Đau đầu vì bị nhái thương hiệu
Ông Ngô Quang Phúc, Phó tổng giám đốc Him Lam Land cho biết, mới đây Him Lam nhận được nhiều câu hỏi và thắc mắc của khách hàng về dự án Khu dân cư Him Lam 2 tọa lạc tại vị trí giao cắt giữa đường Nguyễn Văn Linh và Quốc lộ 50. Thông tin này được cung cấp bởi một số nhân viên môi giới bất động sản thông qua hình thức phát tờ rơi quảng cáo, liên hệ qua điện thoại…
Theo ông Phúc, trước đây, Him Lam đã phát triển thành công một dự án tại quận 7, nhưng sau dự án này, Công ty không phát triển thêm bất kỳ dự án nào khác tại khu Nam, đặc biệt là không phát triển dự án phân lô bán nền. Với sự thành công của dự án Him Lạm quận 7, cũng như uy tín của Him Lam Land, nên doanh nghiệp trên đã nhái tên Him Lam vào dự án này.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, dự án mà Him Lam Land tố nhái thương hiệu của mình là dự án phân lô bán nền của một công ty môi giới bất động sản.
“Sau khi tìm hiểu và tiếp xúc với khách hàng, Him Lam Land chính thức khẳng định, đây là hành vi mạo danh, vi phạm nghiêm trọng bản quyền thương hiệu của Công ty. Tôi khẳng định, hiện nay, Him Lam Land không hề triển khai dự án nào mang tên Khu dân cư Him Lam 2 tại khu vực đường Nguyễn Văn Linh giao cắt với Quốc lộ 50 như trên. Mọi thông tin về dự án do Him Lam Land làm chủ đầu tư đều được đăng tải công khai qua các kênh thông tin chính thức của công ty chúng tôi”, ông Phúc khẳng định.
Đây không phải lần đầu tiên doanh nghiệp địa ốc lớn bị mạo danh, trước đó, Novaland cũng phải phát đi thông báo về việc mình bị mạo danh.
Cụ thể, tháng 3/2016, Novaland đã phát đi thông báo rằng, đơn vị này bị mạo danh tên dự án Sunrise City tại Hà Nội. Theo Novaland, thương hiệu Sunrise City đã được Công ty bảo hộ độc quyền và phát triển một dự án mang tên này tại TP.HCM.
Ngoài các doanh nghiệp trên, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng đã từng bị nhái thương hiệu khi một người tại TP.HCM lập ra công ty mang tên Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Dầu khí Petroconex để bán dự án bất động sản dạng phân lô bán nền tại quận 7…
Xử lý cách nào?
Theo luật sư Bùi Văn Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM, việc nhái thương hiệu của một đơn vị khác là vi phạm Điều 8, Luật Kinh doanh bất động sản về các hành vi bị cấm như gian lận, lừa dối trong kinh doanh bất động sản; vi phạm Điều 10, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về các hành vi bị cấm như lừa dối và gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo, cung cấp thông tin sai lệch, không chính xác về sản phẩm; vi phạm Điều 8, Luật Quảng cáo về các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo như quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn; vi phạm Điều 39, Luật Cạnh tranh về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh như chỉ dẫn gây nhầm lẫn.
Về các doanh nghiệp bị nhái thương hiệu, luật sư Tuấn cho rằng, doanh nghiệp cần thực hiện việc đăng ký nhãn hiệu cho doanh nghiệp, cho sản phẩm dịch vụ và tên dự án của mình; đăng ký thêm tên miền có liên quan nhằm tạo ra cơ sở pháp lý và công cụ bảo vệ hữu hiệu.
Ngoài ra, cần thường xuyên kiểm tra trên thực tế và cung cấp thông tin đến các cơ quan nhà nước để kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi của các tổ chức, cá nhân có vi phạm.
“Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo Điều 38, Nghị định 121/2013/NĐ-CP, bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 70 triệu đồng, xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, đình chỉ hoạt động kinh doanh bất động sản”, luật sư Tuấn nói.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com