Ảnh Shutterstock.

Ảnh Shutterstock.

Chọn cổ phiếu theo kỳ vọng cổ tức

(ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp đã và đang thông báo ngày chốt quyền nhận cổ tức. Một số doanh nghiệp trả cổ tức ở mức cao và giá cổ phiếu có diễn biến tăng.

Lợi nhuận giảm vẫn chia cổ tức cao

Thu xếp một khoản tiền mặt để trả cổ tức hàng năm không phải là điều dễ dàng, ngoại trừ các doanh nghiệp có nền tảng tài chính mạnh.

Thực tế, một số doanh nghiệp chia cổ tức ở mức cao, ngay cả khi kết quả kinh doanh suy giảm.

Ngày 18/12 tới, Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (DPR) sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện chi tạm ứng cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt, tỷ lệ 50%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 5.000 đồng. Thời gian thanh toán là ngày 30/3/2020.

Như vậy, với hơn 40 triệu cổ phiếu lưu hành, DPR sẽ chi tạm ứng cổ tức đợt này hơn 200 tỷ đồng.

Đây là đợt chi trả cổ tức có tỷ lệ cao nhất của Công ty kể từ ngày chào sàn chứng khoán cuối năm 2007 đến nay.

Về kết quả kinh doanh, trong 9 tháng đầu năm 2019, DPR đạt 624,13 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 1,8%, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 33,3% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 117,53 tỷ đồng, tương đương lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) là 2.697 đồng.

Trước đó, Công ty đã chi trả cổ tức trong năm 2018 với tỷ lệ 50% bằng tiền mặt thông qua hai lần chia, đợt 1 vào tháng 2 với tỷ lệ 40% và đợt 2 vào tháng 10 với tỷ lệ 10%.

Trên sàn chứng khoán, trong vòng 1 tháng gần đây, giá cổ phiếu DPR có diễn biến tăng từ 37.000 đồng/cổ phiếu lên 44.000 đồng/cổ phiếu.

Tại Công ty cổ phần Thủy điện - Điện lực 3 (DRL), sau khoảng 2 tháng chi trả cổ tức đợt 2/2019, Công ty thông báo chốt danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức đợt 3/2019.

Theo đó, ngày 23/12 sẽ là ngày đăng ký cuối cùng nhận cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 20%, tương ứng 1 cổ phiếu được nhận 2.000 đồng. Thời gian thanh toán cổ tức dự kiến từ ngày 9/1/2020.

Trước đó, DRL đã thực hiện 2 đợt tạm ứng cổ tức tiền mặt gồm đợt 1 vào tháng 5/2019 với mức chia 6,02% và đợt 2 với mức chia 20% vào ngày 15/10/2019.

Như vậy, tổng mức chia cổ tức của DRL qua 3 đợt là 46,02%, tương ứng tổng số tiền chi trả gần 44 tỷ đồng cho hơn 9 triệu cổ phiếu đang lưu hành.

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2019, DRL ghi nhận doanh thu 60,46 tỷ đồng, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 65% mục tiêu cả năm; lợi nhuận sau thuế đạt 37,65 tỷ đồng, giảm 7,58% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 70% kế hoạch cả năm; EPS đạt 3.730 đồng.

Thanh khoản cổ phiếu DRL nhìn chung ở mức thấp, nhưng một số nhà đầu tư cho biết, họ không có nhu cầu bán, vì muốn nắm giữ dài hạn nhằm hưởng cổ tức.

Trong khi đó, giá cổ phiếu của Công ty từ khi niêm yết năm 2012 đến nay có xu hướng tăng là chủ đạo, từ 10.000 đồng/cổ phiếu lên trên 50.000 đồng/cổ phiếu.

Không đạt được mức chia cổ tức bằng tiền ổn định ở mức cao như DPR hay DRL, một số doanh nghiệp khác có mức chia cổ tức bằng tiền khá đều đặn, dù kết quả kinh doanh kém khả quan so với năm ngoái như Công ty cổ phần Thuỷ điện Thác Mơ (TMP), Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ (DVP)…

Chọn cổ phiếu theo kỳ vọng cổ tức ảnh 1

Không nên kỳ vọng nhiều

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, cổ phiếu của những doanh nghiệp thường xuyên chi trả cổ tức cao và có tỷ suất cổ tức (cổ tức/giá cổ phiếu) tương đương với lãi suất tiền gửi ngân hàng được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Bởi lẽ, ngoài khoản thu nhập cố định thì nhà đầu tư còn có cơ hội hưởng lợi từ giá cổ phiếu tăng.

Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện tại, nhà đầu tư không nên kỳ vọng quá nhiều vào giá tăng nhờ cổ tức, bởi thị trường quan tâm đến những thông tin khác nhiều hơn, nên kỳ vọng về cổ tức nhiều khả năng sẽ có tác động không lớn tới giá cổ phiếu, thậm chí có thể gọi là nhỏ.

Theo ông Khánh, hiện tại, các nhà đầu tư quan tâm nhiều đến các quyết định, định hướng chính sách của Ngân hàng Nhà nước, dù hạ lãi suất ở một số lĩnh vực nhưng tăng hệ số rủi ro bất động sản, giảm cho vay tiêu dùng, giảm hệ số tỷ lệ cho vay trên số dư huy động, giảm vốn huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, bên cạnh đó là các thông tin quốc tế như thương chiến Mỹ - Trung, chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), chiến tranh tiền tệ…

Thực tế cho thấy, khi có nhiều thông tin hỗ trợ hơn các thông tin tiêu cực thì thị trường chứng khoán sẽ tăng điểm, ngược lại sẽ giảm điểm và trong xu hướng chung đó thì diễn biến giá của những cổ phiếu riêng lẻ thường khó nằm ngoài xu hướng, ngoại trừ những mã có “câu chuyện riêng”.

Tin bài liên quan