Các gói cứu trợ nhằm giúp doanh nghiệp tái cơ cấu, phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Các gói cứu trợ nhằm giúp doanh nghiệp tái cơ cấu, phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Chọn doanh nghiệp để cứu trước

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Gặp khó khăn vì dịch bệnh Covid-19, doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề đang rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, song việc chọn doanh nghiệp nào để “cấp cứu” trước là điều đáng cân nhắc.

Bức tranh không toàn màu xám

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2021, cả nước có 85.500 doanh nghiệp thành lập mới và hơn 90.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đây là lần đầu tiên số doanh nghiệp rời khỏi thị trường nhiều hơn số thành lập mới.

Tuy vậy, bức tranh kinh tế của doanh nghiệp trong đại dịch không phải toàn màu xám. Trong khi các nhóm ngành hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, vận tải hành khách kiệt quệ, thì thương mại điện tử, logistic, nông sản xuất khẩu, thiết bị y tế lại hưởng lợi.

Tại buổi tọa đàm “Tìm và giữ khách hàng sau dịch Covid-19” diễn ra mới đây, ông Trần Ngọc Thái Sơn, nhà sáng lập Sàn thương mại điện tử Tiki chia sẻ, doanh số của Tiki tăng trưởng trong bối cảnh dịch bệnh nhờ mở rộng mảng thực phẩm tươi sống và đầu tư mạnh vào dịch vụ số.

Trong lĩnh vực dược, Công ty cổ phần Traphaco đạt 568 tỷ đồng doanh thu và 296,2 tỷ đồng lợi nhuận gộp trong quý III/2021, tăng lần lượt 23,8% và 18,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Ở mảng nông nghiệp, tập đoàn CP, Lộc Trời, Dabaco… đều có kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh. Đặc biệt, trước khi giá thịt lợn giảm, 6 tháng đầu năm 2021, Dabaco đạt doanh thu 1.028 tỷ đồng, tăng 21%, lợi nhuận sau thuế 124 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2020, tên tuổi doanh nghiệp chăn nuôi phía Bắc này đạt mức tăng 39% về doanh thu và 4,6 lần lợi nhuận sau thuế so với năm 2019.

Báo cáo “Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới thực hiện năm 2020 cho thấy, đại dịch Covid-19 nhìn chung có tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp tại Việt Nam, với 87,2% doanh nghiệp được khảo sát chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn”, hoặc “hoàn toàn tiêu cực”. Tuy vậy, có 11% doanh nghiệp “không bị ảnh hưởng gì” và gần 2% ghi nhận tác động “hoàn toàn tích cực”, hoặc “phần lớn tích cực”.

Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam, đa phần nhóm doanh nghiệp chế biến của Câu lạc bộ đạt mức tăng trưởng hai con số.

“Do thời tiết tốt, sản lượng tăng, nông nghiệp năm 2020 tăng trưởng gần gấp đôi, năm nay giảm chút ít nên bà con vẫn có lời. Trước dịch bệnh, có thời điểm giá gạo chúng tôi mua buôn 8.000 - 9.000 đồng/kg, trong dịch bệnh tăng lên 12.000 - 13.000 đồng/kg. Nông nghiệp tốt kéo theo nhóm phân phối nông sản và chế biến nông sản xuất khẩu tăng trưởng theo”, bà Hương nói.

Phân loại đối tượng cần tập trung hỗ trợ

Trong gần hai năm qua, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp chịu tác động bởi đại dịch.

Các chính sách được đánh giá là mang lại hiệu quả tích cực, tiếp sức đáng kể cho cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng nặng nề và dịch tiếp tục có diễn biến phức tạp, doanh nghiệp vẫn cần “hà hơi thổi ngạt”.

Vấn đề đặt ra là để sự hỗ trợ có tính lan tỏa cao, tác động đúng và trúng tới nhóm đối tượng phù hợp thì cần tính toán chọn ra một số doanh nghiệp để “cấp cứu” trước.

5 tiêu chí chọn doanh nghiệp để ưu tiên hỗ trợ là có thị trường tiêu thụ, có năng lực sản xuất (gồm nhân công, thiết bị, dây chuyền, máy móc, kinh nghiệm), thuộc ngành công nghiệp - dịch vụ lõi, có khả năng trả nợ và bảo vệ môi trường.

TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ

Thực tế triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua cũng đã bộc lộ một số bất cập, có những người cần hỗ trợ thì không tiếp cận được, trong khi người tiếp cận được lại không thuộc nhóm đối tượng cần hỗ trợ.

Vì lý do này, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký VCCI, Trưởng ban thư ký Hội đồng Hợp tác doanh nghiệp ứng phó Covid-19 cho rằng, chọn doanh nghiệp để ưu tiên hỗ trợ nên dựa trên tiêu chí ngành. Ví dụ, ngành nào chịu ảnh hưởng nặng nề nhất (như du lịch, khách sạn, hàng không…) thì “cấp cứu” trước, sau đó mở rộng dần nhóm đối tượng.

Mặc dù vậy, ông Vinh nêu lên một bất cập là hiện nay có nhiều đánh giá khác nhau về sự thiệt hại của doanh nghiệp theo ngành mà chưa có đánh giá ngành nào thiệt hại hơn ngành nào. Do đó, việc hỗ trợ theo tiêu chí ngành nào thiệt hại nhiều hơn thì ưu tiên hỗ trợ không dễ thực hiện.

Đây cũng là quan điểm của bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. Theo bà Thảo, về mặt công bằng xã hội thì mọi doanh nghiệp đều được bình đẳng trong tiếp cận sự hỗ trợ của Chính phủ. Tuy nhiên, trong khi ngân sách hạn hẹp, chính sách hỗ trợ chưa thể bao phủ tới toàn bộ doanh nghiệp thì việc hỗ trợ theo lộ trình sẽ có ý nghĩa tích cực.

Trước mắt, Nhà nước nên lựa chọn những doanh nghiệp chịu tác động lớn để tập trung hỗ trợ như du lịch, vận tải, nhà hàng khách sạn… Hỗ trợ trực tiếp bằng tiền chỉ có ý nghĩa trước mắt, còn về lâu dài, Quốc hội, Chính phủ cần đẩy mạnh các gói tài khóa và tín dụng.

“Nghị quyết 406 của Quốc hội ngày 19/10/2021 giảm mạnh thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và một số loại thuế khác được đánh giá là khá tích cực, mạnh tay. Song chính sách này chưa phân biệt được nhóm ngành chịu tác động nhiều hơn để hỗ trợ nhiều hơn, vì thuế là nộp về ngân sách nhà nước và áp dụng chung cho mọi đối tượng doanh nghiệp”, bà Thảo nêu quan điểm.

Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bất động sản Đông Á, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa băn khoăn: “Trong bối cảnh sản xuất - kinh doanh còn chưa gượng dậy được, nhiều công nhân chưa thể quay trở lại nhà máy, nhiều gia đình còn phải cắt giảm chi tiêu… mà lại ưu tiên cứu du lịch, khách sạn thì có hợp lý hay không?”.

Ông Đoan đề xuất, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trước, nhất là có quy mô lớn về cả dây chuyền công nghệ lẫn nhân sự, những doanh nghiệp “lõi” trong hệ sinh thái nhiều doanh nghiệp liên quan.

“Cứu sản xuất cũng chính là cách gián tiếp để cứu du lịch, khách sạn. Bởi vì chỉ khi nào sản xuất được phục hồi, lao động trở lại làm việc, thu nhập được cải thiện thì mới phát sinh thêm nhu cầu tiêu dùng và đi du lịch”, ông Đoan nói.

Ông Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh, một số ý kiến cho rằng, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, nhóm này có sức chống chịu kém hơn nên cần được ưu tiên hỗ trợ.

Nhưng thực tế, nhóm doanh nghiệp nhỏ có sự linh hoạt về vốn, dễ thay đổi ngành nghề kinh doanh để thích nghi với khó khăn, còn doanh nghiệp lớn đã đầu tư dây chuyền công nghệ thiết bị, đằng sau đó là đông đảo lực lượng lao động cũng như giá trị đóng góp cho xã hội, nếu họ kiệt quệ thì xã hội bị tác động nhiều hơn.

Bên cạnh đó, ưu tiên cứu doanh nghiệp đang khó khăn nhưng phải có khả năng hấp thu sự hỗ trợ. Nói như ông Cao Tiến Đoan, cung cấp ôxy phải chọn cung cấp cho người vẫn còn khả năng thở. Đây là câu chuyện đánh giá khả năng phục hồi của doanh nghiệp sau khi được hỗ trợ mà các gói kích thích cần tính toán đến.

Về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu quan điểm, cần ưu tiên cấp cứu nhóm doanh nghiệp chịu tác động nhiều bởi dịch bệnh, nhưng phải có khả năng hấp thu gói cứu trợ để tái cơ cấu doanh nghiệp, phục hồi sản xuất - kinh doanh, chứ không phải dùng tiền hỗ trợ để trang trải nợ nần rồi đóng cửa và rút lui khỏi thị trường.

Tin bài liên quan