Hội đồng Bầu cử quốc gia tổ chức họp báo công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử ĐBQH khóa XV.
Vượt qua khó khăn chưa từng có tiền lệ vì đại dịch Covid-19, 99,6% cử tri cả nước vẫn đi bỏ phiếu chọn người lo việc nước, bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Nhưng, một vị tái đắc cử đã không còn cơ hội quay lại phòng họp Diên Hồng, theo quyết định của Hội đồng Bầu cử quốc gia.
Tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách trúng cử cao
Ngày 10/6, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã chính thức công bố Nghị quyết về kết quả và danh sách những người trúng cử ĐBQH khóa XV.
Dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, tuyệt đối an toàn và đã thành công rất tốt đẹp là đánh giá khái quát của Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn về cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) ngày 23/5 vừa qua.
Trong danh sách 499 vị trúng cử ĐBQH, có 17 ủy viên Bộ Chính trị, 100 ủy viên Trung ương Đảng, 38 bí thư tỉnh uỷ.
Hội đồng Bầu cử quốc gia cũng nhấn mạnh nhiều kết quả đáng mừng, như lần đầu tiên trong các nhiệm kỳ Quốc hội, tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách trúng cử cao, đạt 38,6% tổng số ĐBQH (cao hơn 5% so với khóa trước).
“Đặc biệt, cũng lần đầu tiên từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa VI trở lại đây, tỷ lệ ĐBQH là phụ nữ đạt trên 30% - cao nhất từ khóa VI đến nay. Trình độ chuyên môn của những người trúng cử ĐBQH khóa XV cao hơn so với nhiệm kỳ trước (tỷ lệ trên đại học đạt 78,56%, cao hơn 16% so với khóa XIV)”, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh trong cuộc họp báo chiều 10/6.
Về cơ cấu kết hợp, đại biểu là phụ nữ: 151 người (tỷ lệ 30,26% trong tổng số người trúng cử); đại biểu là người dân tộc thiểu số: 89 người (tỷ lệ 17,84%); đại biểu trẻ dưới 40 tuổi: 47 người (tỷ lệ 9,42%), đều đạt hoặc vượt so với chỉ tiêu đặt ra.
Trong số những người trúng cử, có 14 đại biểu là người ngoài Đảng, giảm 9 người so với khóa XIV (khóa XIV cũng giảm 4,2% so với khóa XIII).
Một thông tin vui là đã có 4/9 người tự ứng cử được cử tri lựa chọn (gấp đôi khóa trước). Điều đặc biệt là, đơn vị bầu cử số 10 của Hà Nội được bầu 2 người, thì cả 2 người tự ứng cử (đơn vị này có 1 ứng viên rút vào phút chót, nên chỉ có 3 ứng viên, bầu 2 đại biểu) được cử tri tín nhiệm bằng lá phiếu. Kết quả này không chỉ cho thấy sự tình nguyện tham gia lo việc nước của những người tự ứng cử, mà còn thể hiện sự bình đẳng trong quá trình bầu cử.
Bốn người tự ứng cử thành công là ông Hoàng Văn Cường (Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân); ông Nguyễn Anh Trí (Chủ tịch Hội Huyết học và Truyền máu Việt Nam); ông Trương Trọng Nghĩa (Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) và bà Khương Thị Mai (Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nhôm Namsung Việt Nam).
Ba trong bốn người trên là đại biểu của Quốc hội đương nhiệm, chỉ có doanh nhân Khương Thị Mai là gương mặt mới. Vị nữ doanh nhân sinh năm 1966 tự ứng cử và trúng cử tại Nam Định là một trong 14 doanh nhân được cử tri lựa chọn. Gần một nửa trong số họ đến từ khu vực tư nhân và 8 người lần đầu tham gia cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Như vậy, cũng đã có khoảng 50% số doanh nhân được giới thiệu ứng cử đã được cử tri lựa chọn làm đại biểu dân cử.
Dân bầu, nhưng không đủ tiêu chuẩn làm đại biểu
Được 425.941 cử tri tín nhiệm, đạt tỷ lệ 80,88% số phiếu hợp lệ tại đơn vị bầu cử số 1 của tỉnh Bình Dương, ông Trần Văn Nam cũng là người có số phiếu thuận cao nhất trong các ứng cử viên của tỉnh. Kết quả này cũng dễ hiểu, bởi ông Nam đang là Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương khóa XIV và từng tham gia Quốc hội 2 khóa (XI và XII).
Nhưng, ông Nam không có tên trong danh sách 499 đại biểu khóa tới.
“Cử tri cả nước đã bầu đủ 500 ĐBQH khóa XV. Tuy nhiên, quá trình xem xét xác nhận tư cách người trúng cử theo quy định của pháp luật, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã quyết định không xác nhận tư cách của người trúng cử ĐBQH khóa XV vì không bảo đảm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật đối với 1 trường hợp tại đơn vị bầu cử số 1 thuộc tỉnh Bình Dương”, đó là thông tin được Hội đồng Bầu cử quốc gia cung cấp cho báo chí.
Trước đó, trường hợp được Hội đồng Bầu cử quốc gia đề cập ở trên, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam thông tin với báo chí là đã gửi đơn “xin rút, không làm ĐBQH khóa XV vì lý do sức khoẻ”.
Tuy nhiên, theo khẳng định của Trưởng ban Công tác đại biểu (thuộc Ủy ban Thuờng vụ Quốc hội) Nguyễn Thị Thanh, Hội đồng Bầu cử quốc gia không nhận được đơn của ông Trần Văn Nam xin rút vì lý do sức khỏe. Và “nếu như có nhận đơn, thì đây cũng không phải là một trong những lý do để chúng tôi xem xét. Quá trình xem xét căn cứ vào kết luận của cơ quan có thẩm quyền và các quy định của pháp luật”, bà Thanh nêu quan điểm.
Với câu hỏi “ông Nam không đáp ứng tiêu chuẩn nào của ĐBQH”, thì chỉ khi báo chí hỏi đến lần thứ ba, bà Thanh mới công khai. Đó là, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương. Qua kiểm tra, bước đầu phát hiện ông Trần Văn Nam có một số vi phạm, khuyết điểm. Trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ khi còn là Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, ông Nam đã có những quyết định về quản lý nhà nước và quyết định quản lý đất đai gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
“Đối chiếu với các quy định của pháp luật, ông Trần Văn Nam vi phạm pháp luật của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Đây là những lý do cụ thể, rõ ràng để Hội đồng Bầu cử quốc gia xem xét và đối chiếu để không xác nhận tư cách ĐBQH đối với ông Trần Văn Nam”, bà Thanh trả lời báo chí.
Rõ ràng, đây không phải là niềm vui không trọn mà chính xác là nỗi buồn, ít nhất là với gần 426.000 cử tri đã “tạm ứng” niềm tin cho ông Trần Văn Nam.
Ngoài trường hợp nói trên, cuộc bầu cử lần này cũng ghi nhận điều đáng tiếc khác, khi có đến 2 đảng viên ở cùng một xã tại Hà Nội bị khai trừ Đảng vì vi phạm nghiêm trọng trong bầu cử. Điều đáng nói, một trong 2 vị đó lại là Phó bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử xã, nhưng đã mang 75 phiếu về nhà tự gạch tên người khác, để lại tên mình trong phiếu bầu cử và nhờ người bỏ phiếu hộ vào hòm phiếu.
Nhìn nhận hạn chế của cuộc bầu cử, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường không đề cập đến công tác nhân sự, mà chỉ nói đến một số hạn chế, liên quan đến việc rà soát danh sách cử tri, phát thẻ cử tri; ở một vài nơi, tỷ lệ người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND là phụ nữ, người dân tộc thiểu số chưa đạt so với quy định; cơ cấu đại biểu trúng cử có nơi chưa đạt, vẫn có nơi bầu chưa đủ số lượng đại biểu HĐND cấp xã; một số khu vực bầu cử còn để xảy ra nhầm lẫn trong việc đóng dấu phiếu bầu, sai sót về in phiếu bầu…
“Tuy nhiên, các sai sót, khiếm khuyết nói trên chỉ mang tính cá biệt, không phổ biến và phần lớn đều đã được các cơ quan, tổ chức phụ trách bầu cử khắc phục, xử lý kịp thời theo thẩm quyền”, ông Cường nhìn nhận.
Cả nước bầu được 3.721 đại biểu HĐND cấp tỉnh
Theo số liệu được Hội đồng Bầu cử quốc gia công bố, cuộc bầu cử ngày 23/5/2021, cả nước đã bầu được 3.721 đại biểu HĐND cấp tỉnh. Trong đó, đại biểu là phụ nữ: 1.079 người (tỷ lệ 29,00%); đại biểu là người dân tộc thiểu số: 610 người (tỷ lệ 16,39%); đại biểu trẻ dưới 40 tuổi: 510 người (tỷ lệ 13,71%); đại biểu tái cử: 1.566 người (tỷ lệ 42,09%); đại biểu là người ngoài Đảng: 206 người; tự ứng cử: 2 người.
Về trình độ chuyên môn của đại biểu HĐND cấp tỉnh: đại biểu có trình độ trên đại học đạt tỷ lệ 58,32%; đại biểu có trình độ đại học đạt tỷ lệ 39,69%; đại biểu có trình độ dưới đại học đạt tỷ lệ 1,99%.
Quốc hội có 4 đại biểu ngành kế hoạch và đầu tư
Trong danh sách 499 vị đại biểu Quốc hội khóa mới, có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và 3 người đang công tác trong ngành kế hoạch và đầu tư. Đó là: ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; ông Đinh Ngọc Minh, Phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Trần Tuấn Anh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM. Dự kiến, tới đây, ông Phan Đức Hiếu và ông Đinh Ngọc Minh sẽ trở thành đại biểu Quốc hội chuyên trách.