Ảnh Internet

Ảnh Internet

Chủ đầu tư "đất vàng" 2-4-6 Hai Bà Trưng được xem xét nộp hơn 2.700 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tòa án đề nghị giao UBND TP.HCM xem xét yêu cầu của Công ty Quảng trường Mê Linh về việc nộp hơn 2.700 tỷ đồng để tiếp tục triển khai dự án tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, TPHCM.

Chiều 24/1, TAND Cấp cao tại Hà Nội chấp nhận giảm án cho 4 bị cáo trong vụ án liên quan đến sai phạm xảy ra tại Sabeco.

Tòa tuyên phạt bị cáo Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương) 10 năm tù và Phan Chí Dũng (cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công thương) 8 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. So với án sơ thẩm, hai bị cáo được giảm 1 năm tù.

Hai bị cáo Lâm Nguyên Khôi (cựu Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM) lĩnh 4 năm tù; Lê Quang Minh (cựu Trưởng phòng Phòng Phát triển hạ tầng, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM) 3 năm tù tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Hai bị cáo được giảm 6 tháng so với bản án sơ thẩm.

Tòa cấp phúc thẩm đề nghị giao khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng cho UBND TP.HCM xem xét xử lý đúng quy định của pháp luật. Giao UBND TP.HCM xem xét yêu cầu của Công ty Quảng trường Mê Linh (tiền thân là Sabeco Pearl) về việc nộp số tiền hơn 2.700 tỷ đồng để tiếp tục triển khai dự án theo hướng không làm ảnh hưởng quyền lợi của Nhà nước, nhưng đảm bảo được quyền lợi của bên liên quan.

Các bị cáo tại tòa.

Các bị cáo tại tòa.

Theo cấp phúc thẩm, tại tòa, lời khai của các bị cáo phù hợp với lời khai của các bị cáo khác, phù hợp với lời khai của những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, phù hợp với các tài liệu khác có trong hồ sơ.

Theo đó, có đủ cơ sở kết luận, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội. Các bị cáo được giao đảm nhận quản lý tài sản của Nhà nước, nắm rõ chủ trương của Nhà nước, song đã không làm tròn trách nhiệm. Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, gây thiệt hại lớn tài sản Nhà nước. Việc xét xử với các bị cáo là có căn cứ, hoàn toàn cần thiết.

Trong vụ án, bị cáo Hoàng giữ vai trò chủ mưu. Toà thấy, bị cáo Hoàng có trình độ quản lý kinh tế, trải qua nhiều vị trí công tác. Bị cáo thường xuyên tham dự các cuộc họp Chính phủ với vai trò Bộ trưởng Công thương.

Bị cáo hoàn toàn biết về việc thành lập dự án, thoái vốn của Sabeco tại Sabeco Pearl. Thực tế, bị cáo Hoàng đã có các chỉ đạo, khiến tài sản nhà nước chuyển dịch sang tư nhân, trái pháp luật.

Bị cáo Dũng là đồng phạm giúp sức cho bị cáo Hoàng và Hồ Thị Kim Thoa (nguyên Thứ trưởng, đang bỏ trốn).

Theo HĐXX cấp phúc thẩm, bị cáo Vũ Huy Hoàng có vai trò chính. Bị cáo Dũng là đồng phạm giúp sức; Bị cáo Khôi và Minh là người tiếp nhận chỉ đạo để thực hiện hành vi tham mưu, đề xuất, ký tờ trình.

HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng, các bị cáo đều ăn năn hối cải, được tặng nhiều huân huy chương, gia đình có công với cách mạng, các bị cáo đều là người cao tuổi, có bệnh... Vì vậy việc giảm nhẹ 1 phần hình phạt cho các bị cáo là hoàn toàn cần thiết để các bị cáo cố gắng hơn trong quá trình cải tạo.

Theo bản án sơ thẩm, Sabeco được giao cho khu đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng (TP.HCM).

Trong quá trình quản lý Sabeco, Vũ Huy Hoàng và Phan Chí Dũng đã chỉ đạo cán bộ cấp dưới thực hiện các thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng khu đất này để thành lập liên doanh Sabeco Pearl cùng với các doanh nghiệp tư nhân đầu tư thực hiện Dự án “Xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê”.

Sau khi góp vốn liên doanh xong, các bị cáo đã tích cực chỉ đạo Sabeco thoái vốn, chuyển quyền quản lý tài sản nhà nước sang tư nhân trái pháp luật, gây thất thoát, thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước với số tiền hơn 2.700 tỷ đồng.

Tin bài liên quan