Chống thao túng ngân hàng, chỉ dựa vào luật là chưa đủ

0:00 / 0:00
0:00
Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã được bổ sung nhiều quy định ngăn sở hữu chéo, chống thao túng, lũng đoạn ngân hàng, song nhiều ý kiến vẫn hết sức băn khoăn.
Việc khống chế tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng được cho là không đủ ngăn tái diễn vụ việc tương tự Ngân hàng SCB. Ảnh: Đ.T

Việc khống chế tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng được cho là không đủ ngăn tái diễn vụ việc tương tự Ngân hàng SCB. Ảnh: Đ.T

“Lấy hữu hình để trị vô hình” khó ngăn sở hữu chéo?

Sau sự cố rúng động tại hệ thống Ngân hàng SCB, vấn đề sở hữu chéo và thao túng ngân hàng chưa bao giờ đặt ra cấp thiết như hiện nay. Quy định thế nào để ngăn chặn tình trạng này là vấn đề được toàn xã hội quan tâm. Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) - dự kiến được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày mai (18/1) - đã bổ sung nhiều quy định nhằm ngăn chặn tình trạng này.

Tuy vậy, nhiều đại biểu lo ngại, các quy định được Dự thảo đưa ra, như giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần (Điều 63), giảm hạn mức cấp tín dụng (Điều 136) và mở rộng đối tượng không được đảm nhiệm chức vụ, không cùng đảm nhiệm chức vụ (Điều 42 và Điều 43)…, đang “lấy hữu hình để trị vô hình”, hiệu quả không cao, không xử lý được vấn đề cốt lõi.

Đại biểu Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) cho rằng, việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu với tổ chức và tổ chức và người liên quan (từ 15% xuống 10% và từ 20% xuống 15%) không có nhiều ý nghĩa để hạn chế sở hữu chéo. Điều này chỉ kiểm soát được về mặt hồ sơ, không kiểm soát được thực tế.

“Việc khống chế tỷ lệ không quan trọng bằng việc giám sát thực thi quy định, chưa nói đến việc có thể tạo ra rào cản ngăn cản dòng vốn ngoại chảy vào hệ thống ngân hàng. Những trường hợp sai phạm vừa qua cho thấy, tỷ lệ sở hữu thực sự của những chủ thể này cao hơn rất nhiều so với quy định thông qua các công ty con, công ty liên kết hoặc các cá nhân đứng tên đó”, đại biểu An khẳng định.

Theo đại biểu này, việc khống chế tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng như Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) không đủ ngăn tái diễn vụ việc tương tự Ngân hàng SCB, bởi sở hữu chéo ngân hàng không như hồ sơ trên giấy.

Tương tự, đại biểu Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa) cho rằng, tỷ lệ sở hữu của cá nhân, tổ chức hiện nay (5% và 15%) là thấp so với nhiều nước và con số này không phải là nguyên nhân gây mất an toàn hệ thống. Do đó, giảm tỷ lệ này chưa phải là giải pháp phù hợp.

Theo phân tích của các đại biểu, các cổ đông lớn không chỉ đầu tư tiền bạc, còn mang công nghệ, quản trị hỗ trợ hoạt động ngân hàng, tỷ lệ sở hữu quá thấp sẽ khiến các cổ đông không gắn bó với kinh doanh ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến ngày 31/12/2022, có 17 cổ đông là tổ chức tại 13 ngân hàng TMCP, 1 công ty tài chính có mức sở hữu cổ phần vượt 10%. Để tránh sự xáo trộn không cần thiết cũng như tác động tiêu cực từ việc điều chỉnh giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của một cổ đông là tổ chức từ 15% xuống 10% vốn điều lệ như ý kiến của đại biểu quốc hội, Dự thảo có quy định chuyển tiếp tại khoản 11, Điều 210.

Trong đó, Dự thảo quy định, kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, cổ đông, cổ đông và người có liên quan vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định tại Điều 63 của Luật này được tiếp tục duy trì cổ phần, nhưng không được tăng thêm cổ phần cho đến khi tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định của Luật này, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

Cốt lõi là thanh tra, giám sát và tăng quyền

Với quan điểm cho rằng, siết tỷ lệ sở hữu khó ngăn chặn sở hữu chéo, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cốt lõi trong hạn chế sở hữu chéo là phải giám sát và theo dõi đối với chủ ngân hàng và các cổ đông, để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng cấp tín dụng, rút ruột ngân hàng như thực tế vừa diễn ra.

Kịp thời phát hiện những hành vi cố tình “lách luật”.

Để bảo đảm hiệu quả trong thực thi quy định pháp luật, bên cạnh những quy định cụ thể tại luật, Chính phủ cần chỉ đạo tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, trong đó có sự tăng cường trao đổi, phối hợp quản lý giữa các bộ, ngành, nhằm kịp thời phát hiện những hành vi cố tình “lách” các quy định về sở hữu cổ phần, về người có liên quan, hoặc xác định các quan hệ giữa cổ đông lớn của tổ chức tín dụng với các doanh nghiệp “sân sau”.

- Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội

Giải trình trước Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho hay, giảm tỷ lệ sở hữu sẽ tăng cơ cấu cổ đông, hạn chế chi phối, thâu tóm ngân hàng. Việc này cũng phù hợp với định hướng Đề án Cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu 2021-2025.

Tuy vậy, ông Thanh nhìn nhận, để ngăn chặn sở hữu chéo, một biện pháp là không đủ, mà cần nhiều giải pháp đồng bộ. Như trường hợp SCB, bà Trương Mỹ Lan chỉ sở hữu gần 5% trên giấy tờ, song mượn danh người này, người kia sở hữu thực tế trên 90%. Vì vậy, quy định trong luật không đủ, mà quan trọng là công tác thực thi pháp luật, tăng cường giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Mặc dù vẫn còn nhiều băn khoăn, song theo đánh giá của các đại biểu, các chuyên gia kinh tế, Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã có bước tiến lớn trong gia tăng các biện pháp chống sở hữu chéo. Cụ thể, Dự thảo bổ sung các quy định để bảo đảm hơn quyền tham gia quản trị, điều hành của cổ đông, nhóm cổ đông thiểu số; bổ sung các quy định tăng cường minh bạch trong hoạt động, quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng; bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, yêu cầu đối với thành viên HĐQT độc lập, thành viên Ban Kiểm soát để nâng cao tính độc lập của đối tượng này…

Theo đánh giá của ông Vũ Hồng Thanh, các nội dung trong Dự thảo đã bám sát các chính sách lớn đã được thông qua, góp phần nâng cao trách nhiệm của các tổ chức tín dụng, cơ quan quản trị, điều hành các tổ chức tín dụng. Vấn đề minh bạch thông tin cũng được hoàn chỉnh hơn, trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Tài chính, đã được hoàn thiện.

Tin bài liên quan