Phân tích những yếu kém hạn chế tồn tại của ngành Du lịch tại Hội thảo “Phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới” vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Vương Đình Huệ- Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, Du lịch là một ngành kinh tế có tính tổng hợp liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao nhưng hiện một số tổ chức, cá nhân, DN vẫn chưa có nhận thức đúng về ngành này.
Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chưa đặt ngành kinh tế này trong xu thế phát triển của thị trường mà chỉ coi đây là một ngành dịch vụ, phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, sự đầu tư và chuyên nghiệp vẫn chưa được coi trọng, do vậy hiệu quả kinh tế thu được chưa cao.
Ông Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng tình với nhận định này và thẳng thắn thừa nhận những thách thức đang đặt ra với ngành du lịch trong thời kỳ mới.
Theo ông Hoàng Tuấn Anh, so với các nước du lịch phát triển trong khu vực, kinh phí xúc tiến quảng bá của du lịch Việt Nam rất hạn chế, cơ chế hoạt động kém linh hoạt, thị thực nhập cảnh vào Việt Nam khó khăn hơn, khiến lợi thế cạnh tranh của Việt Nam bị hạn chế, nhất là với khách đi du lịch ngắn ngày.
Còn ông Trần Du lịch, Ủy viên Ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, các DN cần phải tham gia tích cực vào các hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh du lịch, cải thiện hình ảnh của du lịch Việt Nam.
“Các DN kinh doanh trong lĩnh vực du lịch cần làm du lịch với tinh thần chuyên nghiệp, trung thực, thân thiện và hiếu khách, cần coi việc kinh doanh du lịch phương thức để làm đẹp hình ảnh quốc gia, hình ảnh con người Việt Nam”, ông Lịch nói.
Bên cạnh đó, ông Lịch cho rằng, muốn làm du lịch tốt, bên cạnh sự cố gắng của cơ quan quản lý nhà nước, của DN, cần có sự vào cuộc của cả cộng đồng, đặc biệt là những người dân tham gia hoạt động du lịch tại các địa phương.
“Đầu tư du lịch là đầu tư lâu dài, không phải lĩnh vực mang lại lợi ích trước mắt. Kinh nghiệm những nước thành công trong phát triển du lịch cho thấy, sẽ không có thành công nếu kinh doanh du lịch theo kiểu chộp giật, chặt chém và lừa dối. Do vậy, chính quyền phải bảo đảm không có loại hình kinh doanh như thế tồn tại trong hoạt động du lịch”, ông Lịch đề xuất.
Ông Trần Hùng Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn cho rằng, các cơ quan quản lý cần tập trung xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam mang tính khác biệt, độc đáo, đạt tầm khu vực và quốc tế. Hình thành các điểm du lịch quốc gia, quốc tế, thương hiệu du lịch vùng.
"Một trong những điểm yếu của du lịch Việt Nam hiện nay là thiếu nguồn nhân lực giỏi trong công tác thương hiệu, quảng bá tiếp thị, chính vì thế, thời gian tới, các cơ quan quản lý cần có chiến lược đầu tư bài bản trong việc tuyển dụng, đào tạo, tái đào tạo đội ngũ nhân sự xây dựng thương hiệu, quảng bá tiếp thị", ông Việt đề xuất.
Theo số liệu thống kê, sau 30 năm đổi mới, ngành du lịch Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, khách quốc tế đến du lịch ở Việt Nam tăng hơn 30 lần, khách du lịch nội địa tăng gấp 35 lần so với năm 1990. Doanh thu từ du lịch năm 2000 là 17.400 tỷ đồng; năm 2013 là 200.000 tỷ đồng, tăng 11,5 lần và 2014 con số này là 230.000 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2013.
Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, khoảng cách về lượng khách quốc tế đến Việt Nam so với các nước dẫn đầu khu vực như Malaysia, Singapore, Thái Lan vẫn ở mức khiêm tốn.
Năm 2013, lượng khách quốc tế đến Việt Nam là gần 7,6 triệu lượt, trong khi khách quốc tế đến Malaysia là hơn 10,8 triệu ngàn lượt; Singapore là 12,47 triệu lượt; Thái Lan là 16,42 triệu lượt. Khoảng cách về doanh thu từ du lịch cùng thời kỳ luôn nằm trong khoảng từ 1,5 - 4 lần.