Làm rõ những quy định mới
Cùng với danh mục 23 ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư đã chi tiết danh mục 54 ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài.
Có thể nhắc tới một số ngành như bảo hiểm, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán và các dịch vụ có liên quan khác; dịch vụ bưu chính, viễn thông; dịch vụ giáo dục; thăm dò, khai thác và chế biến tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, dầu và khí…
Đặc biệt, Điều 17 của Dự thảo Nghị định đã làm rõ nguyên tắc áp dụng hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, trừ những ngành, nghề thuộc 2 danh mục trên, nhà đầu tư nước ngoài được quyền tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước.
Phải nhắc lại, ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường với nhà đầu tư nước ngoài là nội dung mới của Luật Đầu tư và được các nhà đầu tư nước ngoài chờ đợi.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2020 diễn ra cuối tháng 12, Nhóm công tác về đầu tư và thương mại của VBF đã có ý kiến riêng về nội dung này. Khi đó, mối lo của họ là danh mục không rõ ràng và đặc biệt là có thể trở thành danh mục mang tính nhạy cảm cao và được xem xét kỹ lưỡng.
Như vậy, mối lo đã được giải tỏa. Thêm nữa, Dự thảo cũng có quy định riêng cho những ngành, nghề mà Việt Nam chưa cam kết tiếp cận thị trường theo các điều ước quốc tế. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước trong trường hợp pháp luật Việt Nam không có quy định về hạn chế tiếp cận thị trường. Đặc biệt, việc xây dựng, đăng tải, cập nhật, sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài thực hiện tương tự quy định áp dụng với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Doanh nghiệp thuộc SCIC không là doanh nghiệp nhà nước
Câu hỏi doanh nghiệp do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tiếp nhận từ các bộ, địa phương có được coi là doanh nghiệp nhà nước hay không đang được Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp làm rõ.
Điều 7 của Dự thảo quy định: “Doanh nghiệp nhà nước được quy định tại khoản 1, Điều 88, Luật Doanh nghiệp không bao gồm các doanh nghiệp mà SCIC sở hữu cổ phần, phần vốn góp, bao gồm cả doanh nghiệp được tiếp nhận từ bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh theo quy định của pháp luật”.
Có nghĩa là, đối với các doanh nghiệp do các bộ, địa phương chuyển giao sang SCIC, SCIC thực hiện quyền của cổ đông, thành viên góp vốn như đối với các doanh nghiệp do SCIC trực tiếp thực hiện đầu tư góp vốn theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Thực ra, khi thảo luận về nội dung này, đã có ý kiến cho rằng, SCIC là một doanh nghiệp nhà nước, nhưng thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nên phần vốn góp, cổ phần mà SCIC tiếp nhận từ bộ, địa phương được coi là phần vốn góp, cổ phần do Nhà nước nắm giữ. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp nhà nước thuộc bộ, ngành, địa phương chuyển giao về SCIC vẫn là doanh nghiệp, phải tuân thủ các quy định của loại hình doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp đã có quy định rất cụ thể về doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, một trong những tiêu chí xác định doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp phải là doanh nghiệp độc lập hoặc công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, tổng công ty hoặc công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con.
SCIC là công ty mẹ trong mô hình công ty mẹ - công ty con, trong đó công ty mẹ là doanh nghiệp nhà nước, do vậy các doanh nghiệp do SCIC sở hữu cổ phần, vốn góp không đáp ứng tiêu chí nêu trên. Các quy định về vốn chủ sở hữu của SCIC cũng xác định rõ bao gồm cả vốn tiếp nhận theo giá trị sổ kế toán từ các công ty do SCIC nhận chuyển giao từ các bộ, địa phương.
Như vậy, doanh nghiệp do SCIC tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu từ các bộ, địa phương là doanh nghiệp do SCIC sở hữu vốn và tài sản, nghĩa là đã được hạch toán vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào vốn chủ sở hữu của SCIC sau khi SCIC hoàn thành tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu.
Một số ngành nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài
Kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện độc quyền nhà nước trong lĩnh vực thương mại;
Hoạt động báo chí và hoạt động thu thập tin tức dưới mọi hình thức;
Đánh bắt hoặc khai thác hải sản;
Dịch vụ điều tra và an ninh;
Các dịch vụ hành chính tư pháp, bao gồm dịch vụ giám định tư pháp, dịch vụ thừa phát lại, dịch vụ đấu giá tài sản, dịch vụ công chứng, dịch vụ của quản tài viên;
Dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
Dịch vụ kiểm định và cấp giấy chứng nhận cho các phương tiện vận tải;
Nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng;
Kinh doanh tạm nhập tái xuất…