Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Chống trục lợi bảo hiểm, đầu tiên phải từ nội bộ

(ĐTCK) Đề cập lý do khiến căn bệnh trục lợi bảo hiểm ngày càng trầm kha, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho rằng, sự thiếu phối hợp chặt chẽ cũng như hạn chế chia sẻ thông tin của các DN là nguyên nhân hàng đầu.

Thiếu tính hợp tác

Trao đổi với ĐTCK, hầu hết DN bảo hiểm đều thừa nhận chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong phòng chống trục lợi bảo hiểm. Thậm chí, còn có trường hợp nhân viên, đại lý bảo hiểm của DN bảo hiểm này còn gợi ý, tiếp tay cho khách hàng để thực hiện các hành vi trục lợi bảo hiểm tại DN khác. 

Lý giải điều này, các thành viên thị trường cho rằng, đó là do sự cạnh tranh thiếu lành mạnh trên thị trường nên các DN thường giữ bí mật thông tin. Việc trao đổi thông tin cần thiết về khách hàng, về những biện pháp để cùng nhau đối phó với tệ trục lợi bảo hiểm giữa các DN hầu như không có. Đây là điều kiện thuận lợi để kẻ gian lợi dụng “đục nước béo cò”. Vì vậy, khi khách hàng tham gia bảo hiểm trùng lắp ở nhiều DN, khi xảy ra tai nạn, họ đòi bồi thường ở nhiều DN bảo hiểm mà vẫn không bị phát hiện.

Ngoài ra, các DN bảo hiểm phải chịu sức ép về thời hạn giải quyết bồi thường, dẫn đến không có thời gian và nguồn lực cần thiết để điều tra đầy đủ về những vụ có dấu hiệu trục lợi hoặc có nghi vấn trước khi quyết định bồi thường bảo hiểm. Đó là chưa kể, do sự cạnh tranh gay gắt nên để giữ được khách hàng, các công ty thường ngại xử lý mạnh tay, ngại đưa ra công chúng vì sợ ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng, nên cũng khiến việc chia sẻ thông tin càng khó khăn.

Trên thực tế, vẫn có trường hợp các DN ngồi lại với nhau trong việc chia sẻ thông tin. Do yêu cầu thực tế của công việc, một số nhân viên điều tra khiếu nại của nhiều DN bảo hiểm lớn như BaoViet Life, Prudential, AIA, Manulife… vẫn có những buổi gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin, giới thiệu mối quan hệ công tác, chia sẻ thông tin, chứng cứ… để hỗ trợ nhau hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, những hoạt động này mới chỉ mang tính cá nhân, tự phát và vụ việc đơn lẻ mà chưa hình thành được một hệ thống thông tin thị trường.

“Trên thế giới đã thành lập ‘Hiệp hội giải quyết quyền lợi bảo hiểm chung’ và tổ chức này hoạt động rất hiệu quả. Vì vậy, sẽ rất hữu ích cho tất cả các DN bảo hiểm nhân thọ nếu thành lập được ‘Ban phòng chống trục lợi bảo hiểm’ trực thuộc Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, bao gồm đại diện bộ phận nghiệp vụ của các DN bảo hiểm để chia sẻ thông tin, hỗ trợ nghiệp vụ”, đại diện Vietinbank Aviva nói.

Đại diện Manulife Việt Nam tại một cuộc hội thảo chuyên về trục lợi bảo hiểm đã không ngần ngại tiết lộ, một số đại lý có dấu hiệu trục lợi bảo hiểm trợ cấp nằm viện tại các công ty bảo hiểm nhân thọ khác, sau khi nghỉ việc, lợi dụng kẽ hở/điểm yếu trong quy trình tuyển dụng, chia sẻ thông tin giữa các DN bảo hiểm, đã tiếp tục đầu quân cho các DN bảo hiểm nhân thọ khác và tiếp tục tiến hành các thủ đoạn trục lợi bảo hiểm đã áp dụng tại các DN cũ. Tình trạng này đáng tiếc không phải cá biệt mà khá phổ biến.

 

Cần xích lại gần nhau hơn

Theo ông Nguyễn Tiến Việt, Phó trưởng Phòng Pháp chế và tuân thủ, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Vietinbank Aviva, phòng chống trục lợi bảo hiểm là trách nhiệm của tất cả các DN bảo hiểm và của toàn ngành, các DN (bất kể quy mô và phạm vi hoạt động như thế nào), cần có cam kết mạnh mẽ để hạn chế các tổn thất gây ra do trục lợi bảo hiểm và hợp tác chặt chẽ để làm giảm thiểu các hành vi trục lợi. Sự hợp tác này sẽ có tác dụng lớn trong việc răn đe và đưa ra những thông điệp mạnh mẽ không chỉ với những khách hàng dự định thực hiện các hành vi trục lợi, mà còn với chính các nhân viên trong ngành.

Về vấn đề này, ông Trịnh Thanh Hoan, Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cũng cho rằng, cần tăng cường công tác phối hợp giữa các DN bảo hiểm: trong công tác giám định, trao đổi thông tin về trục lợi bảo hiểm. Ông Hoan đề nghị, đối với các đại lý có biểu hiện trục lợi bảo hiểm, cần xử lý nghiêm khắc, định kỳ hàng quý DN thông báo cho Hiệp hội Bảo hiểm để theo dõi, thiết lập danh sách các đại lý vi phạm quy chế hành nghề đại lý hoặc vi phạm pháp luật và đã bị DN chấm dứt hợp đồng đại lý.

 

Chống trục lợi ngay trong nhà mình

Bên cạnh sự liên thông về thông tin trên thị trường, để giảm thiểu trục lợi bảo hiểm, các DN cần tăng cường hoạt động quản trị nội bộ tại chính đơn vị mình.

Theo ông Hoan, mỗi DN, mỗi nghiệp vụ bảo hiểm cần phải có sổ tay cẩm nang hướng dẫn khai thác, giám định, bồi thường thống nhất phát cho mỗi cán bộ, nhân viên; nâng cao chất lượng công tác giám định bồi thường: tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho công tác giám định; nâng cao trình độ nghiệp vụ của các giám định viên; việc giám định, bồi thường cần phải tuân thủ chặt chẽ các quy trình giám định, bồi thường của DN. Cùng với đó là việc phát triển nguồn nhân lực: tập trung cho công tác tuyển dụng, đào tạo và nâng cao nghiệp vụ cũng như luân chuyển cán bộ nghiệp vụ, đặc biệt là cán bộ giám định, bồi thường bảo hiểm, đảm bảo việc xử lý công việc công khai, minh bạch; nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin: xây dựng hệ thống công nghệ thông tin và phần mềm quản lý bảo hiểm chuyên nghiệp, hiện đại, kết nối trong toàn hệ thống, giúp quản lý thông tin khách hàng một cách chính xác, đầy đủ, đồng thời giúp DN phân tích và quản lý rủi ro một cách hiệu quả

Ngoài ra, cũng cần nâng cao năng lực và phẩm chất đại lý bảo hiểm tại mỗi DN. Theo đó, tăng cường khâu tuyển chọn và đào tạo đại lý, tuyển lựa đại lý có phẩm chất đạo đức tốt, trung thực để bán bảo hiểm; định kỳ tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao trình độ đại lý.

Ông Hoan cũng cho rằng, nên xây dựng và hoàn thiện các điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm theo hướng chặt chẽ hơn, đặc biệt quy định rõ các trường hợp loại trừ bảo hiểm, các trường hợp thực hiện chế tài bồi thường đi đôi với việc thường xuyên giao lưu, trao đổi với khách hàng.

“Cần tăng cường việc tiếp xúc với khách hàng để tìm hiểu, kiểm tra chéo các thông tin từ phía khách hàng, đại lý bảo hiểm và cán bộ khai thác, từ đó có những thông tin đầy đủ cho việc xử lý những yêu cầu bồi thường. Việc tìm hiểu rõ ràng các nguyên nhân dẫn đến trục lợi bảo hiểm có tác dụng rất lớn trong việc điều tra, phát hiện và phòng chống hiện tượng này”, ông Hoan nói.        

“Trục lợi lớn từ mua bảo hiểm trùng”

Ban Quản lý nghiệp vụ, Công ty Bảo hiểm Nhà Rồng (Bảo Long)

Một hiện tượng trục lợi khá phổ biến là chủ xe khi tham gia bảo hiểm thường mua bảo hiểm trùng (cùng một tài sản được mua bảo hiểm bởi nhiều đơn bảo hiểm khác nhau, trùng về thời gian bảo hiểm, phạm vi bảo hiểm và có tổng số tiền bảo hiểm từ tất cả các đơn vượt quá giá trị được bảo hiểm). Trong trường hợp này, nếu có tổn thất xảy ra với tài sản thì tổng số tiền bồi thường từ tất cả các đơn không được vượt quá giá trị thiệt hại thực tế, tỷ lệ bồi thường giữa các đơn bảo hiểm được xác định trên cơ sở số tiền bảo hiểm hoặc phí bảo hiểm theo nguyên tắc đóng góp.

Tuy nhiên, hiện nay việc trao đổi thông tin giữa các DN bảo hiểm hầu như không có. Điều này đã tạo kẽ hở cho kẻ gian lợi dụng, mua bảo hiểm trùng tại nhiều DN bảo hiểm khác nhau. Sau đó, khi tổn thất xảy ra, họ sẽ không thông báo cho các DN bảo hiểm biết cùng một lúc để tránh trường hợp giám định viên của các công ty bảo hiểm gặp nhau. Tiếp theo, họ lập hồ sơ bồi thường tại nhiều DN và tổng số tiền bồi thường nhận được lớn hơn rất nhiều so với giá trị thiệt hại thực tế của xe mà các DN bảo hiểm lại không hề hay biết.