Chọn cổ phiếu nào trong nửa cuối năm?

Chọn cổ phiếu nào trong nửa cuối năm?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Trần Xuân Bách, Giám đốc Vĩ mô và chiến lược thị trường, CTCP Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, VN-Index được dự báo sẽ hướng về vùng 1.175 - 1.225 điểm trong giai đoạn cuối năm 2023.

Ông dự báo như thế nào cho thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2023? Đâu là các yếu tố thuận lợi và bất lợi?

Trong nửa cuối năm 2023, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi như rủi ro địa chính trị, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, nhiều quốc gia lớn đối mặt nguy cơ suy thoái, lo ngại thị trường bất động sản xuống dốc, các doanh nghiệp gặp khó khăn sẽ ảnh hưởng đến nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần thêm thời gian để tái cơ cấu, một số doanh nghiệp bị khó khăn về dòng tiền cũng sẽ ảnh hưởng không tích cực tới thị trường cổ phiếu. Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết còn kém tích cực.

Tuy còn tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là các nguy cơ đến từ thế giới nhưng chúng tôi vẫn nhìn thấy các yếu tố hỗ trợ tích cực tới triển vọng thị trường nửa cuối năm như áp lực đồng USD tăng giá giảm bớt, từ đó giảm áp lực lên tỷ giá, tạo dư địa cho việc tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất trong nước và tiến tới khơi thông dòng vốn tín dụng cho các doanh nghiệp, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.

Bên cạnh đó, các yếu tố dài hạn khác như mức định giá hấp dẫn, các yếu tố tạo kỳ vọng trong trung-dài hạn như việc nâng hạng thị trường, và kỳ vọng sẽ có thêm những chính sách hỗ trợ mạnh hơn của Chính Phủ để tháo gỡ các khó khăn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn cuối năm.

Tóm lại, mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm cùng các chính sách hỗ trợ của nhà điều hành được kỳ vọng sẽ giúp thị trường chứng khoán có diễn biến tăng điểm trong nửa cuối năm.

Ảnh tác giả

Dòng tiền lớn đang và sẽ tiếp tục có xu hướng trở lại mạnh mẽ hơn vào thị trường chứng khoán trong thời gian tới

Ông Trần Xuân Bách - Giám đốc Vĩ mô và chiến lược thị trường, CTCP Chứng khoán Bảo Việt

Công ty Chứng khoán Bảo Việt dự báo kịch bản nào cho VN-Index vào cuối năm 2023?

Chúng tôi kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục tăng điểm tích cực trong nửa cuối năm 2023 nhờ mặt bằng lãi suất tiếp tục có xu hướng giảm, các chính sách hỗ trợ bắt đầu ngấm vào nền kinh tế và thị trường tài chính giúp thu hút dòng tiền lớn và cải thiện tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp. VN-Index được dự báo sẽ hướng về vùng 1.175-1.225 điểm trong giai đoạn cuối năm 2023.

Theo ông, những cổ phiếu/nhóm cổ phiếu nào sẽ nhận được sự chú ý của dòng tiền trong nửa cuối năm?

Trong nửa cuối năm, tôi cho rằng dòng tiền sẽ tập trung sự chú ý ở một số nhóm ngành như:

Các ngành duy trì được đà tăng trưởng lợi nhuận tích cực như công nghệ thông tin (FPT).

Các ngành có triển vọng kém khả quan ở đầu năm nhưng phục hồi về nửa cuối năm như bán lẻ (MWG), hàng tiêu dùng (VNM, MSN), thép (HPG).

Các ngành được hưởng lợi nhờ kỳ vọng chính sách nới lỏng tiền tệ và xu hướng lãi suất giảm như chứng khoán (VCI, SSI), ngân hàng (VCB, ACB, MBB), bất động sản (NLG, IDC).

Các ngành được hưởng lợi bởi các câu chuyện đầu tư công như xây dựng và vật liệu xây dựng (VCG, C4G, FCN).

Nhóm ngành được hưởng lợi từ mở cửa du lịch như hàng không, dịch vụ hàng không.

Nhóm được hưởng lợi bởi quy hoạch điện VIII và triển vọng khai thác các mỏ khí lớn như điện (PC1, HDG, QTP), dầu khí (PVS).

Dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân đã có dấu hiệu quay trở lại thị trường. Ông có thể chia sẻ đâu là chiến lược phù hợp với các nhà đầu tư cá nhân trong giai đoạn này?

Trong ngắn hạn, thị trường đang có sự phân hóa mạnh giữa các nhóm cổ phiếu, dòng tiền liên tục dịch chuyển qua các nhóm cổ phiếu, đặc biệt là các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ để tìm kiếm lợi nhuận. Do đó, nhà đầu tư có thể xem xét áp dụng chiến lược mua trading ngắn, tập trung ở các nhóm cổ phiếu chưa tăng, đang tạo nền tích lũy để đón đầu xu thế luân chuyển của dòng tiền.

Bên cạnh đó, với triển vọng tích cực của thị trường chứng khoán trong trung-dài hạn, nhà đầu tư có thể tìm kiếm các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có nền tảng cơ bản và tiềm năng tăng trưởng tốt nhưng đang ở vùng định giá thấp để mua đầu tư và nắm giữ với tầm nhìn trung-dài hạn.

Trong những phiên giao dịch gần đây, thanh khoản thị trường bắt đầu cải thiện. Liệu dòng tiền của các “cá mập” đã nhập cuộc?

Trong giai đoạn đầu năm, những khó khăn của thị trường trái phiếu, thị trường bất động sản kéo theo thanh khoản trên thị trường tài chính nói chung đi xuống. Cùng với triển vọng kinh tế ảm đạm, thị trường chứng khoán rơi vào giai đoạn suy giảm, thanh khoản sụt giảm mạnh, đặc biệt trong phiên 17/04 khi giá trị giao dịch trên HOSE đã tụt mạnh xuống chỉ còn 8.052 tỷ đồng.

Tuy vậy, thanh khoản đã sôi động trở lại khi thị trường chứng khoán diễn biến tăng điểm tích cực hơn khi bước sang tháng 5. Giá trị giao dịch trung bình phiên trên sàn HOSE trong tháng 5 đạt 12,27 nghìn tỷ đồng, trong khi tỷ lệ giá trị giao dịch trên vốn hóa cũng đạt 0,29%, mức cao nhất kể từ tháng 12/2022.

Sự cải thiện tích cực của thanh khoản có thể được lý giải bằng một số yếu tố sau: Mặt bằng lãi suất giảm giúp tăng tính hấp dẫn cho thị trường chứng khoán và tăng khả năng thu hút tiền từ các kênh đầu tư khác như kênh tiền gửi, trái phiếu… Các chính sách hỗ trợ nền kinh tế liên tiếp được ban hành nhằm tháo gỡ các nút thắt cho thị trường trái phiếu, thị trường bất động sản, thúc đẩy tăng trưởng… đã bắt đầu thẩm thấu dần vào nền kinh tế và thị trường tài chính, giúp phần nào cải thiện dòng tiền vào thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán tăng điểm và tạo ra nhiều cơ hội đầu tư hơn nhờ kỳ vọng chính sách và bức tranh tăng trưởng kinh tế sáng hơn ở cuối 2023 và bước sang năm 2024.

Với xu hướng giảm của mặt bằng lãi suất cùng triển vọng tích cực của thị trường chứng khoán trong nửa cuối 2023, tôi cho rằng, dòng tiền lớn đang và sẽ tiếp tục có xu hướng trở lại mạnh mẽ hơn vào thị trường chứng khoán trong thời gian tới.

Tin bài liên quan