Lý giải nguyên nhân dẫn tới các tranh chấp trong lĩnh vực bảo hiểm, tại Hội thảo Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải phương án khả thi cho doanh nghiệp bảo hiểm do Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam tổ chức sáng 17/7, bà Phạm Thanh Hải, Trưởng Ban bán chuyên trách Pháp chế phi nhân thọ Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam cho rằng, chủ yếu bao gồm từ việc thực thi Luật Kinh doanh bảo hiểm, hoặc do từ phía các doanh nghiệp bảo hiểm chưa tuân thủ quy trình khai thác, giám định bồi thường, điều kiện, điều khoản bảo hiểm., hoặc từ phía người thực hiện bảo hiểm…
Bà Hải cho biết, về nguyên tắc, giải quyết được những tranh chấp bảo hiểm thì mới có thể hoàn thành thủ tục bồi thường và việc này càng được thực hiện nhanh chóng thì càng đạt được mục tiêu của bảo hiểm, tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm bảo hiểm.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các tranh chấp bảo hiểm mà đưa ra tòa án thì thường phải 3-5 năm mới giải quyết xong. Thậm chí, có một số vụ việc, thời gian xử lý kéo dài đến 10 năm vẫn lại phải kéo dài từ sơ thẩm rồi lại quay lại phúc thẩm gây khó khăn, tốn kém cho cả các bên.
“Với các nguyên nhân ngày càng phức tạp, đòi hỏi phải có những cơ chế giải quyết tranh chấp linh hoạt, phù hợp và hiệu quả, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên và doanh nghiệp khi tham gia các quan hệ hợp đồng bảo hiểm”, bà Hải nhấn mạnh.
Trong bối cảnh này, theo các chuyên gia luật, hiện nay, giải quyết tranh chấp bằng tòa án ít khi được các doanh nghiệp lựa chọn và đây chỉ là phương thức lựa chọn cuối cùng khi các phương thức thương lượng, hòa giải, trọng tài không mang lại hiệu quả. Trong khi đó, với các lợi thế nhanh gọn, linh hoạt và hiệu quả, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài vốn rất thông dụng trong nền kinh tế thị trường đang ngày càng được các nhà kinh doanh ưa chuộng.
Ông Vũ Ánh Dương, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký VIAC cho biết, sử dụng trọng tài trong tranh chấp bảo hiểm có nhiều ưu điểm bởi quyết định của trọng tài là chung thẩm có giá trị bắt buộc thi hành đối với các bên, các bên không thể kháng cáo sẽ giúp giảm chi phí về thời gian và tiền bạc của các bên trong quá trình tham gia giải quyết vụ tranh chấp. Đó là chưa kể, tố tụng trọng tài thường ít cứng nhắc hơn tố tụng tòa án, giúp các bên chủ động và thuận lợi trong việc tham gia tố tụng.
Bên cạnh đó, hoạt động trọng tàu diễn ra liên tục, vì hội đồng trọng tài xét xử vụ việc là do các bên thỏa thuận lựa chọn hoặc được chỉ định giải quyết vụ việc, trọng tài viên là người theo vụ việc từ đầu tới cuối nên có điều kiện nắm bắt thấu đáo toàn bộ vụ việc, có lợi cho các bên ngay cả khi hòa giải và đạt được một thỏa thuận có lợi cho cả các bên.
Hơn nữa, trọng tài xét xử bí mật với sự công nhận của pháp luật đối với nguyên tắc này, nên đảm bảo bảo giữ uy tín và bí mật cho các các doanh nghiệp tham gia tranh chấp, tránh nguy cơ làm ảnh hưởng các mối quan hệ hợp tác làm ăn của doanh nghiệp.
Theo số liệu của VIAC, từ năm 2011 đến nay, số các vụ tranh chấp về bảo hiểm đưa đến VIAC ngày càng tăng. Điều này cho thấy, các các luật sư và các doanh nghiệp bảo hiểm đã nhận thấy trọng tài thương mại trọng tài thương mại thực sự là phương án khả thi và hiệu quả trong việc giải quyết các tranh chấp bảo hiểm.
Tuy nhiên hiện nay, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp mua bảo hiểm và cả người mua bảo hiểm vẫn chưa để ý đến phương thức này để đưa điều khoản trọng tài vào ngay hợp đồng bảo hiểm từ đầu. Đặc biệt, với các cá nhân như doanh nghiệp tư nhân tàu cá, xe cộ, bảo hiểm con người... sự hiểu biết về trọng tài còn thiếu.
“Hiện các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân chưa hiểu về trọng tài nên lựa chọn toà án, dẫn đến quá trình thương lượng rất khó khăn. Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp định hướng cho các doanh nghiệp bảo hiểm sử dụng để tiết kiệm thời gian và chi phí, đồng thời làm giảm sự quá tải về số lượng vụ việc cho hệ thống tòa án. Do đó, cần đẩy mạnh hơn nữa sự tham gia của trung tâm trọng tài trong quá trình đàm phán hợp đồng liên quan tranh chấp này. Các doanh nghiệp bảo hiểm cũng nên chủ động giải thích và hướng dẫn người mua bảo hiểm về phương thức này”, bà Hải khuyến nghị.
Cùng với sự phục hồi tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế trong những năm gần đây, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã phát triển ngày càng nhanh với quy mô lớn.
Số liệu của Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy năm 2017, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tiếp tục tăng trưởng bền vững, với tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 40,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,61% (so với năm 2016), bảo hiểm nhân thọ ước đạt 65.050 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tỉ lệ thuận với sự tăng trưởng của thị trường, các chuyên gia trong ngành cho biết các vụ tranh chấp về bảo hiểm cũng ngày một nhiều lên với mức độ và tính chất ngày càng phức tạp hơn.
Theo Hiệp hội Bảo hiểm, thường có 5 loại tranh chấp xảy ra giữa các bên phát sinh từ hoặc có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, gồm: Tranh chấp về việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán phí bảo hiểm đúng và đầy đủ; Tranh chấp về hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm; Tranh chấp về phạm vi bảo hiểm và/hoặc điều kiện loại trừ trách nhiệm bảo hiểm; Tranh chấp về mức độ tổn thất; Trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm còn có một loại tranh chấp đặc thù như tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn cho doanh nghiệp bảo hiểm số tiền mà doanh nghiệp này đã bồi thường.