PGS-TS. Đặng Văn Thanh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội.
“Điều tra, truy tố, xét xử chỉ là khâu cuối cùng. Muốn chống tham nhũng thành công phải dùng văn hóa”, PGS-TS. Đặng Văn Thanh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh.
Chưa thấy ai nói chống tham nhũng bằng văn hóa, từ đâu mà ông lại đưa ra ý tưởng này?
Năm 2021, lần thứ hai chúng ta tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc, do đích thân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, điều đó cho thấy văn hóa đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong diễn văn khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư đã khẳng định, trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách.
Con người có nhân cách là con người có văn hóa, có đạo đức. Người có nhân cách, có đạo đức không ai nỡ lòng nào nhận phong bì của người bệnh, không ai dám lợi dụng, tơ hào, tư túi tiền sinh phẩm, vật tư y tế trong bối cảnh hàng triệu đồng bào đang phải vật lộn với đại dịch Covid-19. Người có văn hóa, có đạo đức không một ai dám tham ô, tham nhũng, lợi dụng những chuyến bay giải cứu để trục lợi. Rộng hơn nữa, người có văn hóa, có đạo đức không bao giờ tham ô, tham nhũng, tư túi của công, dù cuộc sống không giàu có, nhưng luôn tâm niệm “đói cho sạch, rách cho thơm” như ông cha ta đã dạy.
Vì vậy, công cuộc chống tham nhũng không chỉ là điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, mà phải tập trung vào phòng tham nhũng. Phòng tốt nhất là nâng cao văn hóa cho cộng đồng, từng người, nhất là những người có chức, có quyền phải tự nâng cao văn hóa. Khi đã có văn hóa thì không ai dám tham nhũng.
Thưa ông, không ít người có học hàm, học vị, quyền cao chức trọng nhưng vẫn tham nhũng?
Bằng cấp không đồng nghĩa với có văn hóa. Bởi như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại Hội nghị Văn hóa là những gì xấu xa, việc làm ti tiện, đớn hèn, những hành động phi pháp, bỉ ổi... là vô văn hóa, phi văn hóa, phản văn hóa. Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng.
Tham ô, tham nhũng, hách dịch, cửa quyền, tư lợi, đồng nghĩa với xấu xa, ti tiện, là vô văn hóa, dù người đó có đầy đủ bằng cấp, học hàm, học vị. Vì vậy, bên cạnh việc tập trung cho giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng lao động, thì không được quên truyền bá, giáo dục văn hóa, tư tưởng, phong cách, lối sống cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Vì nếu chỉ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, kỹ xảo mà thiếu văn hóa sẽ dẫn tới tham ô, tham nhũng nếu có cơ hội. Do vậy, muốn chống tham nhũng hiệu quả không được bỏ qua yếu tố văn hóa.
Có văn hóa có thể con người ta không dám tham nhũng, nhưng thưa ông, làm sao để không thể tham nhũng?
Người ta chỉ có thể tham nhũng khi có quyền trong tay. Trong xã hội với sự phân công lao động, phân công công việc, để vận hành xã hội thì phải trao quyền cho một số người. Như vậy, vấn đề là phải kiểm soát được quyền lực. Muốn kiểm soát được quyền lực phải có cơ chế minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện để tất cả người dân có thể dễ dàng kiểm soát được cán bộ.
Lấy ví dụ tại Kho bạc Nhà nước trước kia, có một thực tế là dù chủ đầu tư, nhà thầu đến thanh toán vốn thì thế nào cũng bị yêu cầu bổ sung giấy tờ, hóa đơn, chứng từ, biên bản, hợp đồng các loại vài ba lần. Nếu hồ sơ thanh toán đầy đủ, thế nào cũng bị “hoạnh hoẹ” rằng, tại sao trong giấy tờ, hồ sơ chỗ này lại chấm câu, chỗ kia lại dùng dấu phẩy, tại sao lại xuống dòng. Tại sao chữ này lại viết hoa, chữ kia không viết hoa… Muốn không bị “bẻ hành, bẻ tỏi” thì người đi rút tiền ở kho bạc “phải thế nào” thì ai cũng biết.
Tình trạng này không chỉ xảy ra ở cơ quan kho bạc, mà xảy ra ở rất nhiều cơ quan công quyền, đơn vị cung cấp dịch vụ công khác. Nhưng bây giờ, những hành vi này đã giảm rất nhiều, cơ quan nhà nước lấy người dân làm trung tâm phục vụ, quản lý nhà nước đã chuyển từ quản lý sang phục vụ.
Theo ông, vì sao có sự thay đổi tích cực này?
Đó chính là sự công khai, minh bạch, rõ ràng, nên những người có quyền không thể gây khó dễ với tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để trục lợi. Hàng loạt thủ tục hành chính, giấy tờ, hóa đơn, chứng từ không cần thiết đã bị loại bỏ. Những loại giấy tờ nào cần thiết được giữ lại nhưng cũng loại bỏ những phần kê khai, báo cáo không cần thiết.
Quy trình, thủ tục hành chính đối với từng loại công việc đều được quy định rất rõ ràng và công khai tại những nơi dễ thấy nhất ở cơ quan hành chính nên công chức, viên chức không thể yêu cầu tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bổ sung giấy tờ, hồ sơ ngoài quy định, nếu yêu cầu bổ sung giấy tờ gì phải ghi rõ vào phiếu yêu cầu. Đặc biệt, thời gian trả hồ sơ, giấy tờ đã được rút ngắn rất nhiều, hết thời hạn bắt buộc phải trả lời cho người dân, doanh nghiệp, nếu không được thì phải giải thích rõ ràng và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Tôi cũng muốn nói thêm là, sự thay đổi tích cực này còn đến từ việc cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc chống tham nhũng. Theo đó, ngoài các cơ quan như công an, Thanh tra Chính phủ, thanh tra các bộ, ngành, địa phương; viện kiểm sát, tòa án; Kiểm toán Nhà nước, thì bên Đảng là hệ thống Ủy ban Kiểm tra, Ban Nội chính… rất tích cực trong phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt, chúng ta còn có cả Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, do đích thân Tổng Bí thư làm Trưởng ban.
Như vậy, quyết tâm phòng, chống tham nhũng rất cao, cả hệ thống chính trị vào cuộc nên sẽ không còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Việc quyết tâm chống tham nhũng, đẩy lùi tham nhũng, hạn chế tham nhũng và tiến tới không còn tham nhũng chính là thể hiện đạo đức cách mạng, văn hóa cách mạng trong công cuộc đẩy lùi “giặc nội xâm”.