Phối cảnh hoành tráng của Dự án Alma

Phối cảnh hoành tráng của Dự án Alma

Chủ đầu tư Alma lên tiếng về nghi vấn “đặt bẫy” khách hàng

(ĐTCK) Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, chỉ riêng một khái niệm xa lạ, lắt léo "Quyền nghỉ dưỡng" đã làm sai nội hàm của những khái niệm khác trong hợp đồng để nhằm nâng cấp hợp đồng thuê thành hợp đồng mua - bán, nhưng công ty này khẳng định khách hàng đã hiểu bằng lý luận kiểu bút xa gà chết, sập bẫy.

Sau bài viết "Cẩn trọng những dự án bất động sản nghỉ dưỡng trên giấy" đăng trên Đầu tư Bất động sản số 50 ra Thứ Hai ngày 12/12/2016, ghi nhận ý kiến phản ánh của nhiều khách hàng liên quan đến khuất tất tại Dự án Alma (Khu du lịch Bắc Bán Đảo Cam Ranh, phường Cam Lâm, TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) do Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường triển khai theo hình thức sở hữu kỳ nghỉ, hay mua kỳ nghỉ, đại diện đơn vị này đã chính thức phản hồi xung quanh vấn đề này.

Cụ thể, phản hồi thông tin về việc không cung cấp ra thị trường tiến độ của Dự án Alma, bà Phạm Thị Như Trang, Trưởng phòng Marketing Alma Việt Nam cho biết, trên thực tế, Dự án Alma không phải dự án bán nhà hay bán bất động sản, mà đây là dự án bán quyền sở hữu kỳ nghỉ. Do đó, thông tin về tiến độ của dự án không cần thiết phải cung cấp cho các khách hàng, như xây đến tầng bao nhiêu, mà theo tiến độ cam kết với khách hàng là đến đúng năm 2018 sẽ chính thức khai trương Khu nghỉ dưỡng Alma tại Nha Trang.

Theo bà Trang, điều này được hiểu, đến 2018, khách hàng của Alma sẽ chính thức được sử dụng kỳ nghỉ tại Khu nghỉ dưỡng Alma Nha Trang.

Về việc cung cấp thông tin về tiến độ, không nói rõ về lý do, đại diện chủ đầu tư cho biết, đây là “thông tin mật” và chỉ khách hàng nào thật sự quan tâm, thì Alma sẽ trao đổi thông tin trực tiếp!?

Ngoài ra, khách hàng cũng phản ánh về nội dung bản hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ mà Công ty Vịnh Thiên Đường ký với khách hàng có những điều khoản vô lý, trói buộc khách hàng.

Cụ thể, tại Điều 9 về bồi thường: "Khách nghỉ dưỡng tuyên bố và xác nhận rằng trước khi ký kết hợp đồng này với Công ty, khách nghỉ dưỡng đã đọc và hiểu toàn bộ hợp đồng này và các phụ lục của hợp đồng này, đã xem xét và kiểm tra các cam đoan và cam kết của Công ty là rõ ràng đối với khách nghỉ dưỡng.

Do đó, theo hợp đồng này, khách nghỉ dưỡng đồng ý rằng, khách nghỉ dưỡng sẽ không thực hiện bất kỳ khiếu nại hoặc khiếu kiện nào chống lại Công ty để giải phóng các trách nhiệm và nghĩa vụ của khách nghỉ dưỡng theo hợp đồng này bằng việc đưa ra lý do rằng khách nghỉ dưỡng không nhận thức đầy đủ về bất kỳ hoặc toàn bộ các quy định trong hợp đồng này".

Về vấn đề này, bà Trang cho biết, tất cả các hợp đồng bất động sản hay nghỉ dưỡng đều có rất nhiều điều khoản để ràng buộc hai bên và các khách hàng đều là người trưởng thành, đều có học thức, nên khi họ ký hợp đồng gì, họ đã có nhận thức rõ ràng.

Bổ sung thêm ý kiến bà Trang, đại diện pháp chế cho Alma Việt Nam cho biết, câu này chỉ đảm bảo rằng, khách hàng khi đặt bút ký hợp đồng, họ đã xác nhận hiểu đầy đủ các thỏa thuận trong hợp đồng, để sau này, một khi có tranh chấp xảy ra, thì sẽ không lấy lý do "tôi không hiểu nội dung này là cái gì”.

Trong hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ, việc Alma quy định "được sử dụng một phần hoặc toàn bộ tiền đặt cọc trong thời gian xây dựng cho các mục đích mà công ty cho là phù hợp, bao gồm nhưng không giới hạn ở các chi phí xây dựng khu nghỉ dưỡng hoặc yêu cầu về vốn lưu động của Công ty" là sai quy định pháp luật.

Theo vị này, ở đây chỉ xác nhận là một khi khách đã hiểu đầy đủ rồi, thì khách có đầy đủ các quyền lợi theo một thỏa thuận dân sự, chứ quy định này không hạn chế bất kỳ quyền đưa vụ việc tranh chấp ra các cơ quan có thẩm quyền của khách hàng. Do đó, không thể coi là hợp đồng này hạn chế quyền của khách hàng.

Về nội dung tại Điều 13 của hợp đồng về bảo mật, đại diện pháp chế của Alma cho biết, với hợp đồng có yếu tố nước ngoài, thì điều khoản bảo mật là một trong những quy định bắt buộc, hợp đồng nào cũng có (?).

“Mật ở đây có nghĩa là các thông tin nhạy cảm, liên quan đến tên, tuổi, địa chỉ, ngày tháng năm sinh, các phương tiện để có thể liên lạc được như số điện thoại, email. Ngoài ra, còn có các thông tin mật liên quan đến kinh doanh như giá trị hợp đồng, tiến độ thanh toán… Đây là thông tin mà không phải khách hàng nào cũng áp dụng giống khách hàng nào. Đó là lý do vì sao, khi nào được sự đồng ý (của chủ đầu tư - PV) thì khách hàng mới được cung cấp…!?”, vị đại diện này nói.

Tuy nhiên, vị này cho biết thêm, quy định bảo mật bao giờ cũng có thêm một hướng mở, là không hạn chế cung cấp nếu theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Cụ thể, phần sau đó của hợp đồng quy định rất rõ, không bên nào bị ngăn cản thực hiện bất kỳ việc tiết lộ nào theo yêu cầu của pháp luật (bao gồm pháp luật của quốc gia nơi công ty trực tiếp hoặc gián tiếp nắm giữ một trong các bên được thành lập), sở giao dịch chứng khoán, quy định, pháp quyết, ràng buộc, lệnh hoặc yêu cầu của bất kỳ tòa án nào, hoặc cơ quan có thẩm quyền khác với điều kiện là bên tiết lộ sẽ thông báo cho bên kia trước về ý định của mình trong việc tiết lộ thông tin đó.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, các quy định và cách giải thích cho khách hàng như vậy của chủ đầu tư là chưa thực sự hợp lý. Chủ đầu tư mới chỉ đưa ra lý do để cột khách hàng, nhưng lại quên đối chiếu với quy định pháp luật của Việt Nam. Các hợp đồng của Alma đưa ra có nhiều chỗ cần được làm rõ.

Thứ nhất, "Quyền nghỉ dưỡng" là khái niệm công ty tự gán ghép đồng nghĩa với “Cho thuê phòng”, nhưng bản thân “Quyền nghỉ dưỡng” không phải là một khái niệm pháp lý, cũng chẳng phải ngôn ngữ giao tiếp ngoài đời sống xã hội, nên nó không có nghĩa, thậm chí là còn nhầm tưởng với quyền được nghỉ ngơi theo Bộ luật Lao động.

Dưới góc độ pháp lý, theo Bộ luật Dân sự 2005, người thuê phòng của công ty theo hợp đồng thuê thì phát sinh quyền và nghĩa vụ như sử dụng phòng, trả tiền thuê…, nếu thực hiện không đúng nghĩa vụ, thì phát sinh trách nhiệm. Do đó, chỉ riêng một khái niệm xa lạ, lắt léo "Quyền nghỉ dưỡng" đã làm sai nội hàm của những khái niệm khác trong hợp đồng để nhằm nâng cấp hợp đồng thuê thành hợp đồng mua - bán, nhưng công ty này khẳng định khách hàng đã hiểu bằng lý luận kiểu bút xa gà chết, sập bẫy.

Thứ hai, trong hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ, việc Alma quy định "được sử dụng một phần hoặc toàn bộ tiền đặt cọc trong thời gian xây dựng cho các mục đích mà công ty cho là phù hợp, bao gồm nhưng không giới hạn ở các chi phí xây dựng khu nghỉ dưỡng hoặc yêu cầu về vốn lưu động của Công ty" là sai quy định pháp luật, dẫn đến khả năng mất tài sản (tiền đặt cọc) của khách hàng. Theo Điều 358 Bộ luật Dân sự 2005, đặt cọc là giao cho bên kia tài sản đặt cọc trong một thời gian để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng. Ở đây, việc “giao” không phải đồng thời là việc công ty được tự ý sử dụng khoản tiền đặt cọc này vào bất kỳ mục đích nào, không thể áp đặt “có quyền” sử dụng cả tiền đặt cọc là xâm phạm nghiêm trọng quyền của khách hàng, loại trừ trách nhiệm của công ty theo quy định pháp luật.

Thứ ba, Điều 9 của Hợp đồng quy định áp đặt khách hàng không được khiếu nại hoặc khiếu kiện công ty là quy định mặc nhiên không có hiệu lực, vì quy định này nhằm mục đích loại trừ trách nhiệm của công ty.

Thứ tư, Điều 12 về cơ quan giải quyết tranh chấp áp dụng trọng tài tại Singapore. Quy định này cản trở, gây khó, đánh đố, che mắt khách hàng nếu họ muốn khiếu kiện Công ty hay họ bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình khi bị xâm phạm. Tuy nhiên, quy định này vô hiệu, vì theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Điều 17 Luật Trọng tài thương mại 2010, đối với các tranh chấp giữa nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng, mặc dù điều khoản trọng tài đã được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hoá, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn thỏa thuận trọng tài, thì người tiêu dùng vẫn được quyền lựa chọn trọng tài hoặc tòa án để giải quyết tranh chấp. Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ chỉ được quyền khởi kiện tại trọng tài nếu được người tiêu dùng chấp thuận.

Về Điều 13 Bảo mật, theo Luật sư Phượng, trong giao dịch dân sự, các bên có thể thỏa thuận cùng nhau giữ bí mật các thông tin, tuy nhiên vẫn có thể cung cấp thông tin trong nhiều trường hợp. Hợp đồng quy định không cung cấp thông tin cho báo chí, cơ quan truyền thông là vi phạm Luật Báo chí, cản trở quyền tự do ngôn luận, cản trở hoạt động báo chí, vi phạm này theo Điều 9 Nghị định 159/2013/NĐ-CP có mức xử phạt từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng.

Có thể thấy, các dạng hợp đồng không đúng bản chất giao dịch thường có khái niệm mơ hồ, có nhiều quy định vô hiệu, có các dấu hiệu về giao dịch vô hiệu theo quy định của pháp luật Việt Nam, do dó khách hàng cần cẩn trọng xem xét lại giao dịch của mình và có quyền khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để bảo vệ lợi ích của mình.

Trong kinh doanh hay đầu tư, khách hàng không nên giao dịch với những đối tác kinh doanh theo kiểu treo mồi đặt bẫy, có phân biệt giữa các khách hàng (về giá, ưu đãi, chính sách…), không ký kết những hợp đồng không rõ ràng, mập mờ, mơ hồ để đừng tự đưa mình vào rọ, mất sạch tiền vì những cạm bẫy của "đối tác”.

Đầu tư Bất động sản sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến độc giả các thông tin liên quan.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Dân Thường

Tôi thật sự cảm ơn mọi người. Nhờ những bài viết này mà tôi đã tránh được. Thật sự cảm ơn.

Thích (1) Trả lời

Hạnh Nguyễn

Các anh chị chia sẻ ở trên rất chính xác, tôi cũng là khách hàng bị bình chúng dùng chiều trò để dụ dỗ. Cô nhân viên tư vấn chỉ tư vấn qua loa vài ý, giả bộ giở từng trang trong hợp đồng để chứng minh là mình có nói về các điều khoản trong hợp đồng rồi đưa khách hàng ký ngay. Bình chúng nhận tiền, quẹt thẻ xong hết thì bọn chúng mới đưa tờ xác nhận đặt cọc. 1 tuần sau đưa hợp đồng. Đọc hợp đồng mình mới "sốc" là mình bị lừa. 1 hợp đồng mà khách hàng là người chịu thiệt thòi trong mọi trường hợp. Hơn nữa, 1 hợp đồng rất kỳ lạ so với tất cả các hợp đồng thông thường, đó là không cho khách hàng kiện tụng dưới bất kỳ hình thức nào, ko cho khách hàng đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng.... Tối qua mình lên Alma làm việc với ba Nguyễn Thị Hương Trà - Giám đốc chi nhánh Hồ Chí Minh về những ở điều khoản "không thể chấp nhận" trong hợp đồng. Bà ấy trả lời, hợp đồng này đã được thẩm định bởi Sở Tư Pháp Khánh Hoà, nên hợp đồng có giá trị pháp lý. Hợp đồng này được sư tư vấn của "luật sư danh tiếng" Nguyễn Văn Bích. Rồi bà Trà đưa ra 1 lý do (theo mình vì công ty này đã có chủ ý lừa đảo ngay từ khâu đầu tiên khi gặp khách hàng của nhân viên tư vấn đó là làm mọi cách để khách hàng Ký thật nhanh vào quyển hợp đồng) đó là khách hàng đều là những người có ý thức, cho nên việc ký hợp đồng này khách hàng tự nguyện chứ ko thể đổ lỗi tại nhân viên tư vấn.... Vụ này những ai bị lừa, mình nên cộng tác lại với nhau thành 1 nhóm rồi cùng thuê luật sư, khởi kiện lên Toà án Tỉnh Khánh Hoà.

Thích Trả lời

Đông vinh

Tôi cũng là 1 trong số họ bị sập bẫy của Alma Lừa đảo, tôi còn chưa kịp xem hết hợp đồng cũng tội cái ngu không xem kĩ, nhưng họ đâu có đưa cho mình xem đâu, họ cầm hợp đồng rồi lật trang nói tóm tắt 1 vài ý có lợi trong hợp đồng như: nếu sau ngày khai trương 6 tháng (tháng 11/2018) mà không hoàn thành dự án cty sẽ trả lại tiền luôn hoặc chờ tiếp thì hưởng chuyến du lịch của cty. hôm nay chỉ giới thiệu dự án thôi, ưu đại 5 suất với giá hờ , sau hôm nay thì không bán nữa phải đợi đến tháng 11/2018 mới mở bán chính thức, và được giảm thêm 20 triệu nữa. sau khi cà thẻ xong về xem lại hợp đồng mới biết mình bị lừa rồi, tại điều 8 xây dung khu nghỉ dưỡng ("khai trương chính thức") trong thời hạn 36 tháng kể từ khi ban hành giấy phép xây dựng cuối cùng của dự án liên quan tới khu nghỉ dưỡng. vậy thì giấy phép xây dựng cuối của dự án là cái nào, khi nào mới có giấy phép xây dựng đó 5 năm hay 10 năm hay là 40 năm sau mới có, vài tram triệu coi như mất trắng nếu tiếp tục đóng, hoặc từ bỏ tiền cọc để ôm quả đắng.

Thích Trả lời

Khánh Hoàng, Tân Bình

Tôi đã là một khách hàng suýt mắc bẫy. Bẫy 1: Đưa ra mồi nhử: chỉ nói về lợi ích bằng miệng qua nhân viên, không trưng ra bất kỳ giấy tờ gì có giá trị pháp lý. Bẫy 2: Hối thúc vội vàng: Đưa ra vài suất giả bộ ưu tiên ít ỏi với các quyền lợi trước mắt và hối thúc khách hàng đặt chỗ ngay sau buổi hội thảo để khách không kịp suy nghĩ, giả bộ khách sắp mất cơ hội nếu do dự. Thể hiện khó chịu khi khách lưỡng lự. Bẫy 3: Bút sa gà chết: không cho xem hợp đồng hay bất cứ giấy tờ nào trước khi đặt cọc. Đặt cọc chi tiền xong mới được xem. Có muốn rút lại tiền cũng không được (cái này là nhắm mắt ký chứ đừng nói tôi đã đọc và hiểu hết các nội dung của hợp đồng vì chưa được đọc đã phải ký trước rồi). Làm ăn đàng hoàng không cần những cái bẫy. Tóm lại không chi tiền mua ảo giác. Chúng ta hãy tránh xa.

Thích Trả lời

Ngô Đình Thông

Tôi đã đặt cọc 100 triệu rồi, sắp tới hạn đưa tiếp. Tôi phải làm sao? Xin cám ơn.

Thích Trả lời

Thanh Toàn

Tôi là một khách hàng của DA đã nói trên, tôi đã bị sập bẫy lừa của nhóm Quản lý xấu làm thuê cho Alma Vịnh thiên đường,của những nhân viên xấu làm thuê cho cty Alma Vịnh thiên đường...v..v nói trên đây ,tôi xin nói rõ thực tế cho LS và mọi người biết :BỌN XẤU KỂ TRÊN ĐÃ LÀM TRÁI VỚI điều 9 về bồi thường mà Alma nêu ra trên đây(dòng thứ 33 từ trên xuống): nhóm làm thuê trên đây đã KHÔNG ĐƯA HỢP ĐỒNG cho khách hàng đọc, thậm chí KHÔNG ĐƯA tờ giấy XÁC NHẬN ĐẶT CHỖ cho khách hàng xem,cho đến, sau khi khách hàng đưa tiền mặt ra hoặc quẹt thẻ thanh toán 1 số tiền ít nhiều RỒI, chúng mới đưa " giấy xác nhận' ra, trong đó có ghi câu "KHÔNG HOÀN LẠI TRONG BẤT KỲ TRƯỜNG HỢP NÀO...". Vậy là KH hết cựa quậy, cách gì cũng mất 1 khoản tiền không nhỏ.Dọc hành lang và trong ngoài, bọn quản lý thuê mướn những kẻ mặc đồ đen, cao to ...uy hiếp ngầm các KH nào phản ứng... Làm như trên đã nói , là đặt 1 kiểu bẫy, chứ bà quản lý TRANG còn cãi gì nữa.CÒN RẤT NHIỀU BẪY KHÁC trong hợp đồng và trong quá trình giao dịch giữa KH và bọn quản lý + nhân viên xấu vì đồng lương mà cam tâm BẪY + LỪA đồng bào mình.

Thích Trả lời

HueTran

Đọc bài viết trên tôi thấy Luật sư phân tích rất đúng. Hãy tránh xa các dự án lắt léo, hợp đồng chỉ trói buộc khách hàng đồng nghĩa với việc chủ đầu tư dự án đã tính đến chuyện lừa khách hàng ngay từ khi soạn hợp đồng rồi đấy. Những dự án như thế ai dây vào chỉ có tiền mất tật mang, không kiện tụng được họ khi sự cố xẩy ra đâu???. Hãy nói không với các địa chỉ này đi nhé.

Thích Trả lời