Chống dịch như chống giặc: Kích hoạt cơ chế đặc biệt

0:00 / 0:00
0:00
Các giải pháp miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của Covid-19 sẽ được trình Chính phủ trước ngày 10/8/2021 để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành.
Những khó khăn mà doanh nghiệp, người dân đang gánh chịu từ tác động của dịch bệnh vẫn rất lớn.

Những khó khăn mà doanh nghiệp, người dân đang gánh chịu từ tác động của dịch bệnh vẫn rất lớn.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các giải pháp miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của Covid-19 sẽ được trình Chính phủ trước ngày 10/8/2021 để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành đúng trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Để đạt được tốc độ này, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu rất chi tiết các mốc thời gian mà Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ phải tuân thủ, gồm cả thủ tục thẩm định, hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ và lấy ý kiến thành viên Chính phủ về các giải pháp hỗ trợ vượt thẩm quyền của Chính phủ. Thậm chí, Thủ tướng Chính phủ đã dành cả ngày Chủ nhật để chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc, làm việc với đại diện doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và địa phương về giải pháp tháo gỡ khó khăn...

Như vậy, chỉ mất khoảng 14 ngày, tính từ thời điểm Quốc hội khóa XV thông qua Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021, trong đó cho phép trong thời gian Quốc hội không họp, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn trước khi thực hiện những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, cơ chế đặc biệt mà Quốc hội trao cho Chính phủ đã được kích hoạt.

Cùng với các giải pháp về tiếp tục giảm tiền thuê đất và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khác thuộc thẩm quyền mà Chính phủ đang yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất, ngay trong tuần này, nhiều cơ chế tiếp sức doanh nghiệp, người dân có thể sẽ được bổ sung. Đáng nói là tính hiệu quả của các chính sách cũng đã được người đứng đầu Chính phủ yêu cầu rất rõ ràng, là khi được ban hành cần phát huy hiệu quả cao nhất, hỗ trợ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp, giảm thiểu các thủ tục hành chính không cần thiết để có thể thực hiện ngay...

Tuy nhiên, những khó khăn mà doanh nghiệp, người dân đang gánh chịu từ tác động của dịch bệnh vẫn rất lớn và sẽ còn phức tạp khi thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ ở nhiều địa phương đã buộc phải kéo dài.

Đặc biệt, mô hình “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến” (mô hình vừa sản xuất, vừa cách ly) từng là giải pháp cứu cánh cho nhiều doanh nghiệp trong giai đoạn đầu tiên của đợt dịch thứ tư đã phát sinh vấn đề.

Theo khảo sát của một số hiệp hội doanh nghiệp, ít nhất 70% doanh nghiệp sản xuất ở khu vực 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang áp dụng Chỉ thị 16 phải dừng sản xuất. Các doanh nghiệp có đủ điều kiện để hoạt động phải chịu chi phí vận hành rất lớn và giảm 40-50% công suất.

Cùng với đó, các hạn chế đi lại của từng địa phương khác nhau đang đẩy chi phí và thời gian vận chuyển hàng hóa tăng lên. Theo IHS Markit (Công ty thu thập kết quả khảo sát Chỉ số Nhà quản trị mua hàng - PMI), sự gián đoạn nghiêm trọng đối với chuỗi cung ứng của Việt Nam đã được ghi nhận vào tháng 7/2021, với mức độ chậm trễ giao hàng cao nhất kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu hơn một thập kỷ trước.

Đây là lý do nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đề nghị thời gian của các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân kéo dài sang năm 2022, thay vì các phương án đến cuối năm 2021 như hiện tại. Mức giảm thuế VAT cho một số lĩnh vực kinh doanh chịu tác động nặng nề cũng đang được đề nghị ở mức 50%, thay vì 30%... Đặc biệt, các chi phí chống dịch cũng được đề nghị thành khoản ngân sách hỗ trợ, được khấu trừ trong các khoản nộp ngân sách kỳ tiếp sau...

Nhưng, điều mà nhiều doanh nghiệp đang lo ngại hơn cả là tâm lý bất ổn, không muốn ở lại công ty làm việc của người lao động. Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đang hoạt động ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai đã nhắc đến điều này đầu tiên khi được hỏi về hiện trạng sản xuất - kinh doanh, bởi tâm lý người lao động đang ảnh hưởng rất lớn tới các kế hoạch, phương án duy trì sản xuất của doanh nghiệp không chỉ trong giai đoạn dịch bệnh. Nỗi lo đứt gãy lao động đang nổi lên, bên cạnh lo ngại đứt gãy lưu thông, đứt gãy chuỗi cung ứng...

Vấn đề là nhiều doanh nghiệp không thể trấn an được người lao động khi họ nhìn thấy những F0 quanh mình tăng lên, y tế của doanh nghiệp và địa phương không phối hợp tốt, tốc độ tiêm vắc-xin cho người lao động trong các khu công nghiệp vẫn rất chậm ngay với các doanh nghiệp đang thực hiện mô hình “3 tại chỗ”.

Lúc này, các doanh nghiệp đang rất trông chờ vào những quyết sách hỗ trợ người lao động một cách mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa từ Chính phủ, từ chính quyền các địa phương. Chỉ khi người lao động an tâm, doanh nghiệp mới có thể tiếp tục tính tới các kế hoạch, phương án duy trì sản xuất để nhận được những hỗ trợ tiếp theo của Chính phủ...

Tin bài liên quan