Chọn danh mục đầu tư nào cho tháng 5

Chọn danh mục đầu tư nào cho tháng 5

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán 4 tháng đầu năm nay biến động khá “lình xình” khi chỉ số VN-Index chủ yếu vẫn duy trì đi ngang và giữ vững nền giá từ đầu năm. Dù thị trường không tăng trưởng nhưng vẫn có những đợt sóng ngắn và dòng tiền thì luôn thông minh để tìm cơ hội.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS

“Tháng 5, thay vì “Sell in May” thì nhà đầu tư lại nên Buy in May”

Hiệu ứng tháng 5 vốn là 1 hiện tượng "bất thường" trên TTCK giải thích hành vi, tâm lý giao dịch của NĐT trong tháng với đặc điểm chính kém sôi động, nhà đầu tư "thờ ơ" với diễn biến TT chung - nhưng đây chính lại là thời điểm phù hợp để chọn lọc để mua vào cổ phiếu.

Theo thống kê hàng năm, tháng 5 lại có diễn biến khởi sắc đi kèm việc phân hóa 1 số nhóm cổ phiếu được giao dịch tích cực, thậm chí tăng điểm tốt hơn so với TT chung. Hiệu ứng tháng 5 cũng chưa bao giờ được coi là hiện tượng "mạnh" đặc biệt là với TTCK Việt Nam nên năm nay có lẽ thay vì “Sell in May” thì nhà đầu tư lại nên “Buy in May”.

Ông Lê Đức Khánh
Ông Lê Đức Khánh

Hàng loạt các giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp như Thông tư số 03/2023/TT-NHNN cho phép Ngân hàng mua lại trái phiếu, không xếp hạng nợ xấu, trước đó là Nghị định 08, nghị quyết 33… của Chính Phủ được xem là những thông tin tích cực hỗ trợ thị trường. Các động thái cụ thể, nghị định thông tư từ hỗ trợ các DN gặp khó khăn, điều chỉnh hành lang pháp lý, trấn an tâm lý nhà đầu tư rồi định hướng ổn định thị trường cũng là bước đầu khai thông các điểm nghẽn dòng vốn...

Nếu để “chọn danh mục” cho tháng 5, có lẽ nhóm tài chính - chứng khoán, nhóm bất động sản hay bất động sản khu công nghiệp, nhóm dệt may, nhóm tiện ích - điện - năng lượng tái tạo kể cả nhóm dầu khí, năng lượng... là nhóm cổ phiếu đáng lưu ý.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc phân tích, CTCK Quốc tế Việt Nam (VISE)

“Nhóm chứng khoán là nhóm ngành đáng quan tâm vì sẽ tăng trưởng sớm hơn theo nhịp sóng mới của thị trường

Kết quả kinh doanh quý I vừa công bố đã phản ánh khá chuẩn xác những những diễn biến thị trường khi có đến gần 1/2 số doanh nghiệp sụt giảm lợi nhuận so với cùng kỳ trong đó hơn 1/5 số doanh nghiệp ghi nhận lỗ. Tuy nhiên, sau khi những gì khó khăn nhất được phơi bày thì nhà đầu tư lại có cơ sở kỳ vọng hoạt động doanh nghiệp sẽ hồi phục dần trong những quý sau của năm. Thị trường đi ngang từ đầu năm và gần như chưa có đợt sóng tăng nào đáng kể vì vậy việc “sell in may” trong năm nay là khó có khả năng diễn ra và thậm chí tháng 5 có nhiều cơ hội đón nhận một đợt sóng hồi.

Những chính sách mới ban hành có tác động đến nhiều ngành quan trọng mà liên quan gần nhất là ngân hàng và bất động sản. Với thông tư 02 thì doanh nghiệp đi vay sẽ có thêm thời gian chờ kinh tế hồi phục để cơ cấu lại các khoản nợ. Ngân hàng cũng đỡ áp lực trong việc xử lý các khoản nợ đến hạn và có thể lùi các khoản nợ xấu sang các quý sau. Tỷ lệ nợ xấu năm 2023 có thể sẽ không tăng cao như ước tính ban đầu do những doanh nghiệp khó khăn sẽ được ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ và kéo dài thời gian trả nợ.

Nhóm doanh nghiệp bất động sản cũng được gỡ một phần nút thắt liên quan đến những dự án chưa đầy đủ pháp lý. Ngoài ra, khi các tổ chức tín dụng được lại mua trái phiếu thì tính thanh khoản của hệ thống sẽ tăng lên, giúp thị trường trái phiếu đỡ căng thẳng như hiện tại và cũng mang lại niềm tin với nhà đầu tư về trái phiếu.

Các thông tư vừa ban hành vừa qua có thể giải tỏa một phần các điểm nghẽn dòng vốn trước mắt giúp nhiều doanh nghiệp đặc biệt là nhóm bất động sản có nhiều công cụ để cơ cấu lại hoạt động. Về lâu dài để lành mạnh dòng vốn doanh nghiệp và thị trường trái phiếu cần có những quy định chặt chẽ hơn và siết chặt hơn các quy định về phát hành trái phiếu để giúp nhà đầu tư có niềm tin hơn với thị trường TPDN.

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Thông thường, sau một khoảng chu kỳ khó khăn kéo dài thì những gì xấu nhất lại được kỳ vọng nhiều nhất. Những nhóm ngành bị trở ngại suốt thời gian qua nhưng ngân hàng, bất động sản dù chưa thật sự giải quyết hết những tồn đọng trước mắt nhưng cũng đã xuất hiện những giải pháp cứu cánh tạm thời và giúp khơi thông dòng vốn trung và dài hạn. Những cổ phiếu thuộc nhóm này sẽ được giới đầu tư quan tâm nhiều hơn do đã có thời gian bị kìm nén quá lâu.

Năm nay, bài toán tăng vốn đang trở lại với nhiều ngân hàng có thể tạo sự chú ý mới với nhà đầu tư. Ngoài ra, thông tư mới đây về việc giãn nợ có thể giúp ngân hàng giảm bớt áp lực trong việc xử lý nợ xấu và có nhiều công cụ hơn để tháo gỡ các điểm nghẽn dòng vốn doanh nghiệp.

Ngoài ra, khi hoạt động kinh tế đang được đẩy mạnh từ quý 2 đặc biệt là hoạt động đầu tư công thì một số nhóm ngành khác đang có tín hiệu phục hồi dần trở lại như xây dựng, nguyên vật liệu, thép, khu công nghiệp cũng đáng quan tâm. Khi thị trường dần hồi phục thì nhóm chứng khoán cũng là nhóm ngành đáng quan tâm vì sẽ tăng trưởng sớm hơn theo nhịp sóng mới của thị trường.

Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc phân tích, CTCK VNDIRECT

“NĐT nên bám sát vào nhóm DN có câu chuyện tăng trưởng tích cực trong năm 2023 như ngành hàng không, cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu vật liệu xây dựng…”

Tôi lạc quan hơn về triển vọng của TTCK Việt Nam trong tháng 5. Trên thế giới, lạm phát Mỹ hạ nhiệt khá rõ nét, vì vậy thị trường hiện kỳ vọng FED sẽ dừng tăng lãi suất sau cuộc họp tháng 5 tới và cắt giảm lãi suất sớm nhất là vào nửa cuối năm 2023 do gia tăng nguy cơ nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.

Ở bối cảnh trong nước, tôi rằng hàng loạt các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn của thị trường bất động sản, thị trường TPDN, cũng như các chính sách thúc đẩy tăng trưởng sẽ đồng thời thẩm thấu đến TTCK trong tháng 5.

Bên cạnh đó, lãi suất đang hạ nhiệt, giúp cho TTCK dần trở thành một kênh đầu tư có hiệu quả sinh lời hấp dẫn hơn. Bức tranh kết quả kinh doanh kém hiệu quả trong quý I/2023 đã phản ánh hầu hết vào diễn biến giá cổ phiếu trong thời gian gần đây. Vì vậy, tôi cho rằng đây là thời điểm thích hợp để bắt đầu tích lũy cổ phiếu.

Tôi cho rằng một loạt chính sách được ban hành thời gian gần đây sẽ giúp cải thiện triển vọng ngành ngân hàng. Cụ thể NĐ 08/2023/NĐ-CP về TPDN và sắp tới là Thông tư 16 sửa đổi sẽ giải quyết điểm nghẽn của TPDN, giải tỏa nguy cơ gia tăng nợ xấu. Thông tư 02/2023 vừa mới được NHNN ban hành giúp giảm áp lực trích lập dự phòng khi nợ tái cơ cấu được phân bổ trong 2 năm 2023 và 2024. Thông tư 03/2023 cho phép ngân hàng được mua lại ngay TPDN sẽ giúp cải thiện triển vọng tăng trưởng tín dụng trong năm 2023 khi đầu ra tín dụng đang gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng là một trong số ít ngành duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận dương trong quý I/2023 cũng như cả năm 2023 và định giá đang ở mức hấp dẫn so với lịch sử.

Bà Trần Khánh Hiền

Bà Trần Khánh Hiền

Theo ước tính của VNDS Research, chúng tôi dự báo lợi nhuận thị trường sẽ giảm khoảng 14% trong nửa đầu năm 2023, tích cực hơn trong nửa sau, đưa mức tăng trưởng cả năm lên khoảng 12-14%.

Vì vậy, đây là thời điểm đi tìm những câu chuyện tăng trưởng. Trong bức tranh lợi nhuận tương đối ảm đạm của thị trường chung, vẫn có những doanh nghiệp có câu chuyện tăng trưởng tích cực trong năm 2023, chẳng hạn như nhóm cổ phiếu ngành hàng không, cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu vật liệu xây dựng. Đây là nhóm doanh nghiệp nhà đầu tư nên bám sát và đưa vào danh sách theo dõi trong giai đoạn hiện nay.

Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc tư vấn đầu tư của Maybank Investment

“Tháng 5 cũng là tháng mà các NĐT trung hạn trở lên cũng có thể tích lũy dần các CP giá trị của những DN nền tảng

Sell In May cũng không có quá nổi bật trên TTCK trong nước nhiều năm nay, do đó điều này ảnh hưởng không nhiều mà chủ yếu có ảnh hưởng là các thông tin kinh tế, tài chính trong và ngoài nước. Dự báo trong tháng 5 TTCK vẫn biến động trong biên độ 1.020-1.100. Tuy nhiên, việc giá có thể phá vỡ biên độ này sẽ quyết định xu hướng tiếp theo của thị trường trong những tháng tới.

Tuy nhiên, dù là hướng nào thì xu hướng trung dài hạn của TTCK nhiều khả năng tích cực dần lên khi mà các thông tin tiêu cực giảm đi hoặc đã phản ánh vào thị trường trước đó, tin tốt xuất hiện nhiều hơn và các nhóm nhà đầu tư như nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức... giao dịch dù chưa thể bằng 2021 nhưng tích cực hơn so với 2022.

Hàng loạt những chính sách vừa được ban hành trong tháng 4 là thông tin tích cực cho nền kinh tế cũng như thị trường tài chính, tuy nhiên những thông tin này tích cực về mặt dài hạn nhiều hơn, nghĩa là phải có độ trễ nhất định.

Nền kinh tế và thị trường chứng khoán cần có thời gian để hấp thụ và thay đổi theo hướng tốt dần lên. Những giải pháp này cũng góp phần cải thiện dòng vốn nhưng vẫn phải cần thời gian nhất định về lâu dài và các dòng vốn đặc biệt những dòng vốn lớn, dài hạn cũng cần thời gian dài hơn để đổ vào thị trường.

Nếu sắp tới mặt bằng lãi suất trong nước tiếp tục hạ, đẩy mạnh đầu tư công, đồng thời hướng các chính sách, dòng vốn đến các lĩnh vực ưu tiên, cơ sở hạ tầng cũng như chú trọng chất lượng, kiểm soát dòng vốn vào đúng nơi đúng chỗ sẽ giúp cải thiện. Bên cạnh đó, nếu chính sách tiền tệ thắt chặt trên thế giới như tại Mỹ và châu Âu nới lỏng hoặc giảm dần sẽ thu hút thêm dòng vốn.

Ông Phan Dũng Khánh

Ông Phan Dũng Khánh

Nếu chỉ là đầu tư ngắn hạn trong tháng thì những cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, thị giá thấp ở các ngành sẽ dễ lướt sóng hơn. Tuy nhiên, tháng 5 cũng là tháng mà các nhà đầu tư trung hạn trở lên cũng có thể tích lũy dần các cổ phiếu giá trị của những doanh nghiệp nền tảng, định giá thấp hoặc bị ảnh hưởng xấu bởi xu hướng của thị trường thời gian qua khiến giá rẻ hơn nhiều thì đây sẽ là các nhóm tích lũy tốt cho các nhà đầu tư giá trị về lâu dài.

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

“Tôi đặt niềm tin về những ngành nghề được kỳ vọng có đà tăng trưởng tốt trong năm nay như ngành Dịch vụ hàng không, Y tế, Xuất khẩu gạo, Mía đường, Công nghệ thông tin, Ngân hàng”.

Trước bối cảnh kinh tế toàn cầu cũng như trong nước còn nhiều khó khăn và thách thức như hiện nay thì có thể nói rằng diễn biến của thị trường chứng khoán trong 4 tháng đầu năm là phù hợp và không phải bất ngờ. Chúng ta cũng từng dự báo rằng, 2 quý đầu năm sẽ còn nhiều gian nan đối với thị trường chứng khoán. Trong tháng 5 tới, nhiều khả năng chỉ số cũng chưa có nhiều cải thiện, đặc biệt trong bối cảnh dòng tiền vào thị trường chứng khoán còn yếu. Tôi cho rằng, trạng thái giằng co đan xen các phiên tăng giảm với nền tảng thanh khoản thấp vẫn sẽ là chủ đạo.

Ở thời điểm hiện tại, lãi suất đã có phần hạ nhiệt, nhưng trên thực tế cả lãi suất huy động và lãi vay không giảm được nhiều như truyền thông đưa tin thời gian qua và vẫn còn đang ở mặt bằng cao. Chính vì vậy, các chính sách được ban hành thời gian gần đây theo quan điểm của tôi mới chỉ mang tính chất hỗ trợ phần nào cho những ngành đang được coi là khó khăn và mất tính thanh khoản như Bất động sản. Còn thực tế, ngành Bất động sản vẫn đang trong thời kỳ rất khó khăn, đặc biệt trong vấn đề huy động vốn và đáo hạn các khoản nợ.

Ông Dương Hoàng Linh

Ông Dương Hoàng Linh

Điểm tắc nghẽn chính là ở việc cân đối hài hòa lợi ích giữa các chủ thể chịu tác động trực tiếp trong các hoạt động “giải cứu”. Ví dụ: ai sẽ phải chịu rủi ro khi cơ cấu, giãn nợ cho các DN Bất động sản đang khó khăn? Tôi nghĩ bước đi tiếp theo chính là việc tạo hành lang để các DN cố gắng “tự giải cứu chính mình”.

Về việc lựa chọn cổ phiếu cho tháng 5, nhìn vào kết quả kinh doanh quý I vừa công bố cũng như dự báo tiềm năng, thì tôi đặt niềm tin về những ngành nghề được kỳ vọng có đà tăng trưởng tốt trong năm nay như ngành Dịch vụ hàng không, Y tế, Xuất khẩu gạo, Mía đường, Công nghệ thông tin, Ngân hàng. Nhà đầu tư nếu muốn lựa chọn danh mục cho chiến lược trung và dài hạn có thể cân nhắc các doanh nghiệp thuộc những ngành này.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng đầu tư, CTCP Bảo hiểm Sài Gòn Hà Nội

“Những DN có ưu thế mạnh giai đoạn này là điểm nhấn để quan tâm và chờ cơ hội với mức giá hấp dẫn

TTCK đang không phản ánh đúng bản chất. Khi nền kinh tế kém khả quan và gặp nhiều vấn đề cùng với kết quả kinh doanh của DN đang sụt giảm mạnh nhưng giá cổ phiếu tăng trong cả giai đoạn tháng 4 vừa qua. Tất nhiên, lý lẽ của TTCK có những câu chuyện khác để tăng, tôi chỉ nhấn mạnh là nó không phản ánh đúng bản chất. Thế nên việc TTCK tăng kiểu này sẽ là không bền vững và tất nhiên mã nào tăng càng mạnh thì rủi ro càng cao. Khi cuộc vui đến hồi thoái trào thì giá cổ phiếu sẽ giảm. Tất nhiên mức giảm sẽ không quá đột ngột mà nó sẽ phân hóa. Tôi đang quan sát mốc 1.000 điểm và nếu như Mỹ tiếp tục tăng lãi suất, thêm một vài Ngân hàng có vấn đề thì TTCK sẽ chuyển động không nhiều tích cực.

Ông Nguyễn Hữu Bình

Ông Nguyễn Hữu Bình

Thị trường đang kỳ vọng vào các chính sách mới được ban hành, nhưng tôi nghĩ cũng chỉ là một phần của giải pháp mà thôi và bản thân nó không giải quyết được bài toán đang đặt ra.

Phân tích một cách cụ thể thì chúng ta sẽ thấy rõ vấn đề thế này: có nhiều DN phát hành TPDN giai đoạn hiện nay không trả được nợ, điều đó cho thấy thực tế là họ không có tiền. Kinh tế đang khó khăn như hiện tại thì làm sao để có tiền bây giờ mới là vấn đề. Điểm khác biệt so với nhiều năm trước tôi nhấn mạnh thêm lần nữa là Kinh tế Việt Nam khó khăn bởi thế giới cũng đang rất khó. Thế nên những biện pháp trong nước sẽ không giải quyết được tận gốc vấn đề. Giả như một kịch bản xấu xảy ra là kinh tế thế giới tiếp tục đình trệ đến hết quý III thì cá nhân tôi tin rằng nhiều vấn đề khác sẽ bộc lộ.

Nếu chỉ chọn cho tháng 5 tôi chưa nhìn thấy cơ hội nào. Còn nếu để tìm ra danh mục thực tế tôi đang quan sát riêng lẻ với từng DN cụ thể, cá nhân tôi không lựa chọn theo ngành bởi bây giờ ngành nào cũng khó. Nhưng điểm cốt lõi nhất giai đoạn này là DN đó sẽ phát triển ra sao trong 1-2 năm tới. Những DN có ưu thế mạnh giai đoạn này là điểm nhấn để quan tâm và chờ cơ hội với mức giá hấp dẫn.

Tin bài liên quan