn.

Như Tinnhanhchungkhoan.vn đã thông tin, theo phản ánh từ Công ty TNHH Đ – Thanh Bình (Công ty Thanh Bình), chủ đầu tư dự án Khách sạn Paris tại phường Bãi Cháy, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, sau khi sử dụng các sản phẩm của Hãng sơn Dulux cho các hạng mục sơn của khách sạn, chỉ sau 1,5 tháng đã xả ra tình trạng bong tróc, hư hỏng.

Cụ thể, hiện tượng phồng rộp, bong tróc diễn ra phổ biến tại công trình. Ngoài ra, trong các mẫu sơn đã được sử dụng tại công trình có 1 mẫu sơn không phải sơn Dulux (điều này sau đó cũng được hãng sơn xác nhận).

Sau khi phản hồi đến chủ sở hữu thương hiệu sơn Dulux là Công ty TNHH sơn AkzoNobel Việt Nam (Công ty sơn AkzoNobel) và sau nhiều lần thông tin qua lại, hai phía vẫn không thống nhất được hướng giải quyết.

Trong phản hồi tới Tinnhanhchungkhoan.vn, bà Ngô Thị Yến Vân, Giám đốc Thương hiệu Công ty sơn AkzoNobel cho biết, lý do là bởi phía chủ đầu tư dự án (Công ty Thanh Bình) đã không cung cấp được bất kỳ bằng chứng nào để chứng minh cho các nhận định của mình.

Ngoài ra, theo bà Vân, phía chủ đầu tư cũng không ghi nhận về việc vẫn tồn tại nhiều yếu tố từ bên ngoài có thể gây ra các thiệt hại đối với hệ thống sơn của công trình. Công ty sơn AkzoNobel sẽ tiếp tục phủ nhận bất kỳ cáo buộc nào khác của khách hàng.

Trong khi đó, theo phản hồi từ bà Hoàng Hồng Nhung, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Hoàng Gia (đơn vị được Công ty Thanh Bình ủy quyền xử lý vụ việc), cung cấp bằng chứng chứng minh việc cáo buộc sản phẩm của AkzoNobel không đáp ứng tiêu chuẩn không phải là nghĩa vụ của Công ty Thanh Bình.

Điều này được đại diện phía được ủy quyền viện dẫn theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 42, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: 1. Người tiêu dùng có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, trừ việc chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; 2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại.

Theo bà Nhung, Công ty Thanh Bình không có nghĩa vụ chứng minh cáo buộc của mình đối với sản phẩm sơn của AkzoNobel, mà nghĩa vụ chứng minh thuộc về phía 2 đại lý sơn, cũng như thuộc về Công ty sơn AkzoNobel. Nếu Công ty sơn AkzoNobel cho rằng không phải do lỗi của sơn Dulux, thì phải có nghĩa vụ chứng minh sự cố xảy ra tại công trình khách sạn Paris không phải do lỗi của các sản phẩm sơn Dulux. Việc yêu cầu chủ đầu tư đưa ra chứng cứ và chứng minh là không có căn cứ.

Ngoài ra, theo bà Nhung, việc Công ty Thanh Bình không đồng ý với hướng giải quyết là cho sơn lại các khu vực bị ảnh hưởng của Công ty sơn AkzoNobel là không đúng thực tế.

Theo bà Nhung, không phải Công ty Thanh Bình không đồng ý với hướng giải quyết, mà là do phía Công ty sơn AkzoNobel đề xuất việc sẽ hỗ trợ chủ đầu tư khắc phục sự cố tại công trình (gồm: cạo bỏ phần bị sự cố; thi công khắc phục và vệ sinh) là quá thấp, không đủ chi trả chi phí khắc phục sự cố (chi phí nhân công, mua sơn mới…), đồng thời không thể khắc phục được thiệt hại thực tế của chủ đầu tư do sự cố (doanh thu do tạm ngừng kinh doanh; hư hỏng đồ đạc do tháo dỡ; lương nhân viên…).

Bà Nhung cho biết, do sự cố về sơn, phía chủ đầu tư đã phải khắc phục bằng việc sơn lại (bằng loại sơn khác) và bị chậm 1 tháng so với kế hoạch khai trương. Phía Công ty Thanh Bình cũng đã làm việc với các đơn vị lữ hành để bán phòng, tuy nhiên, vì vụ việc lỗi sơn khiến công ty phải lùi ngày khai trương và hủy lịch đặt phòng với các công ty lữ hành, gây ra nhiều tổn thất về kinh tế và uy tín của khách sạn.

Bà Nhung cho biết thêm, thời gian tới, nếu hai bên không tìm được hướng giải quyết thỏa đáng cho vụ việc, Công ty Thanh Bình không loại trừ khả năng đưa vụ việc ra tòa án để chờ quyết định chính thức từ phía cơ quan chức năng.

“Sau sự việc lần này, tiêu chí lựa chọn sơn của khách sạn là sẽ là loại trừ sơn Dulux và ưu tiên chọn những hãng sơn có thương hiệu, nhưng không phụ thuộc vào độ nổi tiếng của thương hiệu sơn đó. Phía chủ đầu tư cũng sẽ tìm hiểu kỹ hơn về chất lượng sơn, những phản hồi của khách hàng dành cho các sản phẩm sơn định lựa chọn. Ngoài ra, chủ đầu tư sẽ thực hiện kiểm chứng thực tế đối với sản phẩm sơn của hãng sơn dự kiến sử dụng tại các công trình thực tế trên địa bàn thành phố để tránh xảy ra sự cố sơn tương tự", bà Nhung cho biết thêm.

Tin bài liên quan