Chọn doanh nghiệp là chọn người lãnh đạo

Chọn doanh nghiệp là chọn người lãnh đạo

(ĐTCK) Câu chuyện về tầm quan trọng của người đứng đầu DN đang ngày càng phổ biến với những thương hiệu lớn ở Việt Nam.

Theo khảo sát của McKinsey & Company Việt Nam, các công ty đa ngành chiếm 80% doanh thu của 50 công ty hàng đầu Hàn Quốc, 90% ở Ấn Độ, 40% ở Trung Quốc và tại Việt Nam, trong 50 công ty hàng đầu đang niêm yết, chỉ có 26% kinh doanh đa ngành. Vấn đề đặt ra là, đầu tư đa ngành có phải là nguyên nhân chính khiến nhiều công ty làm ăn thất bát?

Nhìn vào trường hợp của Tập đoàn Mai Linh, từ một DN mạnh về cung cấp taxi, nhưng sau đó lại đầu tư quá nhiều vào các lĩnh vực không liên quan như giáo dục, bất động sản… khó kiểm soát hoạt động, dẫn đến lỗ lũy kế 123 tỷ đồng, nợ phải trả lên đến 1.395 tỷ đồng tính đến tháng 6/2013. Trái lại là sự lớn mạnh của Hãng taxi Vinasun khi tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, kết quả là lãi gần 167 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2013, tăng 64% so với cùng kỳ. Những DN tập trung vào hoạt động kinh doanh chính như VNM, BMP, FPT, DHG… đều đạt được doanh số đáng nể và thu hút được sự quan tâm lớn của các NĐT nước ngoài.

Tuy nhiên, nhìn ra thế giới, hầu hết tập đoàn lớn như Apple, Berkshire Hathaway, Vigin, Reliance… đều kinh doanh đa ngành.

Một điểm chung là động lực tạo nên thành công của các đơn vị này là có những người lãnh đạo xuất sắc, đến mức trở thành thương hiệu riêng của DN.

Câu chuyện về tầm quan trọng của người đứng đầu DN đang ngày càng phổ biến với những thương hiệu lớn ở Việt Nam.

Như vậy, bản chất vấn đề không phải nằm ở chỗ đơn ngành hay đa ngành, mà kết quả kinh doanh của DN phụ thuộc vào người lãnh đạo có năng lực phân tích kinh doanh tốt hay không, từ đó xác định được giá trị cốt lõi - thế mạnh trong so sánh tương quan với đối thủ.

Bản chất của việc đầu tư ra ngoài ngành nghề chính của nhiều DN Việt Nam trong những năm qua chỉ là chạy theo “mốt thời thượng” chứng khoán, địa ốc…, chứ không phải là hoạt động đa ngành theo nghĩa lấy cái cốt lõi làm nền tảng để phát triển các nhánh kinh doanh bổ trợ.

Giai đoạn đó đã qua và kể cả khi DN thức tỉnh, tìm cách quay về với lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, thì ngay cả sự quyết đoán, không khéo, hạn chế đến mức thấp nhất các khoản lỗ khi thoái vốn cũng chỉ có ở những người đứng đầu đủ nhạy bén và kiên định.

Trên thực tế, không phải không có rủi ro với những DN kinh doanh đơn ngành, nếu DN đó chỉ tập trung trong trạng thái ngủ quên, sức ỳ lớn, trong khi thị trường luôn biến động, công nghệ đổi mới liên tục. Do đó, nếu DN biết cách mở rộng kinh doanh một cách thông minh bằng cách tích hợp các lĩnh vực xoay xung quanh cái trục là thế mạnh cốt lõi, thì DN đó rất đáng là mục tiêu đầu tư.

Nói như ông Dominic Scriven, Giám đốc điều hành Dragon Capital tại cuộc hội thảo về giá trị cốt lõi trong DN mới đây là, khi đầu tư vào một DN, phải nhìn thấy được tính bền vững trong hoạt động kinh doanh của công ty. Sự bền vững không có nghĩa là giữ nguyên định hướng đơn ngành một cách cứng nhắc, mà là đa dạng hóa kinh doanh một cách có thể dự báo được và trong tầm kiểm soát.