Chông chênh…
Chật vật mấy tháng sau khi ra trường, Trần Xuân Sơn, quê Vĩnh Phúc vẫn chưa tìm được công việc như ý. Nghe lời rủ rê từ bạn bè, cũng tìm hiểu qua trên mạng, Sơn ứng tuyển vào một sàn bất động sản với mức lương vô cùng hấp dẫn, lương cứng hơn 3 triệu và hoa hồng 1,8%.
Thế nhưng, Sơn nhanh chóng vỡ mộng với nghề, bởi công việc làm sales bất động sản quá khó và phức tạp. Công việc của anh chỉ xoay quanh chiếc máy tính, liên tục đăng tin trên các website rao bán bất động sản. Không có dữ liệu khách hàng lại chưa có kinh nghiệm tìm kiếm, cả ngày, Sơn chỉ trông chờ vào những cuộc điện thoại may mắn phản hồi từ những tin đã đăng, bị lẫn cùng hàng triệu tin của các môi giới khác.
Ngay cả khi đã may mắn có được số điện thoại phản hồi của khách hàng, Sơn cũng loay hoay trong việc chốt giao dịch. Hết khách hàng không ưng, cậu còn liên tục bị đồng nghiệp chốt mất khách. Ngoài cước phí điện thoại, hàng tháng, nhân viên này còn mất thêm chi phí phát sinh mua dữ liệu, chạy quảng cáo... để tìm khách hàng dù lương vẫn chỉ ba cọc ba đồng.
Không riêng Sơn, nhiều người mới vào nghề hay thậm chí có kinh nghiệm vẫn gặp phải trường hợp này. Đó cũng là hạn chế của ngành môi giới bất động sản truyền thống mà nhiều doanh nghiệp chưa khắc phục được.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, TS. Trần Minh Hoàng, Phó tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định, môi giới bất động sản là một nghề khó. Nếu ở nước ngoài, môi giới bất động sản là một nghề đòi hỏi sự chuyên nghiệp cao, thì ở Việt Nam hiện nay hoạt động của nghề môi giới còn đan xen giữa sự chuyên nghiệp và các hoạt động tự phát, nghiệp dư.
Rất nhiều người hiện nay nghĩ về những món lời từ hoa hồng, từ chiết khấu với khách hàng, chủ đầu tư mà lao vào thị trường với nhiều chữ "không": không kỹ năng, không trình độ, không hiểu thị trường và cũng không biết các kiến thức về marketing bán hàng kể cả online hay offline.
Kết quả có thể thấy, nhiều môi giới bất động sản sau một thời gian ngắn vào nghề, dưới áp lực doanh số của các chủ sàn dần trở nên chán nản, cuối cùng phải ngậm ngùi rời đi trong nuối tiếc. Thực trạng số lượng môi giới tay ngang “vội vã đến, vội vã đi” là một trong những vấn đề được các cơ quan quản lý đặc biệt quan tâm.
Bên cạnh việc môi giới thiếu chuyên nghiệp, thực tế hiện nay, môi giới bất động sản chuyên nghiệp còn đối diện với áp lực cạnh tranh gay gắt từ các môi giới bán chuyên mà hay thường gọi là “cò”. Một bộ phận không nhỏ hành nghề chui, vi phạm pháp luật, chưa được quản lý, kiểm soát.
Thực tế cho thấy, người hành nghề môi giới bất động sản chân chính chưa được bảo vệ, trong khi kinh doanh chụp giật, vi phạm luật pháp diễn ra khá phổ biến. Môi giới bất động sản yếu về chuyên môn, xem nhẹ trách nhiệm đạo đức, coi thường các quy định quản lý. Một số lượng lớn các sản phẩm được môi giới bất động sản chào bán không đủ tiêu chuẩn đưa vào kinh doanh. Trên 90% tin rao bán bất động sản nhà ở riêng lẻ thiếu chính xác, có sai lệch thông tin hoặc về vị trí, giá cả hoặc thông tin về pháp lý bất động sản, quy hoạch...
Thống kê của VARS cho thấy, gần như 100% giao dịch bất động sản riêng lẻ, giao dịch bất động sản trên thị trường thứ cấp không đóng thuế thu nhập từ hoạt động môi giới. Bên cạnh đó, hiện tượng thông tin ảo, đồn thổi, thổi phồng giá, giấu giếm, thậm chí đưa thông tin sai lệch về quy hoạch, pháp lý bất động sản diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương.
“Nhiều người dân gặp phải rủi ro khi giao dịch bất động sản thông qua hoạt động môi giới không chuyên nghiệp như bị thiệt hại tài sản, thậm chí bị lừa đảo, chiếm dụng vốn. Hình ảnh nghề môi giới bất động sản vì thế không tạo được sự thiện cảm mà phải chịu ấn tượng xấu trong xã hội”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Thị trường sẽ vững hơn nếu đội ngũ môi giới được quản lý chặt hơn
Ông Hà Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, không thể phủ nhận những đóng góp to lớn mà các tổ chức, cá nhân môi giới bất động sản mang lại cho xã hội. Tuy nhiên, thực tế hoạt động nghề này vẫn còn những tồn tại, bất cập.
Thứ nhất, hiện nay, pháp luật về môi giới bất động sản quy định cá nhân không bắt buộc phải có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học thì mới được dự thi lấy chứng chỉ môi giới bất động sản. Điều này đã tạo ra xu hướng các cá nhân không thực sự học tập, tìm hiểu, nghiên cứu về môi giới bất động sản mà có khi chỉ tham gia một số khóa học ngắn hạn do các trung tâm không uy tín đào tạo để học lướt qua các kiến thức nhằm đối phó với kỳ thi sát hạch.
Thậm chí, có hiện tượng còn bỏ tiền “mua” chứng chỉ mà thực sự không có sự tìm hiểu, hiểu biết về nghề môi giới. Điều này đã tạo nên một lớp những người môi giới “hời hợt”, không có kiến thức căn bản về ngành nghề này, thậm chí sâu xa hơn họ có thể hành nghề môi giới bằng những hành vi bất chấp đạo đức nghề nghiệp, nhằm lừa đảo người mua nhà với mục đích kiếm lợi cho bản thân.
Thứ hai là phần đông các nhà môi giới bất động sản cũng không coi trọng việc tham gia các khóa đào tạo về môi giới bất động sản.
Ông Hưng cho biết, kết quả khảo sát tại “Cuộc điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng hoạt động của các cơ sở đào tạo về bất động sản từ đó đề xuất cơ chế, chính sách hoàn thiện quy trình đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản” của Bộ Xây dựng mới đây cho thấy, có đến 86% nhân viên môi giới trả lời không tham gia hoặc chỉ tham gia một khóa đào tạo cho nhân viên, nhưng các hình thức đào tạo chủ yếu vẫn là những nhân viên trong công ty truyền lại kinh nghiệm cho nhân viên mới.
“Theo kết quả của cuộc điều tra, khảo sát trên thì tại Hà Nội, có đến 48% số lượng người môi giới bất động sản được điều tra không có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; trong số những người có chứng chỉ hành nghề thì chỉ khoảng 1/3 số người có chứng chỉ hành nghề ngay khi vào nghề, số còn lại sau khi đi làm vài năm mới thi lấy chứng chỉ”, ông Hưng cho biết.
Thứ ba, hệ thống hạ tầng cho đào tạo nghề môi giới bất động sản bài bản ở Việt Nam còn nhiều thiếu hụt, hạn chế. Đội ngũ các nhà môi giới bất động sản Việt Nam gần như không được đào tạo bài bản. Họ đến với nghề nghiệp chủ yếu bằng cách tự tìm tòi, tự học hỏi. Các tài liệu, giáo trình chính thức cho việc đào tạo môi giới cũng hầu như vắng bóng.
“Bên cạnh đó, việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản vẫn chưa thực sự chặt chẽ, dẫn đến chất lượng và trình độ của các nhà môi giới bất động sản còn hạn chế và không đồng đều. Thực trạng trên không những không giúp thị trường bất động sản Việt Nam ổn định, phát triển chuyên nghiệp, tích cực mà còn có nguy cơ tạo ra những hệ lụy, nguy cơ đe dọa thị trường”, ông Hưng cho biết thêm.
Theo ông Trần Đức Diễn, Chủ tịch Công ty Maxland, mặc dù đã có quy định về hành nghề môi giới bất động sản, nhưng việc quản lý vẫn còn nhiều bất cập. Vấn đề đặt ra là tại sao lại không quản lý được? Lý do là vì chúng ta chưa làm đến nơi đến chốn mà thôi.
Nếu các môi giới có chứng chỉ hành nghề có mã số, có hồ sơ lý lịch trên hệ thống của cơ quan quản lý (Sở Xây dựng) hoặc Hội Môi giới bằng cách nhập mã số hoặc quét QR Code, khách hàng có thể biết được nhân viên môi giới có được phép hành nghề hay không, lịch sử giao dịch thế nào, thuộc đơn vị nào quản lý, có bị khiếu nại hay thành tích gì trong quá khứ không…
Như vậy, bước đầu sẽ tạo ra được sự phân biệt giữa các môi giới hành nghề hợp pháp và bất hợp pháp, phối hợp với dữ liệu đó để xác định trách nhiệm quản lý của các đơn vị phân phối, thậm chí cả chủ nhà, chủ đầu tư khi thanh toán phí môi giới (hoa hồng) cho các bạn môi giới chưa có chứng chỉ hành nghề.
Từ đó việc áp dụng chế tài và minh bạch thuế sẽ làm giảm dần số lượng môi giới chưa có chứng chỉ hành nghề, kết hợp với giáo dục và tuyên truyền, chúng ta sẽ nâng cao được chất lượng đội ngũ hành nghề môi giới và cũng từng bước tiến tới quản lý được. Và như vậy, nghề môi giới mới thực sự trở thành một nghề cần có chuyên môn và chuyên nghiệp, như đáng lẽ ra cần phải có.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com