1. Vào lúc 11 giờ sáng thứ Bảy, tôi điện thoại cho chị bạn lớn tuổi từ bên Đức vừa về Sài Gòn chơi. Tôi nghe thấy chị giọng tươi tắn hỏi có khỏe không, đang làm gì, muốn gặp quá mà dậy không sớm nên chưa dám liên lạc. Tôi nói, giờ em đang ngồi quán cà phê, chị dậy đi, qua gặp nhau nha. Chị trả lời, được được, OK, OK.
Một tiếng đồng hồ sau chưa thấy chị có mặt, dù khách sạn của chị sang quán cà phê chỉ chừng 5 phút đi taxi, tôi gọi lại hối thúc. Chị bạn nói, giờ đang thay đồ, chút nữa gặp ngay.
Chờ thêm nửa tiếng nữa, mới thấy bà bạn U70 mặc quần jeans, áo chemise đẩy cửa quán bước vào. Chị nói cứ quay về Sài Gòn là không ngủ được, chênh múi giờ, thay đổi nhiệt độ, môi trường sống. Lần nào về Sài Gòn là chị lại mất ngủ, người phờ phạc không muốn ra đường.
Hàng ngày cứ 5 giờ sáng thì chị mới bắt đầu vào giấc ngủ và chiều thì mới sẵn sàng cho một cuộc sống đầu ngày. Chị biết tôi dậy sớm, đi cà phê sớm, và rất đúng giờ hẹn, nên phải chờ cơ thể thích ứng với Sài Gòn, ngủ được, thì mới dám gặp tôi. Giờ tôi điện thoại, thì chị phải tới thôi, bạn bè mà, đâu có sự lựa chọn nào khác!
Ngồi xuống chưa được ấm ghế, là chị kể chuyện về việc hàng ngày cứ ngủ dậy, đánh răng và tắm xong, thì phải mất cả tiếng đồng hồ để xịt kem dưỡng ẩm toàn thân, bôi kem chống nắng lên mặt, rồi lại lên giường thưởng thức tiếp sự nghỉ ngơi. Đầu óc chẳng nghĩ gì, bụng cũng không đói để thèm ăn. Không nói gì việc ở Sài Gòn mất ngủ, mà ở bên Đức, thì chị cũng là người thức khuya. Trung bình 1 - 2 giờ sáng vẫn còn kiếm đồ gì ăn trong tủ lạnh. Những người ngủ trễ đa phần là người sống độc thân. Họ không có ai để làm phiền, nên thoải mái trong sinh hoạt đời thường. Ngủ trễ nên dậy trễ, cũng bình thường thôi.
Chị bạn tôi năm nay đã gần 70 tuổi. Chị sống một mình từ vài chục năm trước, sau khi chia tay ông chồng người Đức. Sau nhiều mối tình không tới với hôn nhân, chị quen với cuộc sống tự do tự tại, thích làm gì tùy ý, thích đi chơi đâu thì đi, thích đi ngủ và ngủ dậy lúc nào cũng được.
Sau nghỉ hưu, lại là khoảng thời gian thoải mái hơn nữa. Tôi ấn tượng với các lời kể của chị, ở khoảnh khắc ngủ dậy buổi sáng, ngồi trước ly trà và ly cà phê, nhìn xuống đường thấy thiên hạ tất bật hoạt động mà cảm thấy đời mình thảnh thơi. Rồi sau đó, lại lên giường nằm tiếp, tận hưởng cảm giác rất sung sướng!
2. Nhiều người không thấy vui thích gì sau khi nghỉ hưu, nhiều người hoàn toàn cảm thấy mất phương hướng khi đối mặt với cuộc sống một mình sau hôn nhân tan vỡ. Người ta thường không biết cách tận hưởng thú vui cuộc sống cho bản thân, khi được uống ly trà ngon, uống tách cà phê nóng, thong dong trong hoàn cảnh không cần phải lo lắng gì cho ai, cũng như cho chính bản thân.
Một cuộc sống hoàn hảo trong suy nghĩ của mọi người, chính là gia đình đầy đủ, có vợ chồng, con cái, mà phải là có cả con trai lẫn con gái. Và cuộc sống chỉ có một mình, người ta luôn nghĩ, đó là bi kịch và bất hạnh.
Nhưng, trăm gia đình là trăm kiểu khác biệt. Trong số hàng triệu người đang di chuyển trên đường, khó có thể biết họ đang nghĩ gì. Hạnh phúc ở lứa tuổi xế chiều với người này có khi lại là bất hạnh của người kia và ngược lại. Tuyệt nhất vẫn là sở hữu sức khỏe tốt, tiền bạc dư dả chút ít để có thể lo được cho bản thân và còn có thể rộng rãi cho người khác.
Khi có sức khỏe, mọi thứ sẽ có, kể cả tiền bạc. Chỉ cần hắt hơi sổ mũi vài ngày thôi, người ta đã cảm thấy chán nản cho mọi thú vui trần thế trong mấy ngày đó rồi, huống chi mắc các căn bệnh nan y khó chữa. Nếu coi mọi thứ trong cuộc đời là tương đối, thì chúng ta sẽ dễ dàng thông cảm và tha thứ cho chính bản thân và cho người khác.
Với cách sống yêu đời, thì chỉ cần khoảnh khắc ngủ dậy trễ nhưng cơ thể đón nhận sự thoải mái, khỏe mạnh, cũng đã là sự biết ơn. Tìm kiếm những thứ xa xôi hão huyền ở đâu, khi niềm vui ở ngay bên cạnh mình, dù tuổi đã không còn trẻ nữa…