Đồ họa: Ngọc Tuấn

Đồ họa: Ngọc Tuấn

Chống dịch, chống cả tin đồn

(ĐTCK) Ðã có hàng ngàn vụ việc đăng tin giả, tung tin giật gân thiếu kiểm chứng trên mạng xã hội bị xử phạt, thế nhưng trên các trang mạng vẫn không thiếu những người thích gây sự chú ý, nói theo ngôn ngữ mạng là "tay nhanh hơn não".

Trong những ngày qua, Chính phủ đã có nhiều động thái rất quyết liệt, kịp thời để phòng, chống dịch. Tất cả những thông tin về tình hình dịch bệnh và chỉ đạo của Chính phủ, của Ban chỉ đạo, các bộ, ngành đều được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thậm chí, những ca bệnh với đầy đủ họ tên (viết tắt), địa chỉ thường trú, lịch trình đi lại của từng bệnh nhân cũng được công bố công khai.

Tới nay Việt Nam vẫn đang là nước kiểm soát dịch bệnh rất tốt và chưa có ca nào tử vong, số ca chữa khỏi đang cao hơn những ca đang chữa trị. Để có được thành quả trên là công sức của toàn hệ thống chính trị và người dân, chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế, đặt sức khỏe của người dân lên trên hết.

Việc chống dịch mệt nhọc, hy sinh là vậy, nhưng các cơ quan nhà nước và y bác sĩ vẫn phải gồng mình chống tin giả. Tôi còn nhớ khi Việt Nam chỉ xuất hiện những ca bệnh dương tính đầu tiên tại Vĩnh Phúc, đã có nhiều người ở nhiều địa phương khác bị phạt vì tung tin giả về ca nhiễm Covid-19 dù các địa phương đó không hề có.

Còn nhớ vụ việc một chủ tài khoản Faceboook tại Cần Thơ tung tin đồn thành phố này đã có ca nhiễm Covid-19, nhưng khi được mời lên cơ quan công an làm việc thì người này cho biết, chỉ viết vậy để câu view nhằm bán hàng online. Kết quả người này bị phạt 12 triệu đồng vì tung tin sai sự thật.

Hay như tại Nghệ An, một cô gái tung tin mình bị nhiễm Covid-19, thế nhưng khi được mời lên làm việc thì cô gái này khai chỉ tung tin như vậy cho vui.

Những ngày đầu tháng 3 khi ca nhiễm số 17 xuất hiện tại Hà Nội, cô bạn tôi đang làm bác sĩ tại Bệnh viện 115 gọi điện kể câu chuyện toàn bộ bệnh viện phải đau đầu đi xử lý tin giả về ca tử vong mà dân tình trên mạng cho rằng do nhiễm Covid-19.

Chuyện là có một bệnh nhân bị viêm phổi nặng, khi đưa vào bệnh viện cấp cứu đã không qua khỏi, trước khi mất, bệnh viện vẫn xét nghiệm Covid-19 và kết quả âm tính. Tuy nhiên, trên nhiều trang faceboook vẫn lan truyền thông tin rằng cô gái ấy mất vì Covid-19 và bệnh viện đang giấu thông tin ca bệnh trên. Vậy là liên tục bệnh viện phải trả lời những cuộc điện thoại của người dân hỏi xác minh. Tới khi thông tin bị chia sẻ quá nhiều, bệnh viện phải nhờ tới công an xử lý và nhờ báo chí đăng đính chính thông tin bệnh nhân mất vì bệnh lý thông thường chứ không phải bởi nhiễm Covid-19.

Mới đây nhất, khi mà phong trào tung tin giả bùng nổ quá nhiều, để phòng trường hợp người cố tình thông tin sai lệch về dịch, Bộ Công an tuyên bố xử lý nghiêm những người tung tin thất thiệt về dịch bệnh. Thậm chí, tới sáng 29/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc còn phải yêu cầu các cơ quan liên quan xử lý người đưa tin có ca tử vong do Covid-19.

Chuyện là ngày 28/3, một tài khoản Facebook tại TP.HCM với lượng theo dõi lên tới hàng trăm ngàn người đưa thông tin Việt Nam đã có ca bệnh đầu tiên tử vong với hàm ý do Covid-19. Thông tin sau đó lan truyền trên mạng làm người dùng mạng xã hội hoang mang.

Nghị định 15/2020/NĐ-CP ban hành ngày 3/2/2020, có hiệu lực từ 15/4/2020. Theo đó, mức xử phạt hành chính đối với hành vi tung tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội từ 10 - 20 triệu đồng. Việc xử phạt người đăng tin đồn thất thiệt, sai sự thật là cần thiết nhằm răn đe, giáo dục chung cho người vi phạm. Đồng thời, đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho người khác khi muốn đăng tin trên mạng.

Ngay lập tức cơ quan chức năng đã lên tiếng phản bác. Bộ Y tế cũng yêu cầu người dân cần tỉnh táo, bởi đây là tin giả, đồn thất thiệt. Chiều cùng ngày, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh khẳng định, thông tin trên mạng xã hội về việc TP.HCM có một ca tử vong vì nhiễm Covid-19 là sai sự thật.

Sau đó, Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM đã mời chủ tài khoản Faceboook đó lên làm việc vì thông tin sai sự thật và làm ảnh hưởng tới công tác chống dịch của đất nước.

Mặc dù vậy, không ít “anh hùng bàn phím” dường như “điếc không sợ súng”, bởi dù nhiều người bị xử phạt từ 10 - 15 triệu do đăng tin giả liên quan tới Covid-19, nhưng họ vẫn cố tình đưa thông tin bịa đặt, không chính xác lên mạng xã hội nhằm mục đích câu view, trục lợi.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hải, Bệnh viện 115 TP.HCM cho rằng, tin đồn, tin sai lệch đã từng gây ra hậu quả khôn lường trong nhiều trường hợp, nhất là trong lĩnh vực y tế, liên quan tính mạng của nhiều người dân. Nếu mỗi người không biết tự bảo vệ bản thân trước những tin đồn thất thiệt trên mạng, công tác phòng, chống dịch do virus covid-19 mới chắc chắn sẽ còn nhiều nan giải.

Vì thế, chống dịch như chống giặc, nhưng “giặc” không chỉ là những con virus mới nguy hiểm có nguy cơ ngày một lan rộng nếu không ngăn chặn kịp thời, mà “giặc” còn là chính những tin đồn xuất phát từ cộng đồng mạng xã hội.

Mới đây, tại khu nhà của người viết có một cô gái hàng xóm đang làm nhân viên y tế ở một trung tâm cách ly tại huyện Củ Chi, TP.HCM trở về thăm nhà sau 1 tháng làm việc tại khu cách ly. Người mẹ trẻ ấy không dám vào nhà, mà chỉ dám đứng bên kia đường để nói chuyện với chồng và con gái 5 tuổi bằng những câu nói lớn rồi phải lên xe đi tìm chỗ trọ khác. Vì dù đã hết thời hạn cách ly y tế nhưng cô vẫn phải chịu đựng những anh mắt nghi kỵ, e dè, thậm chí lời nói bất nhẫn của một số hàng xóm. Tuy nhiên, ngay sau đó, có một số facebooker chụp lại những tấm ảnh đó rồi đăng tin giật gân, sai sự thật về việc "nhân viên y tế trốn cách ly về thăm nhà, gây nguy hại cho cộng đồng...".

Luật sư Nguyễn Thu Hoài, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, nếu xét bản chất, nguyên nhân sâu xa, người đăng tin giả, sai sự thật, xuyên tạc có thể xuất phát từ sự hiếu kỳ, tò mò hoặc lợi dụng thông tin nóng về dịch bệnh Covid-19 được nhiều người quan tâm nhằm mục đích câu view, kinh doanh online. Họ cho rằng, mình là chủ tài khoản Facebook, được quyền phát ngôn, đăng tin, thậm chí nghĩ rằng, không có cơ quan nhà nước nào xử lý được mình và các tài khoản Facebook chỉ là ảo.

Chính vì sự hiểu biết pháp luật còn hạn chế mà nhiều người vẫn đăng tin sai sự thật, gây hoang mang, bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng rất lớn, tác động xấu đến việc đấu tranh phòng chống dịch Covid-19 mà Chính phủ và hầu hết người dân đang ra sức thực hiện.

Luật sư Hoài cho rằng, cần xử lý thật nghiêm đối với các hành vi tung tin đồn nhảm trong mùa dịch, bởi những tin tức này nguy hiểm không kém con virus chết người, nhiều vụ việc nó tạo ra nguy cơ phát tán dịch bệnh rất cao.

Theo quy định của pháp luật hình sự, người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc về tình hình dịch bệnh gây ra hậu quả xấu có thể bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông. Hình phạt nặng nhất có thể bị áp dụng là 200 triệu đồng và 5 năm tù giam (Điều 288 Bộ luật Hình sự).

Trường hợp người có hành vi đưa trái phép thông tin cá nhân, bí mật đời tư, xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của nhân viên y tế, người tham gia phòng chống dịch, người mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh Covid-19 thì bị xử lý về tội làm nhục người khác. Hình phạt nặng nhất có thể bị áp dụng là 30 triệu đồng và 5 năm tù giam (Điều 155 Bộ luật Hình sự).

Ngoài ra, tùy vào mức độ xâm phạm của hành vi tung tin, người tung tin có thể phải gánh chịu các mức phạt vi phạm hành chính hoặc bồi thường thiệt hại khác theo quy định. Các cơ quan chức năng cần rà soát, xác định và xử lý thật triệt để đối với các hành vi tung tin không đúng sự thật về dịch bệnh để trục lợi, gây hoang mang dư luận trong mùa dịch.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan