Dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy có tổng mức đầu tư các giai đoạn lên đến hơn 14.000 tỷ đồng.

Dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy có tổng mức đầu tư các giai đoạn lên đến hơn 14.000 tỷ đồng.

Chủ đầu tư dự án Khu bến Cảng Mỹ Thủy lên tiếng sau cảnh báo từ Quảng Trị

0:00 / 0:00
0:00
Công ty cổ phần Liên doanh Cảng Mỹ Thủy cam kết sẽ triển khai một số hạng mục bắt đầu tư trong tháng 10/2021 và cho biết đã tìm được đối tác cùng tham gia đầu tư dự án.

Đề nghị phân kỳ dự án trong Giai đoạn 1

Liên quan đến việc UBND tỉnh Quảng Trị lên tiếng cảnh báo Công ty cổ phần Liên doanh Cảng Mỹ Thủy khi đã không thực hiện đúng cam kết, trong đó bao gồm tổ chức triển khai thi công dự án chậm nhất trước 31/7/2021 như Báo Đầu tư Online đã đưa tin.

Mới đây, Công ty cổ phần Liên doanh Cảng Mỹ Thủy (MTIP) đã có công văn phản hồi ý với UBND tỉnh Quảng Trị và đề xuất phân kỳ đầu tư dự án trong Giai đoạn 1.

Việc phân kỳ đầu tư được Công ty cổ phần Liên doanh Cảng Mỹ Thủy đưa ra với lý do nhận thấy năng lực sản xuất tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị cũng như các khu vực khác trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây bị chậm lại, không đạt được tốc độ tăng trưởng như dự kiến; khả năng huy động nguồn hàng như tính toán ban đầu không khả thi trong thời gian những năm vừa qua và những năm sắp tới.

Doanh nghiệp này đề xuất, trong giai đoạn 1 (2018 - 2025) sẽ phân kỳ thành 2 giai đoạn 1A và 1B. Trong đó, giai đoạn 1A từ 2021 - 2023, sẽ đầu tư xây dựng bến số 2, bến cảng công vụ và cơ sở hạ tầng đồng bộ đi cùng như san nền, hệ thống giao thông nội bộ, kho bãi, điện nước,nhà điều hình… Riêng bến số 1 là bến cảng than nên trước mắt chưa đầu tư. Tổng dự toán cho giai đoạn 1A là 1.250 tỷ đồng và nằm trong phạm vi sắp xếp tài chính của MTIP.

“Cơ sở đề xuất của giai đoạn 1A này là chúng tôi đã tìm kiếm được đối tác có nguồn hàng từ 3-5 triệu tấn/năm và đây cũng chính là đối tác tham gia đầu tư cảng”, Công ty cổ phần Liên doanh Cảng Mỹ Thủy đưa ra lý giải.

Trong giai đoạn 1B (2023-2025), Công ty cổ phần Liên doanh Cảng Mỹ Thủy sẽ tiến hành đầu tư các bến còn lại của giai đoạn 1 gồm các bến số 3, 4, 5. Theo đơn vị này, khi bến cảng số 2 đi vào hoạt động, sẽ tạo động lực thu hút, thúc đẩy các nhà đầu tư trong Khu kinh tế Đông Nam và trên Hành lang Kinh tế Đông Tây đầu tư phát triển. Như vậy, nguồn hàng sẽ phát triển như tính toán ban đầu. Đến lúc này, sẽ căn cứ nhu cầu vận tải để đầu tư các bến số 3, 4, 5. Trong đó ưu tiên bến số 3 là bến container. Cùng với đó là triển khai xây dựng toàn bộ đê chắn sóng phía Nam (530 m) và một phần của đê chắn sóng phía Bắc khoảng 800 m.

Loay hoay tìm đối tác huy động vốn

Theo Công ty cổ phần Liên doanh Cảng Mỹ Thủy, Khu bến cảng Mỹ Thủy là dự án xây dựng hạ tầng cảng có quy mô rất lớn, thi công tại bãi ngang vùng bờ biển Quảng Trị nên việc triển khai xây dựng các công trình hạ tầng dùng chung như xây dựng kẻ bờ, đê chắn sóng, nạo vét bể cảng và tuyến luồng chiếm chi phí đầu tư rất lớn. Thêm vào đó, do Khu bến cảng Mỹ Thủy là cảng đảo nên có nhiều yếu tố kỹ thuật buộc nhà đầu tư, công ty tư vấn và cơ quan thẩm định thiết kế buộc phải có những cân nhắc, lựa chọn khó khăn trước khi quyết định phương án chọn.

Khu vực thực hiện khởi công dự án Khu bến Cảng Mỹ Thủy đồng không mông quạnh sau hơn 1 năm khởi công.
Khu vực thực hiện khởi công dự án Khu bến Cảng Mỹ Thủy đồng không mông quạnh sau hơn 1 năm khởi công.

Do vậy, để có đủ nguồn vốn thực hiện dự án, nhà đầu tư buộc phải hướng đến các nguồn vay có mức lãi suất ưu đãi từ các tổ chức tài chính quốc tế. Tuy nhiên bước vào năm 2020, nền kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng đã gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid19. Trên thế giới, tại các nước phát triển nắm giữ các nguồn đầu tư hiện nay đã bị đại dịch Covid 19 kéo lùi hoặc đóng băng tất cả các hoạt động kinh tế và giao thương tài chính. Tất cả các yếu tố này đã tác động không nhỏ đến tiến độ hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án.

“Mặc dù đã nỗ lực đàm phán với nhiều nhà đầu tư trong nước, nhưng đến nay vẫn chưa có đối tác nào sẵn sàng cùng tham gia đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng và hạng mục dùng chung như kè bờ, để chắn sóng và nạo vét luồng”, Công ty cổ phần Liên doanh Cảng Mỹ Thủy thông tin.

Theo đơn vị này, trong năm 2022, việc hợp tác đầu tư giai đoạn 1A với Công ty TNHH Phonesack Việt Nam - đơn vị có nguồn hàng và nhu cầu cấp thiết về vận chuyển than bằng đường biển qua cảng tại tỉnh Quảng Trị sẽ là một hướng mở vô cùng quan trọng nhằm giảm áp lực về quy mô đầu tư, tạo bước đệm quan trọng cho MTIP hoàn thiện các thủ tục còn tồn đọng để sớm triển khai thi công các hạng mục của dự án.

Ngoài ra, cũng tại công văn gửi UBND tỉnh Quảng Trị, Công ty cổ phần Liên doanh Cảng Mỹ Thủy cho biết, hiện nay, KIND (Cơ quan hợp tác đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển đô thị Hàn quốc tại Hải ngoại - Thuộc Chính phủ Hàn Quốc) đã xúc tiến các thủ tục pháp lý để sớm tham gia vào dự án với tư cách là đối tác đầu tư. Cùng với đó, đơn vị này cho biết đã kêu gọi thành công 2 tập đoàn Daewoo và Hyundai tham gia vào việc thực hiện dự án.

“Daewoo và Hyundai sẽ sớm gửi công văn cho Công ty cổ phần Liên doanh Cảng Mỹ Thủy xin tham gia dự án với vai trò là nhà đầu tư góp vốn kinh doanh đồng thời là tổng thầu của doanh nghiệp này. Dự kiến ngay sau khi Hà Nội dừng thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Daewoo và Hyundai tại Việt Nam sẽ sắp xếp buổi làm việc chính thức với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị và Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh”, Công ty cổ phần Liên doanh Cảng Mỹ Thủy cho biết.

Về tiến độ thực hiện các hạng mục dự án trong giai đoạn 1, Công ty cổ phần Liên doanh Cảng Mỹ Thủy cam kết: “Chúng tôi sẽ hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục đầu tư dự án vào cuối tháng 11 đầu tháng 12/2021; hoàn thành việc ký quỹ dự án cho giai đoạn là trong tháng 10/2021. Công ty cũng cam kết sẽ triển khai thi công các hạng mục bến cảng công vụ, cơ sở hạ tầng đồng bộ đi cùng như san nền, hệ thống giao thông nội bộ, kho, bãi, điện nước, nhà điều hành từ tháng 10/2021; Triển khai thi công Bến cảng số 2 vào giữa quý III/2022”.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online, ông Phạm Ngọc Minh, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Quảng Trị cho biết, hiện nay, lấy lý do dịch Covid-19, nên Công ty cổ phần Liên doanh Cảng Mỹ Thủy cho rằng, chưa thể ra Quảng Trị để làm việc trực tiếp được với tỉnh. Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh cũng đang yêu cầu họ phải sắp xếp tổ chức cuộc họp trực tuyến để bàn các giải pháp tháo gỡ và yêu cầu có những cam kết cụ thể đẩy nhanh việc triển khai dự án.

“Liên quan đến việc nhà đầu tư thông báo có 2 tập đoàn lớn của Hàn Quốc tham gia vào dự án, đó chỉ là mới thông tin từ phía nhà đầu tư chứ các đơn vị này chưa có văn bản chính thức với phía tỉnh. Việc này nói là vậy chứ không phải đơn giản, vì việc bổ sung nhà đầu tư hay đối tác đầu tư thì phải có báo cáo Thủ tướng Chính phủ, rồi còn phải điều chỉnh hồ sơ liên quan chứ không thể nói là làm ngay được”, ông Phạm Ngọc Minh cho biết.

Tin bài liên quan