Chọn CTCK làm điểm thúc đẩy báo cáo phát triển bền vững

Chọn CTCK làm điểm thúc đẩy báo cáo phát triển bền vững

(ĐTCK) “Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đang triển khai nhiều biện pháp thiết thực, để thúc đẩy DN quan tâm nhiều hơn đến lập báo cáo phát triển bền vững (PTBV) theo chuẩn mực quốc tế…”, ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, UBCK trao đổi với ĐTCK.

Nhìn lại mùa BCTN và báo cáo PTBV năm 2013, ông có nhận xét gì?

Xét về số lượng, các DN lập báo cáo PTBV tăng không đáng kể so với năm 2012. Tuy nhiên, một tín hiệu đáng mừng là chất lượng báo cáo PTBV năm 2013 đã cải thiện đáng kể so với năm trước. Thực tế này đang đòi hỏi cơ quan quản lý tiếp tục các nỗ lực nhằm nâng cao nhận thức của DN về tầm quan trọng của báo cáo PTBV đối với thị trường và NĐT, đồng thời thúc đẩy các chương trình xây dựng năng lực để gia tăng số lượng, cũng như chất lượng báo cáo PTBV trong những năm tới.

Sự cải thiện về chất lượng báo cáo PTBV năm 2013 như ông vừa nêu, thể hiện ở điểm nào?

Đó là lần đầu tiên Tập đoàn Bảo Việt (BVH) tại thời điểm lập báo cáo PTBV 2013 đã tham khảo phiên bản mới nhất về các chuẩn mực lập báo cáo PTBV của Tổ chức sáng kiến toàn cầu về phát triển bền vững (Global Reporting Initiative - GRI). Điểm đáng chú ý trong chuẩn mực lập báo cáo PTBV của GRI được BVH sử dụng để lập báo cáo PTBV năm 2013 là không chỉ đề cập đến những kế hoạch sản xuất - kinh doanh, các hoạt động vì cộng đồng… đã được triển khai và mang lại hiệu ứng phát triển bền vững, mà còn phân tích những nỗ lực tiếp theo của DN để thỏa mãn hoàn toàn các tiêu chí về phát triển bền vững do chính BVH đặt ra. Việc thực hiện báo cáo với tiêu chí về PTBV theo hướng mở này giúp DN gửi đi thông điệp tới cộng đồng NĐT, nhất là NĐT nước ngoài rằng, tư duy về PTBV của ban lãnh đạo DN đã có bước tiến dài, nhằm mang lại những giá trị gia tăng bền vững cho cả DN lẫn cổ đông. Áp dụng chuẩn mực về lập báo cáo PTBV được thế giới công nhận ngay từ đầu, giúp DN có cơ hội nhận được những giải thưởng cao nhất về báo cáo PTBV không chỉ trong mà cả ngoài nước.

Để đạt mục tiêu gia tăng cả về lượng và chất cho báo cáo PTBV như ông vừa nêu, UBCK đã và đang làm gì?

Đây là năm thứ 2 Sở GDCK TP. HCM (HOSE), Báo Đầu tư Chứng khoán và Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital phối hợp tổ chức cuộc bình chọn, trao giải báo cáo PTBV cho các DN niêm yết tiêu biểu trên HOSE và Sở GDCK Hà Nội. Để thúc đẩy mối quan tâm của DN tới lập báo cáo PTBV trong giai đoạn ban đầu hiện tại, sự vào cuộc của cơ quan quản lý là nhằm khuyến khích, hỗ trợ các DN. Tuy nhiên, về dài hạn, đây là việc thường niên của các DN nếu muốn nâng cao tính minh bạch, thân thiện trong cái nhìn của cổ đông trong và ngoài nước.

Với cách nhìn như vậy, do hiện tại, việc lập báo cáo PTBV còn khá mới với nhiều DN, nên ngoài nỗ lực thường xuyên khuyến khích các DN quan tâm nhiều hơn đến lập báo cáo PTBV, UBCK luôn nỗ lực phối hợp với các bên liên quan triển khai nhiều giải pháp thiết thực. Trong khuôn khổ này, UBCK phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và hai Sở GDCK tổ chức các khóa đào tạo về báo cáo PTBV cho một số ngành cụ thể, như khai thác và kinh doanh dầu khí, hóa chất, phát triển hạ tầng và bất động sản, các ngành sản xuất hàng tiêu dùng… Gần đây nhất, Công ty Pricewaterhouse Coopers Việt Nam (PwC) vừa tổ chức một khóa đào tạo cho 5 DN gồm các DN niêm yết, CTCK. Mục tiêu của chương trình hợp tác này là “cầm tay chỉ việc” giúp 5 DN này có báo cáo PTBV đầu tay ngay trong năm 2014. Đây là nỗ lực cụ thể, nhằm mục tiêu trước mắt là tăng số lượng các DN lập báo cáo PTBV.

Việc đưa CTCK vào danh sách 5 DN được PwC hỗ trợ đào tạo, lập báo cáo PTBV năm 2014, có gây khó cho họ không, bởi lĩnh vực dịch vụ chứng khoán rất ít liên quan trực tiếp đến các yếu tố PTBV như các DN sản xuất, chế biến?

Đúng là lĩnh vực dịch vụ chứng khoán nói riêng, dịch vụ tài chính nói chung ít liên quan trực tiếp đến các yếu tố PTBV khi so sánh với DN hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến. Tuy nhiên, theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, bất kể lĩnh vực nào cũng có những tiêu chuẩn rõ ràng về PTBV. Thực tế lại cho thấy, ngành tài chính đang tiên phong trong việc báo cáo các vấn đề PTBV.

Việc lần đầu tiên chọn CTCK làm đối tượng đào tạo gắn liền với “cầm tay chỉ việc” lập báo cáo PTBV sẽ mang lại lợi ích kép. Thứ nhất, thúc đẩy khối CTCK quan tâm nhiều hơn đến PTBV. Thứ hai, với tư cách là đơn vị trung gian tài chính và tư vấn, khi PTBV ngấm sâu vào CTCK, thì sẽ tạo hiệu ứng tích cực cho nhân rộng số lượng, cũng như gia tăng chất lượng cho báo cáo PTBV của nhiều DN trên TTCK. Lý do là bởi, trong quá trình cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho các DN niêm yết thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, CTCK sẽ hướng khách hàng của mình quan tâm nhiều hơn tới PTBV. Cách làm mới này sẽ tạo hiệu ứng tích cực, bền vững, nhằm nhân rộng số lượng DN quan tâm đến lập báo cáo PTBV trong những năm tới.

Tin bài liên quan